Hải quân đánh bộ Việt Nam huấn luyện

Tuấn Vũ |

Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 101 thuộc Quân chủng Hải quân vừa tổ chức trọng thể lễ tuyên thệ cho 545 chiến sĩ mới nhập ngũ đợt 2 năm 2015.

Được biết, đây là những thanh niên của 7 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Trải qua 3 tháng huấn luyện, kiểm tra các khoa mục 100% chiến sĩ đạt yêu cầu, trong đó tỷ lệ khá giỏi đạt từ 78 đến 86%.

Đại diện chiến sĩ mới nhập ngũ đợt 2 năm 2015 tại Lữ Đoàn Hải quân đánh bộ 101 đã tuyên thệ trước Quân kỳ, và trân trọng đón nhận vũ khí từ chỉ huy đơn vị trao.

Các tân binh chính thức trở thành người chiến sĩ của QĐND Việt nam anh hùng, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với truyền thống của đơn vị 2 lần được nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân".

Lữ đoàn 101 có tiền thân là Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 còn Lữ đoàn 126 tiền thân là đoàn đặc công hải quân 126. Đến tháng 7/1978, một đơn vị hải quân đánh bộ khác được thành lập là Lữ đoàn 147.

Các đơn vị hải quân đánh bộ đã tham gia tích cực trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, tiêu diệt chế độ Khmer Đỏ để cứu nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng.

Tuy nhiên, năm 1983, Bộ Quốc phòng ra quyết định giải thể Lữ đoàn 101 và chuyển một số cán bộ chiến sĩ về tập trung xây dựng Lữ đoàn hải quân đánh bộ 126. Gần 19 năm sau, vào ngày 26/4/2002, Bộ Quốc phòng lại quyết định tách Lữ đoàn 126 thành 2 đơn vị.

Một đơn vị vẫn mang phiên hiệu 126 nhưng là đặc công hải quân còn đơn vị kia được đổi phiên hiệu thành Lữ đoàn 101 hải quân đánh bộ. Như vậy, hiện tại lực lượng hải quân đánh bộ Việt Nam gồm 2 lữ đoàn là 147 và 101.


Xe tăng PT-76 di chuyển vào trong tàu đổ bộ tự đóng của Việt Nam để chuẩn bị cho diễn tập.

Xe tăng PT-76 di chuyển vào trong tàu đổ bộ tự đóng của Việt Nam để chuẩn bị cho diễn tập.

Về trang bị vũ khí, các đơn vị hải quân đánh bộ có tàu đổ bộ, xe tăng lội nước, thiết giáp cho đến các vũ khí cá nhân…

Về cơ bản, kho vũ khí của Hải quân đánh bộ Việt Nam phần lớn lạc hậu với những loại đã được sản xuất từ những thập niên 1960, 1970 như tàu đổ bộ LST-542 của Mỹ, Polnocny của Ba Lan hay xe tăng lội nước PT-76 của Liên Xô, Type-63 của Trung Quốc…

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang bắt đầu hiện đại hóa dần kho vũ khí cho hải quân đánh bộ để lực lượng này có thể đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đó là các dự án đóng xuồng đổ bộ cỡ nhỏ và trang bị súng trường tấn công hiện đại TAR-21 của Israel cho hải quân đánh bộ.

Súng trường TAR-21 được cho là một trong những loại súng trường tấn công tiên tiến trên thế giới độ chính xác cao với công nghệ chế tạo và vật liệu tổng hợp tiên tiến.

Với thiết kế gọn, trọng lượng nhẹ hơn khẩu AK truyền thống, TAR-21 đáp ứng tốt yêu cầu tác chiến trên địa hình đồi núi mà còn cả trong đô thị.

Biến thể CTAR-21 xuất hiện trong Hải quân đánh bộ Việt Nam có chiều dài ngắn hơn bản tiêu chuẩn, vì vậy, súng được đánh giá là khá phù hợp trong tác chiến, nhất là cách thức tấn công của các đơn vị lính đặc biệt cũng như địa hình rừng cây, đồi núi ở Việt Nam.

Đặc biệt, phiên bản TAR-21 hiện đại có sự hỗ trợ của kính ngắm điểm đỏ (red dot), kính ngắm quang học hoặc thiết bị hỗ trợ ngắm bắn EOTech.

Các chuyên gia quân sự cho rằng rằng, TAR-21 hiện đại hơn M-16 của Mỹ, cho phép người sử dụng có thể lấy đường ngắm chính xác dù cách xa mục tiêu hàng trăm mét mà không yêu cầu cao thao tác phức tạp, ưu điểm này này tạo lợi thế trong điều kiện tác chiến nhanh.

Mặc dù hiện nay vũ khí còn nhiều loại lạc hậu nhưng với chương trình hiện đại hóa quân đội nói chung và nhất là hải quân đánh bộ lại thuộc Quân chủng Hải quân - lực lượng được ưu tiên đầu tư để tiến lên hiện đại, chắc chắn hải quân đánh bộ thời gian tới sẽ được đầu tư mạnh hơn nữa để tăng cường sức mạnh chiến đấu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại