Giới chuyên gia: Mỹ không thể “bắt chước” động cơ tên lửa RD-180 của Nga

Đức Dũng |

Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây đã ký hai hợp đồng chế tạo động cơ tên lửa mới để thay thế cho động cơ RD-180 hiện vẫn đang phải nhập của Nga. Theo hợp đồng, các động cơ này sẽ được giao cho Mỹ trước năm 2020.

Theo thông báo mới được Lầu Năm góc đưa ra, Bộ Quốc phòng Mỹ đã giao cho công ty United Launch Services (ULA) và công ty Aerojet Rocketdyne các hợp đồng chế tạo động cơ tên lửa có giá trị lần lượt là 46,6 triệu USD và 115,3 triệu USD nhằm thay thế cho động cơ tên lửa RD-180 đang phải nhập của Nga.

Theo các điều kiện của hợp đồng, công ty Aerojet Rocketdyne sẽ chế tạo các động cơ AR1. Trong khi đó, ULA có trách nhiệm thiết kế động cơ tên lửa Vulcan BE-4 và thiết bị phóng Advanced Cryogenic Evolved Stage (ACES).

Các sản phẩm này sẽ được phục vụ cho các nhu cầu phóng tên lửa vào vũ trụ để đảm bảo an ninh quốc gia Mỹ và sẽ phải giao cho bên đặt hàng là lực lượng Không quân Mỹ không muộn hơn ngày 31/12/2019.

Được biết, trong năm 2014, do có những bất đồng với Nga xung quanh vấn đề Ukraine nên Quốc hội Mỹ đã ban hành lệnh cấm mua động cơ tên lửa RD-180 từ Nga.

Tuy nhiên, ngân sách quốc phòng Mỹ trong năm 2015 vẫn có khoản chi để mua loại động cơ tên lửa này. Do đó, Lầu Năm góc đã xây dựng kế hoạch giao cho các công ty tư nhân thiết kế loại động cơ thay thế cho động cơ này của Nga.

Theo thành viên Hội đồng chuyên gia thuộc Ủy ban Công nghiệp - Quốc phòng Nga, chuyên gia quân sự Viktor Mukharovsky, người Mỹ sẽ không thể thành công trong việc chế tạo động cơ tên lửa thay thế trong khoảng thời gian ngắn như vậy.

“Điều không hề bí mật là trong giai đoạn căng thẳng trong quan hệ với Nga, ngân sách Mỹ đã không có khoản chi tiêu để mua động cơ của Nga.

Tuy nhiên, tình hình thực tế vẫn buộc ngân sách quân sự Mỹ năm 2016 dành ra khoản chi phí để mua thêm 20 động cơ RD-180, đồng thời vạch ra chương trình chế tạo động cơ tên lửa riêng của mình.

Tôi có cảm tưởng rằng thời hạn đặt ra như vậy là quá ngắn để có thể thành công. Người Mỹ ngay từ giữa những năm 1990, khi bắt đầu nhận các động cơ tên lửa RD-180, đã cố gắng “bắt chước” nhưng không đem lại bất cứ kết quả nào.

Do đó, càng không có khả năng để nói về việc chế tạo một loại động cơ tên lửa hoàn toàn mới” - Mukharovsky bình luận trên đài Sputnik.


Nhà máy chế tạo động cơ tên lửa RD-180 của Nga.

Nhà máy chế tạo động cơ tên lửa RD-180 của Nga.

Mukharovsky cũng không loại trừ khả năng rằng sau khi tiến hành thành công các cuộc bầu cử Tổng thống, Mỹ sẽ phải quay lại mua động cơ RD-180 của Nga.

"Tôi không loại trừ khả năng sau khi lên nắm quyền, Tổng thống mới của Mỹ sẽ dần hủy bỏ chương trình này (chế tạo động cơ tên lửa riêng của Mỹ) và cuối cùng quay lại mua động cơ của Nga.

Điều đó là do xét về mặt chất lượng, hiệu quả, các yếu tố kỹ thuật - khoa học, động cơ của Nga hoàn toàn không có đối thủ cạnh tranh trên thế giới, ít nhất là trong vòng 10 năm nữa” - Mukharovsky nhấn mạnh.

Mukharovsky cũng cho rằng trong trường hợp Mỹ từ chối mua các động cơ RD-180, thiệt hại đối với Nga vẫn là không đáng kể.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ RIA Novosti, một trong những hãng tin lớn nhất tại Nga, đặt trụ sở chính tại Moscow và hơn 80 văn phòng trên khắp thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại