Giải mật vụ bắn hạ máy bay tàng hình F-117 Mỹ

Lực lượng phòng không Nam Tư tháng 3.1999 đã bắn rơi 1 máy bay F-117A, thời điểm đó được coi là “bí mật” nhất của Không lực Mỹ. Sự kiện gây chấn động nhưng bị phía Mỹ giấu nhẹm.

Câu chuyện đã xảy ra thế nào? Tạp chí Tiếng nói nước Nga đăng bài phỏng vấn người đã tham gia trực tiếp trận đánh này, ông Dragan Matic

Bộ chỉ huy chiến lược NATO tại Brussels ngày 27.3.1999 rất lâu không thể tin được một sự thật hiển nhiên. Lần đầu tiên trong lịch sử khai thác sử dụng chiếc máy bay “bí mật nhất” (top secret) của không quân Mỹ F-117А không những nó bị phát hiện bởi lực lượng phòng không Nam Tư, mà còn bị bắn rơi không xa Belgrade.

Một mảnh của F-117A bị bắn rơi
Một mảnh của F-117A bị bắn rơi.
Tên lửa của Serbian S-125 / SA-3 Goa đã bắn rơi F-117A Nighthawk
Tên lửa của Serbia S-125 /SA-3 Goa đã bắn rơi F-117A Nighthawk.

Đây là một đòn đánh rất mạnh vào nền công nghiệp quốc phòng Mỹ và tập đoàn sản xuất vũ khí Lockheed. Năm Góc khẳng định rằng đã xảy ra một lỗi kỹ thuật nào đó và chiếc máy bay tàng hình đã rơi và vỡ tan tành trong một góc rừng nào đó của Serbia. Các nhà quân sự Mỹ không thừa nhận cho đến tận ngày 25.11, rằng chiếc F-117A bị bắn rơi bởi tên lửa phòng phông của Xô viết.

Sự thật phũ phàng bị che giấu không những đối với những người dân Mỹ, mà còn đối với một số lượng đông đảo những người đặt hàng, đã ký kết hợp đồng với tập đoàn Lockheed. Máy bay tàng hình F-117A rất nổi tiếng trên thế giới. Tiêu diệt niềm tự hào của nền công nghiệp hàng không quân sự Mỹ với giá trị lên đến 50 triệu dollars là tổ hợp tên lửa của Serbia với nhãn hiệu "Made in USSR". Và nhấn nút “Phóng” là trắc thủ tên lửa Dragan Matic. Ông đã kể lại chi tiết trận đánh này như sau:

"Ngày 24/03/1999 chúng tôi cơ động rời khỏi nơi đóng quân và cơ động vào khu vực ngoại vi Belgrad. Ba ngày liên tiếp tình hình tương đối yên ả. Chúng tôi thực hiện các nhiệm vụ, những công việc thông thường theo mệnh lệnh của chỉ huy trưởng.

Nhiệm vụ quan trọng nhất, không bị hệ thống radars cảnh báo sớm AWACS phát hiện, đặc biệt trong trường hợp NATO sử dụng các máy bay tàng hình F-117A. Chúng tôi đóng quân ở làng Shimanovtsy. Ngày 27/04, cuối giờ chiều lữ đoàn chúng tôi đang trong thời gian trực sẵn sàng chiến đấu, chúng tôi ngồi trên xe điều khiển.

Đồng nghiệp của tôi thực hiện nhiệm vụ theo dõi thông báo rằng có tiếng ồn nhiễu xạ rất lớn trong không gian, và từng giây tiếng ồn càng gần trận địa của chúng tôi.

Sau đó khoảng 5 phút. Đài radar trinh sát thông báo mục tiêu tiến đến gần khẩu đội của chúng tôi. Sĩ quan chỉ huy chăm chú quan sát màn hình radar và nhận chỉ thị mục tiêu từ đài trinh sát. Mục tiêu tiến thẳng đến vị trí của khẩu đội.

Chúng tôi đã phát hiện ra nó. Tôi chăm chú nhìn màn hình và nhìn thấy tín hiệu rất rõ của mục tiêu, tôi báo cáo sĩ quan chỉ huy, mục tiêu đã bị khóa bởi các khí tài, sẵn sàng tiêu diệt. Sau khi có lệnh “Bắn” tôi nhấn nút, 17s sau, mục tiêu bị tiêu diêt. Tên lửa đầu tiên xé tan cánh của chiếc chiến đấu cơ tàng hình tối tân, tên lửa thứ 2 đánh trúng máy bay. Phi công vội nhảy dù, còn máy bay vỡ tan trên mặt đất.

Điều huyền hoặc của các kỹ sư và phi công Mỹ là F-117A là máy bay F-117 sử dụng công nghệ tàng hình stealth được cho là vô đối cho tới điểm đó. Tất cả công nghệ Stealth đảm bảo cho máy bay tàng hình trong điều kiện sóng radars có tần số cao. Nhưng đối với các radars hoạt động với tần số thấp, máy bay mất tính năng tàng hình. Chính vì vậy chúng tôi đã phát hiện ra nó trên khoảng cách đến 50 km và đợi khi nó bay qua khẩu đội chúng tôi để tiêu diệt.

Máy bay tàng hình có tín hiệu phản xạ hiệu dụng yếu hơn so với các máy bay thông thường khác, nhưng dù sao chăng nữa nó vẫn xuất hiện trên màn hình radar. Có thể phi công đã sai hoặc nhầm lẫn khi điều khiển máy bay, nhưng F-117 đã bay trên độ cao 5 km và đi thẳng vào vùng hỏa lực của tên lửa.

Chúng tôi đã bắn hạ chiếc máy bay bí mật và nguy hiểm nhất của không quân Mỹ. Phi công nhảy dù và lẩn trốn vào rừng. Sau 5 giờ lực lượng đặc nhiệm cứu hộ Mỹ trên một số trực thăng đã đổ bộ và cứu được phi công. Ngày hôm sau anh ta đã có mặt ở căn cứ "Aviano", cách không xa Venice. Khi bắn hạ chiếc máy bay, chúng tôi lập tức cùng với binh khí kỹ thuật cơ động khỏi trận địa. Càng nhanh chóng rời khỏi vị trí hỏa lực, càng có nhiều khả năng sống sót trong đợt tập kích hỏa lực của đối phương lên trận địa đã bị phát hiện.

Chúng tôi cơ động liên tục 24 lần trong vòng 3 tháng không kích. Cơ động liên tục đã bảo vệ sự an toàn cho đơn vị. Trong khẩu đội không có ai hy sinh, trong lữ đoàn phòng không của chúng tôi chỉ có 9 người bị chết vì không kích. "

Sau khi khẩu đội tên lửa SA – 3 của Dragan Matic bắn hạ chiếc F-117A thuộc loại vũ khí tối mật của Mỹ, Nhà Trắng và Lầu Năm góc đã đề nghị chính phủ Nam Tư trả lại những mảnh vụn của chiếc tàng hình. Nhưng Belgrad đã từ chối, hiện nay mảnh vỡ của F-117A đang nằm trong bảo tàng của không quân. Tiếp tục câu chuyện với nguyên trắc thủ Dragan Matic:

- Kíp trắc thủ của các ông đã hành động chuẩn xác và thuần thục. Sao người Mỹ với hệ thống trang thiết bị điện tử hiện đại và hệ thống cảnh báo sớm AWACS lại bỏ qua không phát hiện được và để cho chiếc tàng hình trúng tên lửa?

- Chúng tôi bảo vệ đất nước và thực hiện sứ mệnh của người lính. Trong chiến đấu chúng tôi cũng là mục tiêu, các vệ tinh trinh sát quân sự theo dõi chúng tôi, các hệ thống AWACS phát hiện các đơn vị tên lửa của chúng tôi và tấn công. Vì vậy chúng tôi cố gắng không phát sóng chủ động sục sạo mục tiêu vào không gian. Nếu radar của chúng tôi phát trong vòng 20s các hệ thống trinh sát và cảnh báo sớm của NATO sẽ phát hiện và chúng tôi sẽ bị tiêu diệt. Tấn công chúng tôi sẽ là tên lửa hành trình Tomahawks và các loại tên lửa hành trình có điều khiển khác hoặc một loạt bom có lượng nổ lớn.

Ý kiến của tôi về máy bay tàng hình công nghệ “stealth” thế nào ư? Họ sản xuất các máy bay này với số lượng lớn nhằm bán cho các đồng mình trên toàn thế giới. Máy bay đắt đến điên rồ - hơn 50 triệu USD cho một chiếc. Có quá nhiều thông tin về máy bay tàng hình, nhưng tất cả chỉ là quảng cáo của Lầu Năm Góc  mà thôi. Máy bay có tốc độ không cao, không có khả năng tự vệ tốt và chỉ có hai quả bom điều khiển trên thân. Đồng thời nó phải bay rất gần mục tiêu mới có thể tấn công chính xác được.

- Khẩu đội của ông có hạ thêm được máy bay nào nữa không?

Cuộc không kích của NATO vào Belgrad
Cuộc không kích của NATO vào Belgrad.

- Trong những ngày không kích Nam Tư, Không quân NATO bắt đầu tấn công vào lúc 20h00. Tất cả các máy bay đều bay theo một lộ trình nhất định và cũng theo lộ trình đó quay về căn cứ. Chúng tôi phát hiện rất nhanh đặc điểm đó. Tất cả các máy bay đều rơi vào tầm ngắm của chúng tôi trong khoảng cách từ 40 – 50 km tới trận địa. Các phi công Mỹ và NATO luôn duy trì chính xác kế hoạch và thực hiện chuẩn xác mệnh lệnh. Có đường bay, có nhiệm vụ, và họ không lệch 1 mm khỏi đường bay và thời gian thực hiện. Chúng tôi đã hiểu được kế hoạch của họ và điều đó đã giúp cho sự an toàn của chúng tôi và lực lượng phòng không.

Ngoài chiếc F-117, chúng tôi còn bắn trúng 1 chiếc nữa. Nhưng máy bay cố bay được đến Croatia và hạ cánh. Không có sự thừa nhận chính thức, về điều này các báo có viết, có chụp ảnh. Đó là ngày 30.5. Trước đó chúng tôi bắn rơi một F – 16. Phi công là chỉ huy trưởng một không đoàn, có nhiệm vụ tiêu diệt lực lượng phòng không Serbia. Khi bị bắn rơi, cả một đội máy bay trực thăng đặc nhiệm đổ bộ ồ ạt để cứu hộ nhân vật quan trọng này – 4 máy bay trực thăng và 10 máy bay chiến đấu yểm trợ cho lần cứu hộ. Phi công này đã tham gia chiến dịch “Bão táp sa mạc” tham gia ném bom người Serbia ở Bosnia và Herzegovina . Đây là một phi công lão luyện, có nhiều kinh nghiệm, nhưng chúng tôi đã bắn hạ chiếc máy bay huyền thoại của ông ta.

Chúng tôi cũng đã bắn rơi cả máy bay tàng hình B-2. Tất nhiên, cũng không có sự thừa nhận nào. Lực lượng trinh sát điện tử đã thu được cuộc trao đổi giữa phi công và các máy bay cảnh báo sớm AWACS. Phi công kêu cứu: “Chúng tôi bị trúng tên lửa, hãy cứu”. Máy bay đã cố lết đến Hungary. Chúng tôi đã chiến đấu và bắn rơi máy bay địch – hệ thống vũ khí của chúng tôi đã cũ kỹ, còn của đối phương rất hiện đại, nhưng chúng tôi đã sử dụng thông minh và chứng tỏ rằng, chúng tôi có thể đáp trả xứng đáng.

- Tại sao, theo ý kiến của ông, các nước NATO tiến hành cuộc chiến tranh chống Nam Tư?

Bom casset, được sử dụng trong cuộc không kích Nam Tư
Bom casset, được sử dụng trong cuộc không kích Nam Tư.

- Thứ nhất, để trừng phạt chúng tôi về Kosovo . Thứ hai, quan trọng hơn, để quảng cáo và thử nghiệm vũ khí mới trong điều kiện tác chiến cụ thể, đồng thời hủy các loại vũ khí tồn kho cũ, để có thể mua sắm mới. Hàng trăm tỷ USD được chi cho nền công nghiệp sản xuất vũ khí Mỹ. Lầu Năm Góc yêu cầu trang bị và Nhà trắng cung cấp tài chính. Trên lãnh thổ của Nam Tư lần đầu tiên thử nghiệm bom có sửc hủy diệt đến 2,5 tấn. Nam Tư đã bị chia rẽ từ năm 1991 – 1992.

Chúng tôi, những người Serbia làm phương Tây khó chịu, họ cần bẻ gãy ý chí chúng tôi. Họ tấn công không phải để chống ông Milosevic, đó chỉ là bình phong. Phương Tây muốn bẻ gãy ý chí của một dân tộc và đưa họ vào quyền quản lý và khống chế, Họ đã ném xuống Nam Tư đủ các loại vũ khí chết người – đạn uranium nghèo, bom casset. Đất nước chúng tôi biến thành bãi thử vũ khí và thử nghiệm các chiến lược của NATO.

Từ bài phỏng vấn của một nhân chứng tham gia chiến tranh, có thể thấy rõ những đặc điểm của chiến tranh hiện đại, trong đó có nhân tố sử dụng máy bay công nghệ tàng hình (stealth).

Thứ nhất: Máy bay tàng hình hoàn toàn không thể tàng hình toàn bộ, trên một số dải tần nhất định máy bay vẫn hiện nguyên trên màn hiện sóng radar, đặc biệt với radar thế hệ cũ, sử dụng bước sóng dài hoặc các radar thụ động. Từ đó đưa ra được một nguyên lý tác chiến chống tàng hình, đó là sự phối hợp giữa radar thụ động và radars chủ động của tên lửa. Chỉ ở thời điểm nhất định, khi các radars trinh sát đã chỉ thị mục tiêu đến khu vực hỏa lực của tên lửa. Lúc đó mới sử dụng radar chủ động phóng tên lửa.

Thứ hai: Mối nguy hiểm lớn nhất của lực lượng phòng không chính là hệ thống trinh sát tầm xa, cảnh báo sớm AWACS. Đây là hệ thống tác chiến điện tử vô cùng nguy hiểm, nó cho phép quan sát trên một không gian rộng lớn, dẫn bắn cho tên lửa hành trình và bom điều khiển chính xác. Khả năng duy nhất bảo vệ được sức chiến đấu của các lực lượng phòng không là cơ động, liên tục thay đổi trận địa và ngụy trang giữ bí mật tối đa trận địa. Hệ thống phòng không phải biến đổi nhanh, không có quy luật lặp lại, nhằm đảm bảo tối đa khả năng xác định sơ đồ hệ thống để địch có thể tấn công.

Thứ ba: Vũ khí nguy hiểm nhất trong chiến tranh hiện đại chính là tên lửa hành trình các loại có độ chính xác cao như Tomahawk và các tên lửa có tính năng tương đương. Để phòng thủ tốt cần có một hệ thống phòng không chống tên lửa hành trình nhằm vô hiệu hóa và giảm thiểu tối đa những tổn thất gây ra của loại vũ khí này.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại