Giải hồ sơ mật: Không quân vận tải 919 chi viện chiến trường Lào

Nguyễn Pháp |

Tính đến giữa năm 1962, Trung đoàn Không quân vận tải 919 đã chi viện cho chiến trường Lào 3.821 chuyến bay, vận chuyển 9.419 lượt bộ đội, 743 tấn vũ khí, lương thực, thả 3.327 chiếc dù hàng...

Tháng 8/1960, Trung đoàn Không quân vận tải 919 đã được Chính phủ và Bộ quốc phòng giao nhiệm vụ:

Sử dụng mọi loại máy bay hiện có, lập cầu hàng không vận chuyển bộ đội, vũ khí, lương thực, chuyên chở thương binh, đưa đón cán bộ chính phủ và quân đội Lào... đến các sân bay vừa được giải phóng.

Máy bay của không quân Việt Nam bay chi viện chiến trường Lào

Sau khi quân tình nguyện Việt Nam và bộ đội Pathét Lào giải phóng sân bay Sầm Nưa, thuộc tỉnh Hủa Phăn, Cục Hàng không đã cử một tổ chuyên gia sân bay trực tiếp sang khảo sát, triển khai máy móc, thiết bị thông tin liên lạc, sửa chữa nhanh sân đường, dọn các chướng ngại vật hai đầu sân bay... để chuẩn bị tiếp thu máy bay hạ cánh.

Ngày 11/12/1960, tổ bay Li-2 do Nguyễn Doạt, Lê Văn Nha lái chính, cùng tổ bay cất cánh từ sân bay Gia Lâm đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Sầm Nưa lập cầu hàng không vận chuyển bộ đội, vũ khí, lương thực, thuốc men cấp cứu và vận chuyển thương binh từ mặt trận về Hà Nội điều trị.

Thời gian này, các tổ bay trực thăng Mi-4 hoàn thành nhiều chuyến bay phục vụ các đồng chí lãnh đạo Mặt trận yêu nước Lào đi chỉ đạo chiến đấu và thăm các địa phương vừa được giải phóng.

Sân bay cánh đồng Chum (Xiêng Khoảng) được giải phóng, các tổ bay Li-2, Il-14 đã liên tục vận chuyển, tiếp tế cho quân tình nguyện và bộ đội Pathét Lào phát huy thắng lợi, giải phóng nhiều địa phương khác.

Những khu vực chiến sự ác liệt cần tiếp tế, máy bay không thể hạ cánh được thì hàng hóa được đóng gói và thả dù từ trên không bằng máy bay Li-2, Il-14.

Khi vùng Thượng Lào được giải phóng, một số địa phương có sân bay dã chiến như Mường Xài, Mường Xing... lập tức cầu hàng không từ sân bay Nà Sản (Điện Biên) của Việt Nam hoạt động liên tục.

Có vùng chiến sự ác liệt, bộ đội ta và bạn Lào thiếu vũ khí, lương thực, tổ bay An-2 do Phan Như Cẩn, Lê Văn Quyến, Hoàng Minh Khôi, Trần Văn Nam đã tiến hành chuyến bay chở 4 đồng chí nhảy dù xuống đỉnh đồi Hứa Mường khảo sát nhanh.

Các đồng chí đã điện đàm cho tổ bay và đốt khói để xác định hướng gió, tổ bay quyết tâm hạ cánh an toàn, lập ra một sân bay dã chiến rất kịp thời nhưng khá nguy hiểm vì bãi đất chỉ rộng 25 m, dài chưa đầy 400 m, độ cao hơn 800 m so mới mực nước biển.

Liên tiếp sau đó, nhiều chuyến bay An-2 đã tiếp tế kịp thời vũ khí, lương thực cho mặt trận giành thắng lợi.

Đầu năm 1962, để chi viện trực tiếp cho chiến dịch giải phóng Nậm Thà (Thượng Lào), toàn bộ lực lượng Không quân Vận tải 919 tập trung phục vụ chiến dịch vận chuyển bộ đội, lương thực, vũ khí từ các sân bay Nà Sản của Việt Nam sang sân bay Nậm Thà.

Mấy tháng trời ròng rã, liên tục, không kể ngày chủ nhật, các tổ bay đã chịu đựng thiếu thốn, ăn uống thất thường.

Sau khi chở hàng sang các sân bay bạn không có người bốc dỡ hàng, tổ bay phải tự bốc hàng xuống để kịp về bay chuyến sau, chỉ kịp uống vài ngụm nước, ăn vội vài ống cơm lam do các bà mẹ Lào mang tặng.

Các phi công vô cùng cảm động và quên hết mệt nhọc, phục vụ đắc lực hơn, góp phần to lớn vào chiến công của quân tình nguyên và bộ đội Pathét Lào giành thắng lợi hoàn toàn giải phóng vùng Nậm Thà (Thượng Lào) giữa năm 1962.

Tính đến giữa năm 1962, Trung đoàn Không quân vận tải 919 đã chi viện cho chiến trường Lào 3.821 chuyến bay, vận chuyển 9.419 lượt bộ đội, 743 tấn vũ khí, lương thực, thả 3.327 chiếc dù hàng.

Ngoài ra, còn vài chục lần đón, chở các đồng chí lãnh đạo nhà nước, quân đội Lào đi thăm các địa phương Lào và chuyên chở sang Việt Nam chữa bệnh kịp thời.

Trung đoàn 919 còn giúp nước bạn xây dựng các căn cứ sân bay ở Trung - Thượng Lào, các cơ sở và bảo đảm KTHK, đã huấn luyện, đào tạo hai tổ bay An-2 và một số nhân viên làm công tác KTHK.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại