Đưa tàu hậu cần lớn nhất xuống biển Đông, TQ bắt đầu một âm mưu?

Ly Vy |

(Soha.vn) - Việc đưa tàu hậu cần lớn nhất xuống biển Đông cho thấy ý đồ của Trung Quốc trong việc duy trì thường xuyên các tàu chiến tại khu vực này.

Theo Thời báo Hoàn Cầu, hôm 31/5 Hải quân Trung Quốc đã đưa tàu tiếp tế Fuchi đến Quảng Đông, hiện tàu này đang trên đường tới biển Đông. Vậy lớp tàu hậu cần này có gì đặc biệt và tại sao Trung Quốc lại đưa xuống biển Đông?

Tàu hậu cần Type 903 mang tên Weishanhu của Hạm đội Nam Hải, Trung Quốc.

Tàu hậu cần Type 903 số hiệu 887 mang tên Weishanhu của Hạm đội Nam Hải, Trung Quốc.

Các tàu hậu cần Type 903 lớp Fuchi được bắt đầu đưa vào biên chế của Hải quân Trung Quốc từ năm 2003. Một số thông tin từ báo chí cho rằng con tàu được đưa xuống biển Đông mang tên Fuchi là không chính xác vì Fuchi là định danh lớp tàu theo cách đặt tên của NATO, bản thân con tàu này là Type 903 lớp Qiandaohu.

Hiện nay Hải quân Trung Quốc đang có 4 tàu hậu cần lớp Fuchi/Qiandaohu phân bố cho 3 hạm đội, trong biên chế của hạm đội Nam Hải là chiếc Type 903 số hiệu 887 mang tên Weishanhu. Tuy nhiên theo thông tin đưa ra thì Trung Quốc lại đưa tàu Type 903A (bản nâng cấp của Type 903) xuống biển Đông. Hiện tại Trung Quốc có 2 chiếc Type 903A thuộc biên chế hạm đội Bắc Hải và hạm đội Đông Hải.

Tàu hậu cần Type 903 có chiều dài 178,5m; rộng 24,8m; lượng giãn nước 20.500 tấn. Type 903A là bản nâng cấp có lượng giãn nước lên đến 23.000 tấn; tốc độ tối đa 19 hải lý/giờ; tầm hoạt động 10.000 hải lý; số lượng sĩ quan và thuyền viên trên tàu lên đến 130 người.

Do là tàu hậu cần nên Type 903 và Type 903A được trang bị các hệ thống dây treo đặc biệt giúp chuyển các ống tiếp nhiên liệu hàng hóa sang tàu khác. Ngoài ra trên tàu còn có sàn đáp và nhà chứa cho 2 trực thăng Z-8, vũ khí tự vệ của tàu là 2 pháo 37mm nòng đôi Type-76F.

Tàu Weishanhu đang tiếp liệu cho 2 tàu khu trục của Hạm đội Nam Hải.

Tàu Weishanhu đang tiếp liệu cho 2 tàu khu trục của Hạm đội Nam Hải.

Vậy các tàu Type 903/903A có gì đặc biệt để Trung Quốc đưa xuống biển Đông? Cần biết là trước đây và hiện nay Hải quân Trung Quốc vốn rất yếu về khả năng hoạt động xa bờ trong khi tham vọng của Trung Quốc là phát triển Hải quân xanh dương (Hải quân hoạt động xa bờ) thì ngoài điều kiện cần là các tàu chiến viễn dương thì điều kiện đủ còn phải có trong tay các tàu hậu cần cỡ lớn.

Nhân thấy điểm yếu trên, Trung Quốc đã ra sức phát triển Type 903 dựa trên nguyên mẫu tàu hậu cần T-AKE của Hải quân Mỹ (tuy nhiên các tàu T-AKE của Mỹ hoàn toàn vượt trội Type 903). Bên cạnh việc đóng tàu hậu cần, Hải quân Trung Quốc đã bắt đầu thực hành việc tiếp nhiên liệu và hàng hóa trên biển từ 20 năm nay, khoa mục tiếp tế nhiên liệu trên biển trong khi 2 tàu đang chạy luôn là tình huống cực kỳ dễ xảy ra tai nạn do các tàu cần phải chạy đồng tốc và song song ở khoảng cách khá gần trong điều kiện biển luôn luôn thay đổi, nếu không có nhiều kinh nghiệm thì rất dễ dẫn đến trường hợp va chạm gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Trong những năm gần đây Trung Quốc đã bắt đầu đưa các tàu Type 903 tham gia nhiệm vụ chống hải tặc ở vùng biển Somali. Tàu Type 903 có nhiệm vụ tiếp nhiên liệu, lương thực, nước uống, hàng hóa,... cho tàu chiến của Trung Quốc ở khu vực này và đồng thời huấn luyện khả năng tác chiến có tàu hậu cần ở vùng biển xa lạ.

Tàu hậu cần Type 903A số hiệu 889 mang tên Taihu

Tàu hậu cần Type 903A số hiệu 889 mang tên Taihu

Việc Trung Quốc đưa tàu tiếp tế cỡ lớn này xuống biển Đông có thể vì một số nguyên do sau: tiếp tế cho tàu chiến và tàu hải cảnh của đang hoạt động xung quanh khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, do hiện tại có rất nhiều tàu Trung Quốc ở khu vực này và căn cứ tại đảo Phú Lâm không thể đáp ứng được hết. Tiếp nữa là có thể đây là bước khởi đầu cho việc Trung Quốc đưa các tàu chiến cỡ lớn xuống hoạt động dài ngày tại khu vực biển Đông.

Tàu hậu cần T-AKE của Hải quân Mỹ

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại