Với việc Nga tham chiến, cung cấp vũ khí, yểm trợ hỏa lực cho quân đội chính phủ Syria (SAA), tình thế trên chiến trường Syria ngày càng có lợi cho Tổng thống Assad.
Phe nổi dậy dù được viện trợ từ nguồn vũ khí dồi dào, đang dần thất thế trên chiến trường. Đó có lẽ là lý do mà Arab Saudi sẽ đưa lục quân vào Syria nhằm trợ giúp FSA lấy lại vị thế, dưới chiêu bài “chống IS” mà Nga cũng đang sử dụng, nhưng liệu có khả thi?
Được đánh giá mạnh nhất nhì Trung Đông…
Nhắc đến Arab Saudi, người ta liên tưởng tới ngay một quốc gia dầu mỏ giàu có của vùng Trung Đông, Saudi cũng không tiếc tay vung tiền, tính riêng năm 2015 là 81 tỷ USD, để mua các loại vũ khí hiện đại bậc nhất từ Mỹ, châu Âu và Nga.
Trong đó có thể kể đến như xe tăng Leclerc, M1A2SA, BMP-3, M2 Bradley...bản thân binh lính Saudi cũng được vũ trang đến tận rang với các loại súng trường G-36, AUG từ Đức và Áo.
Nhìn vào số trang bị khổng lồ của hải, lục, không quân của Arab Saudi, người ta dễ dàng đánh giá quân đội Arab Saudi một trong các lực lượng quân sự mạnh nhất Trung Đông.
Tiêm kích đa năng F-15S của Không quân Saudi.
Nhưng sự thật thì…
Tăng là sắt, con người mới là thép, đáng tiếc thay, binh sĩ Saudi đã cho thấy rằng họ chẳng khác nào những con hổ giấy khoác lên mình bộ giáp đắt tiền.
Từ khi đưa quân vào tham chiến ở Yemen, quân đội Arab Saudi chỉ phải đối đầu với lực lượng quân sự yếu hơn mình rất nhiều.
Họ là ai? Đó là những người nông dân của dân quân Houthi, là những người lính Yemen trung thành với tổng thống Saleh, trang bị của họ chủ yếu là hạng nhẹ.
Vậy nhưng suốt nhiều tháng ròng, liên quân do Arab Saudi dẫn đầu vẫn không thể có nổi một trận đánh ra hồn với quân địch.
Làm chủ hoàn toàn bầu trời với các máy bay F-15, F-16, nhưng các mũi tấn công bằng thiết giáp của quân đội Saudi luôn bị phục kích, đánh trả quyết liệt và không thể nào tiến lên được.
Một điều hết sức thú vị là trong những trận phục kích này, thiệt hại về người của quân đội Saudi rất ít, đó là bởi khi bị Houthi phục kích, binh lính Arab Saudi bắn trả lấy lệ rồi bỏ chạy, để lại cho đối phương rất nhiều xe thiết giáp mỗi trận, trị giá lên đến hàng triệu đô.
Không chỉ có M113, M2 Bradley hay xe bọc thép kháng mìn MRAP mà quân Saudi còn bỏ lại cả xe tăng M1A2SA, một trong những xe tăng hiện đại nhất thế giới.
Việc bị phục kích và vứt bỏ hàng đống xe thiết giáp đã trở thành việc thường nhật, cũng vì thế mà suốt nhiều tháng trời, liên quân do Arab Saudi dẫn đầu vẫn chưa bình định được Yemen và thủ đô thì vẫn nằm trong tay lực lượng Houthi.
Quân đội Saudi được trang bị nhiều vũ khí trang bị hết sức hiện đại.
Và tồi tệ hơn…
Nếu như tại Yemen, quân đội Arab Saudi sa lầy và bị dân quân Houthi đánh cho tan tác, người ta có thể cho rằng đó là bởi Houthi có lợi thế là họ đang chiến đấu trên đất của mình.
Nhưng việc Houthi đánh chiếm nhiều khu vực nằm trong lãnh thổ Saudi, lại đặt ra câu hỏi lớn: Quân đội Saudi liệu có tự bảo vệ nổi đất nước mình? Chứ chưa nói đến chuyện đem quân đi đánh nước khác…
Không chỉ chống liên quân Saudi trên đất mình, quân Yemen đã đánh sang cả đất Arab Saudi, tiêu diệt nhiều đồn biên phòng của Saudi và như thường lệ, chiếm được nhiều vũ khí trị giá hàng triệu đô của “đội quân mạnh nhất nhì Trung Đông”.
Một thị trấn và một số làng tại Asir, Arab Saudi đã bị Houthi đánh chiếm sau khi quân đội Saudi đồn trú tại đây bỏ chạy trước sức tấn công mãnh liệt của quân Yemen.
Ngoài ra còn có nhiều làng mạc, thành phố nằm ven biên giới Yemen-Saudi đã bị quân Houthi kiểm soát hoặc bao vây.
Một quân đội thậm chí còn không bảo vệ nổi lãnh thổ của mình, sao có thể đưa quân sang đánh nước khác? Mà ở đây lại là 2 chiến trường cùng lúc, Yemen và Syria.
Pháo binh của Lục quân Saudi.
Cạm bẫy tại Syria…
Sau tuyên bố đưa quân vào Syria với danh nghĩa chống IS của Arab Saudi, ngoại trưởng Syria đã tuyên bố sẽ đáp trả thích đáng. Người Syria chắc chắn không nói xuông.
Sau 4 năm chiến tranh, quân đội Syria cùng các đồng minh đã phải chống lại cùng lúc nhiều nhóm phiến quân được các thế lực bên ngoài hỗ trợ vũ khí.
Tuy rằng đã bị suy giảm đáng kể về sức mạnh nhưng SAA đang được Nga hỗ trợ nhiều loại vũ khí mới nhằm khôi phục sức chiến đấu, đó là chưa kể sự yểm trợ có hiệu quả từ trên không.
Bên cạnh đó, Syria vẫn còn một con bài chiến lược vốn được sử dụng rất hạn chế trong cuộc chiến: tên lửa đạn đạo.
Lực lượng tên lửa đối đất của Syria hầu như không chịu tổn thất đáng kể sau nhiều năm chiến tranh bởi họ luôn được giữ làm lực lượng dự bị, đề phòng bất trắc.
Trong kho vũ khí của họ gồm rất nhiều tên lửa đạn đạo, đa dạng về chủng loại, có uy lực mạnh, tầm bắn xa đủ để răn đe bất kỳ ý đồ xâm lược nào.
Tuy Israel tuyên bố 90% số tên lửa này đã được sử dụng hết, người ta dường như quên rằng nguồn cung tên lửa của Syria luôn dồi dào, ngoài việc tự chế tạo được tên lửa đạn đạo, Syria còn được viện trợ từ Iran.
Các loại tên lửa đạn đạo mà Syria có trong tay có thể kể đến như Scud, Tochka, Hwasong-6, 7, Fateh-2, 3 và Shahab-2.
Hãy cùng nhớ lại chiến trường Yemen, tên lửa đạn đạo Scub và Fateh của quân Yemen đã reo rắc nỗi kinh hoàng cho quân đội Saudi.
Rất nhiều vụ tấn công bằng tên lửa vào các căn cứ của Saudi gây thiệt hại vô cùng nặng nề.
Nổi bật là ngày 4/6/2015, quân Yemen phóng 15 quả đạn tên lửa vào căn cứ không quân Quốc vương Khalid, gây thiệt hại nặng nề và giết chết một tướng không quân Saudi.
Hệ thống Patriot được tuyên bố có đánh chặn 70% số đạn Scud trong chiến tranh vùng Vịnh, thực tế chỉ bắn rơi được 2-3 quả đạn trong tổng số 15 quả được phóng đi.
Như vậy, lực lượng tên lửa Syria hoàn toàn có thể gây ra cho Saudi những thiệt hại gấp nhiều lần những gì họ phải hứng chịu ở Yemen.
Đó là chưa kể tới việc Nga có thể “không kích nhầm” vào các vị trí của quân đội Saudi cũng như việc quân Syria với tinh thần chiến đấu cao, có kinh nghiệm chiến trường dày dạn, hoàn toàn có khả năng đánh bật quân Saudi về nước.