Chuyên gia "điên đầu" vì dự án tên lửa bí ẩn của Triều Tiên

Vy Lam |

Các chuyên gia băn khoăn liệu tên lửa KN-08 của Triều Tiên có nên được liệt vào ICBM hay không, bởi không có bằng chứng nào cho thấy tầm bắn của nó có thể vượt qua ngưỡng 5.500km.

Tình báo Mỹ: Triều Tiên chuẩn bị triển khai KN-08

Hãng tin Yonhap News (Hàn Quốc) ngày 26/2 đưa tin, tại một buổi điều trần trước Ủy ban quân lực Thượng viện Mỹ, Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia James Clapper cho biết:

Triều Tiên đã có những bước đi hướng tới việc triển khai tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) di động KN-08, được cho là có khả năng vươn tới lục địa Mỹ.

“Bình Nhưỡng đang phát triển một tên lửa hạt nhân tầm xa, có khả năng tạo ra mối đe dọa với nước Mỹ và đã trưng bày công khai ICBM KN-08 2 lần" - Ông Clapper nói.

"Chúng tôi đánh giá rằng, Triều Tiên đã thực hiện những bước đi ban đầu tiến tới trang bị hệ thống vũ khí này, mặc dù hệ thống chưa được phóng thử lần nào” - Ông Clapper cho biết thêm.

Tên lửa KN-08 được cho là có tầm bắn tối thiểu 5.500km, tạo ra mối đe dọa đối với vùng Alaska.

Đô đốc Samuel Locklear, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, đã bày tỏ lo ngại về tên lửa này, khi nó rất khó theo dõi vì có thể được phóng từ các bệ phóng di động.

Tình trạng thực của KN-08

Liên quan tới thông tin mới về tên lửa KN-08, tạp chí Diplomat (Nhật Bản) đã đăng tải một bài viết bình luận về tình trạng thực của tên lửa này.

Theo đó, trở lại tháng 4/2012, Triều Tiên duyệt binh với 6 tên lửa đạn đạo liên lục địa KN-08 đặt trên chiếc xe mang phóng tự hành (TEL) 16 bánh.

Khi đó, một số nhà phân tích ngay lập tức nghi ngờ liệu 6 tên lửa Hwasong-13 (tên gọi của Triều Tiên cho loại tên lửa này) phải chăng là mô hình (sau đó nhận định này được chứng minh là đúng).

Nhiều chuyên gia còn đặt câu hỏi liệu tên lửa di động KN-08 có nên được liệt vào ICBM hay không, bởi không có bằng chứng nào cho thấy tầm bắn của nó có thể vượt qua ngưỡng 5.500km. Đây là ngưỡng cần thiết để một tên lửa được gọi là ICBM.

Annotated image of N Korea missile

Nhiều chuyên gia nghi ngờ tên lửa KN-08 xuất hiện trong lễ duyệt binh của Triều Tiên chỉ là mô hình.

Vậy chúng ta biết gì về tên lửa được gọi là ICBM mới của Triều Tiên?

Rất ít thông tin thực được tiết lộ, ngoại trừ việc KN-08 vẫn chưa sẵn sàng hoạt động.

Ngoài ra, chuyên san Intelligence Review của tạp chí quốc phòng IHS Jane’s (Anh) còn nhấn mạnh rằng: “Sự tồn tại của KN-08 không nên bị lồng ghép với khả năng tấn công hạt nhân”.

Theo hình ảnh vệ tinh, Triều Tiên đã thử nghiệm động cơ tầng đầu tiên của tên lửa vào tháng 8/2014 tại bãi phóng Sohae nằm ở vùng Tongchang-ri, tây bắc nước này.

Trước đó, Bình Nhưỡng đã tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm động cơ trong năm 2013 và đầu năm 2014.

Các cuộc thử nghiệm trên là bước đệm hướng tới những cuộc thử nghiệm quy mô đầy đủ. Tuy nhiên, có rất ít thông tin tình báo chắc chắn về mức độ thành công của những thử nghiệm này.

Bước tiếp theo là các đợt phóng thử nghiệm nhưng có vẻ tới nay, chưa có cuộc thử nghiệm nào như vậy được tiến hành.

Một chuyên gia viết cho Intelligence Review đã đề cập rằng:

“Triều Tiên có vẻ vẫn chưa phát triển thành công 3 thành tố cần thiết để xây dựng khả năng tấn công.

Ba thành tố này gồm một tên lửa tầm xa đáng tin cậy, một đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ để lắp vào tên lửa và một phương tiện vận chuyển đầu đạn hạt nhân có khả năng hoạt động ngoài khí quyển”.

Tháng 10/2014, Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, tướng Curtis Scaparrotti nhấn mạnh rằng Triều Tiên vẫn chưa kết hợp được 3 thành tố trên vào một hệ thống vũ khí có khả năng tạo ra mối đe dọa đối với lục địa Bắc Mỹ.

Tuy nhiên, ông lưu ý rằng:

“Họ tuyên bố đã có một tên lửa đạn đạo liên lục địa đủ khả năng (thực hiện điều đó).

Tôi tin rằng vào thời điểm này, việc tạo ra một thiết bị thu nhỏ có khả năng thực hiện được. Nhưng tôi không tin Triều Tiên đã làm được điều đó.

Dẫu vậy, họ có trong tay công nghệ có thể thực sự mang lại những gì họ nói rằng mình đã có”.

Theo trang GlobalSecurity.org, tên lửa KN-08 kết hợp công nghệ từ nhiều loại tên lửa khác nhau như SS-N-6, RSM-40, RSM-50, RSM-54 của Liên Xô/Nga và Nodong-B của Triều Tiên.

Cấu tạo tên lửa Nodong-B (Musudan).

Một bản báo cáo của RAND (một tổ chức cố vấn phi lợi nhuận) về chương trình tên lửa của Triều Tiên cho hay:

“Từ đánh giá kỹ thuật, thiết kế được đưa ra của tên lửa này rất khó lý giải. Tên lửa KN-08 với công nghệ tên lửa SS-N-6 có thể đạt được tầm bắn liên lục địa, nhưng với công nghệ của Nodong, tầm bắn tên lửa bị giới hạn trong khoảng 5.000km”.

Theo một bài phân tích trước đây của tạp chí Diplomat, yếu tố bổ sung để KN-08 có thể đạt được khả năng sẵn sàng hoạt động cuối cùng sẽ là “khả năng Bình Nhưỡng kết hợp các tên lửa tầm xa và tầm trung mang đầu đạn hạt nhân trên các xe TEL.

Khi được triển khai, những xe TEL này sẽ di chuyển từ các boongke được giấu kín tới một địa điểm thuận lợi, phóng tên lửa rồi nhanh chóng rút lui về vị trí an toàn.

Hồi đầu tháng này, Phó Đô đốc James Syring, giám đốc Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ phát biểu rằng:

“Chúng tôi liên tục nhận thức được mối đe dọa đang gia tăng, trong đó có tên lửa KN-08. Và chúng tôi cũng liên tục giám sát những công nghệ áp dụng cho KN-08.

Có thể nói rằng chúng tôi đang nỗ lực để đi trước mối đe dọa đó”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại