Thế chiến Thứ nhất là chất xúc tác cho những ý tưởng mới về kỹ thuật quân sự, kể cả công nghệ thiết giáp. Những cái đầu kỹ thuật của Nga đã có ý tưởng về một chiếc xe bọc thép di động từ rất lâu trước khi xe tăng xuất hiện trên chiến trường. Một trong những phát kiến lớn nhất chính là bộ phận cơ bản của chiếc xe tăng, đó là bánh xích con sâu.
Năm 1878, Fyodor Blinov, một nông dân Nga sống ở vùng Samara, đã đăng ký bằng sáng chế cho “một chiếc xe với cuộn xích vô hạn để chuyển chở hàng hóa trên mọi loại đường”, dựa trên nguyên lý chuyển động của con sâu.
Phác thảo bánh "con sâu" của Bilkov.
Khi Thế chiến thứ I nổ ra, hằng hà sa số dự án xe bọc thép xuất hiện. Thiết kế xe với bánh xích con sâu, thân xe bọc thép và một tháp pháo ở phía trên, rất gần với xe tăng hiện đại, được nhà sáng chế Alexander Porokhovschikov vẽ ra vào năm 1914.
Chiếc xe Vezdekhod của ông, hay “xe đi mọi nơi”, được trang bị nhiều lớp giáp với tổng bề dày 8mm, gồm 3 phần chính: một lớp 2mm xi măng thép bên ngoài, một lớp giảm xóc làm bằng lông thú vật và tảo, và cuối cùng là lớp thép bên trong.
Chiếc xe Vezdekhod của Porokhovschikov.
Một đăc điểm quan trọng trong thiết kế của ông là hệ thống chuyển động kết hợp giữa bánh xe bình thường khi đi trên đường lớn và bánh xích khi đi vào địa hình khó. Chiếc xe cũng được thiết kế để nước không lọt vào trong.
Chiếc Vezdekhod được lắp một động cơ 20 mã lực cho phép xe đi với tốc độ trên đường là 26,5 km/h, một kỷ lục đối với xe tăng Thế chiến I. Tuy nhiên, tốc độ này đạt được khi xe không được lắp giáp hay vũ khí và bản mẫu chỉ được đặt vật nặng để mô phỏng trọng lượng xe đầy đủ.
Chiếc xe nặng 3,5 tấn này vốn đã sẵn sàng để thử nghiệm chiến đấu vào tháng 5/1915. Nhưng, nó đã nhanh chóng gặp vấn đề khi xích xe bị rơi ra khỏi các thanh cố định vị trí. Một vấn đề nữa là xe hoàn toàn không thể di chuyển trong điều kiện đường tuyết trơn.
Xe được hiệu chỉnh lại lần cuối vào năm 1916, nhưng dự án sau đó đã phải đình lại do cạn kiệt ngân sách. Trong lúc đó, Trung úy Nikolai Lebedenko cũng tiến hành thiết kế một chiếc xe tăng mang tính đột phá lớn. Đầu năm 1915, ông đã chế tạo một cỗ máy có thể vượt qua hàng rào kẽm gai và chiến hào địch.
Chiếc “Tsar Tank”, thành quả của Lebedenko, được đặt tên theo lòng tin không thể lay chuyển được của ông rằng cỗ máy này sẽ “phá vỡ phòng tuyến của quân Đức trong một đêm, và nước Nga sẽ chiến thắng”, như ông đã nói trong một buổi diện kiến với Sa hoàng.
Chiếc "xe tăng Sa hoàng" của Lebedenko.
Chiếc xe có đặc điểm rất riêng biệt, đó là khung gầm với 2 bánh lái lớn và một bánh xe nhỏ có thể xoay sang hai bên. Nhìn chung, chiếc xe giống một xe pháo quá khổ, được vận hành bằng 2 động cơ Maybach 240 mã lực.
Quá trình chế tạo bản mẫu đã hoàn thành vào năm 1917, và ngay lập tức người ta phát hiện rằng xe bị lỳ máy khi bị kẹt ngay ở con mương đầu tiên.
Mặc dù không thành công, dự án “Tsar Tank” là nơi sản sinh ra những nhân vật tài năng trong tương lai của khoa học kỹ thuật Liên Xô như Zhukovsky, Stechkin và Mikulin.
Một mẫu thử xe tăng cũng được sản xuất từ nhà máy Rybinsk, vốn chủ yếu tái chế các mẫu của Pháp. Vận hành bằng 4 người và nặng 20 tấn, động cơ 200 mã lực của xe cho phép khả năng điều khiển xe tương đối tốt dù được trang bị lớp giáp dày 10-12mm.
Xe được trang bị một khẩu pháo 107mm được lắp phía sau, còn một khẩu súng máy hạng nặng được đặt đằng trước, bên cạnh lái xe.
Tuy nhiên, mặc dù thiết kế xe rất thiết thực, nó không để lại ấn tượng đối với các trưởng bộ phận kỹ thuật quân sự thời đó và không nhận được sự ủng hộ cần thiết.
Một ý tưởng khác được thực hiện bởi Vasily Mendeleev, con trai nhà hóa học lừng danh Dmitry Mendeleev, được trình lên Bộ Chiến tranh vào tháng 8/1916. Được phát triển từ năm 1911 đựa trên sáng kiến ban đầu của Mendeleev, xe tăng được trang bị giáp chống đạn pháo và các đặc điểm kỹ thuật mới vẫn được áp dụng vào những năm sau đó.
Mendeleev đặt thiết bị giảm xóc hơi tại khung gầm và xe được lái bằng một hệ thống trục quay. Bởi pháo chính là một khẩu cỡ nòng 120mm, ông muốn thân xe có thể hạ thấp khi bắn để làm giảm áp lực lên khung gầm và bảo vệ bánh khỏi đạn bắn.
Mẫu xe tăng của Mendeleev, hình dáng rất gần với xe tăng hiện đại.
Xe tăng sẽ được vận chuyển bằng tàu hỏa, nhờ đó tăng sự cơ động và đảm bảo đưa xe ra chiến trường nhanh chóng.
Tuy nhiên, cái giá của hàng loạt sự đổi mới đó là trọng lượng 170 tấn của xe, cũng như những đòi hỏi trong sản xuất với mỗi “xe bọc thép”, như Mendeleev đã gọi. Tất cả những điều này khiến Bộ Chiến tranh không chấp thuận thiết kế xe.
Cuối cùng, xe tăng Nga không thể tham chiến trên chiến trường Thế chiến I. Mặc cho những nỗ lực không mệt mỏi của các kỹ sư nhằm cung cấp cho quân đội khí tài hiện đại, những nỗ lực này phần lớn đều không vượt qua giai đoạn thử nghiệm.
Tuy vậy, rất nhiều những ý tưởng ở đây sau này đã được áp dụng, rất nhiều trong số đó là một phần không thể thiếu của chiếc xe tăng hiện đại ngày nay.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Russia & India Report (RIR), ấn bản tại Ấn Độ của website tin tức Russia Beyond the Headlines của Nga.