Để bảo đảm cho lực lượng này chiến đấu hiệu quả, ngày 12-6-1965, Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) đã thành lập Phòng 23 thuộc Cục Hậu cần - tiền thân của Phòng Kỹ thuật tên lửa, Cục Kỹ thuật, Quân chủng PK-KQ ngày nay...
Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, tuy lực lượng mỏng lại phải liên tục cơ động theo các đơn vị đóng quân ở nhiều địa phương, song cán bộ, nhân viên của Phòng Kỹ thuật tên lửa đã khắc phục nhiều khó khăn, vừa học tập, vừa khai thác bảo đảm vật tư, linh kiện thay thế, vừa phối hợp với chuyên gia, các cơ quan, đơn vị sửa chữa, khắc phục hư hỏng do thời tiết, cơ động và do địch đánh phá.
Phòng Kỹ thuật tên lửa đã dịch, biên soạn nhiều loại tài liệu kỹ thuật, xây dựng quy trình, quy phạm hướng dẫn bảo quản, bảo dưỡng khí tài tên lửa phù hợp với đặc điểm khí hậu, thời tiết và trình độ của bộ đội, bảo đảm tốt hệ số kỹ thuật, giúp cho việc quản lý, khai thác, sử dụng tên lửa trong huấn luyện, SSCĐ của các đơn vị thuận lợi, hiệu quả.
Đến tháng 4-1972, cán bộ kỹ thuật tên lửa đã cùng chuyên gia hoàn thành cải tiến 53 bộ khí tài tên lửa đồng bộ, 7 xe khí tài lẻ, gần 300 bệ phóng và hơn 330 đạn tên lửa, khôi phục hơn 2.700 khối máy và hơn 600 máy đo các loại.
Thành tích quan trọng của ngành kỹ thuật tên lửa trong giai đoạn này là phối hợp với chuyên gia Liên Xô tìm ra phương pháp chống nhiễu của địch.
Những cải tiến kỹ thuật ấy đã góp phần thuận lợi để bộ đội tên lửa tiêu diệt B-52 của quân đội Mỹ trong Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, các tổ hợp TLPK có điều khiển là loại vũ khí chiến lược; là sản phẩm của khoa học công nghệ quốc phòng hiện đại tích hợp hàm lượng chất xám cao, đòi hỏi khắt khe về quy trình công tác bảo đảm kỹ thuật.
Quân đội ta có nhiều chủng loại, nhiều thế hệ tổ hợp TLPK khác nhau, nên việc bảo quản, bảo dưỡng, cải tiến, tăng hạn, kéo dài tuổi thọ, tăng khả năng sống còn của khí tài, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong chống chiến tranh công nghệ cao là rất cấp bách.
Từ năm 1999 đến nay, Phòng Tên lửa đã giúp Cục Kỹ thuật quân chủng chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị nâng cao hệ số kỹ thuật các loại tổ hợp TLPK hiện có, đồng thời còn tham mưu, hướng dẫn các đơn vị đưa vào khai thác hiệu quả tổ hợp TLPK S-300, tăng hạn đạn cho tên lửa Volga, Petrora, cải tiến tổ hợp TLPK C-125M1 thành C-125-2TM.
Đáng chú ý là phòng đã góp phần quan trọng nghiên cứu thành công việc điều chế, sản xuất nhiên liệu lỏng “O”, “Г” của tên lửa, trực tiếp phục vụ huấn luyện, SSCĐ của các đơn vị tên lửa rất hiệu quả.
Việc tự chủ sản xuất nhiên liệu tên lửa đã giúp tiết kiệm ngân sách và giúp các đơn vị tên lửa chủ động hơn trong việc bảo đảm đạn cho huấn luyện, SSCĐ.
Theo Đại tá Lê Ngọc Trung, Trưởng phòng Tên lửa, từ năm 1999 đến nay, phòng đã có hàng chục đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng cao sức sống của các tổ hợp TLPK.
Chỉ tính riêng đối với tổ hợp TLPK S-300, phòng đã biên dịch 19.000 trang tài liệu kỹ thuật và công tác tham mưu chiến đấu; tổ chức được nhiều lớp huấn luyện, tập huấn chuyên ngành; chủ động sửa chữa, khôi phục được hàng trăm mô-đun của hệ thống máy quan sát, máy tính trung tâm, máy phát cao tần, nguồn; phối hợp với các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, chế thử thành công 15 loại mô-đun của máy tính trung tâm, khối nguồn, máy phát cao tần.
Trong dự án cải tiến tổ hợp TLPK C-125-2TM, chỉ tính riêng năm 2013 và 2014, phòng đã chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị và trực tiếp khắc phục nhiều sự cố, thông báo cho đối tác về chất lượng khí tài trong thời gian bảo hành.
Sau cải tiến và bắn thử nghiệm, TLPK C-125-2TM có ưu điểm là tăng khả năng chống nhiễu; tăng xác suất tiêu diệt mục tiêu; nâng cao khả năng cơ động, khả năng sống còn...
Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Phòng Tên lửa đã tích cực, chủ động tham mưu cho chỉ huy Cục Kỹ thuật quân chủng trong chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị quản lý, khai thác, sử dụng các loại khí tài TLPK.
Trong nhiều năm gần đây, hệ số kỹ thuật của phương tiện, khí tài luôn được giữ vững; chất lượng, nền nếp hoạt động ngành kỹ thuật được nâng cao, đi vào chiều sâu vững chắc, đúng quy trình, quy phạm, an toàn tuyệt đối...