Tư lệnh Không quân Mỹ tại Thái Bình Dương - Hebert Carlisle cho biết quân đội Mỹ từng sử dụng mô hình luân chuyển trong suốt thời Chiến tranh Lạnh khi hầu hết các đơn vị quân đội Mỹ tập trung tới châu Âu và cứ 2 năm/lần lại tiến hành xây dựng một căn cứ hoạt động ngẫu nhiên.
Trong bối cảnh tăng cường sự hiện diện tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, quân đội Mỹ sẽ tái sử dụng mô hình này. Đồng nghĩa với việc lực lượng không quân Mỹ sẽ triển khai thêm chiến đấu cơ, máy bay ném bom và binh đoàn cơ động không chỉ tới Nhật Bản và Hàn Quốc mà còn tới Australia, Nam Thái Bình Dương và đảo Guam. Phi đội chiến đấu cơ F-35 và V-22 cũng sẽ được điều động tới khu vực này.
Theo đó, 12 chiến đấu cơ F-22 sẽ được triển khai tới Căn cứ Không quân Kadena tại Nhật Bản trong 4 tháng trong khi 24 chiến đấu cơ F-16 được đưa tới Hàn Quốc trong 3 tháng. Không quân Mỹ còn luân chuyển thường xuyên các máy bay ném bom B-2 Spirit và B-52 Stratofortress tới Căn cứ Không quân Andersen trên đảo Guam.
Hiện nay, quân đội Mỹ cũng đang tiến hành mở rộng sự hiện diện tại Australia. Điển hình, Không quân Mỹ đã đưa thiết bị xây dựng tới hoàn tất cơ sở hạ tầng tại Australia do lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ điều hành. Ngoài ra, các loại trực thăng chiến đấu và máy bay tiếp dầu của Mỹ cũng sẽ được triển khai tới Căn cứ Darwin thuộc Lực lượng Không quân Hoàng gia Australia trong vòng 1 – 2 năm tới.
Hiện nay, các phi công thuộc Lực lượng Không quân Mỹ đã được cử đi đào tạo tại Singapore, Thái Lan và Ấn Độ. Thậm chí, quân đội Mỹ cũng đang xem xét việc điều thêm quân đi đào tạo tại Indonesia, Malaysia và Philippines. Trong đó, quân đội Mỹ đã gửi thư tới Manila và tiến hành đàm phán với chính quyền Philippines để tăng cường sự hiện diện quân sự luân phiên tại đây.
Tờ National Post của Canada dẫn lời một chuyên gia phân tích quốc phòng cho biết Hải quân Canada nên dịch chuyển lực lượng tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh Trung Quốc "đang ngày càng mở rộng sức mạnh hạm đội hải quân và tỏ thái độ cứng rắn hơn trong những tranh chấp hàng hải với các quốc gia láng giềng".
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!