Chiến hạm Mỹ từng suýt mang tên 2 địa danh nổi tiếng ở Việt Nam

Phi Yến |

(Soha.vn) - Ngoài USS Hué City (CG-66), Hải quân Mỹ còn dự định lấy tên địa danh Việt Nam để đặt cho chiếc tàu đổ bộ tấn công LHA-5 thuộc lớp Tarawa.

USS Peleliu (LHA-5) là chiếc thứ 5 và cũng là chiếc cuối cùng thuộc lớp tàu đổ bộ tấn công Tarawa, tên của con tàu được đặt theo trận đánh lớn diễn ra trên đảo Peleliu (một hòn đảo thuộc quốc đảo Palau) giữa Hải quân Mỹ và Hải quân Đế quốc Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

USS Peleliu hạ thủy ngày 12/11/1976 và chính thức vào biên chế ngày 3/5/1980. Tàu có chiều dài 250 m; rộng 32,5 m; mớn nước 8,2 m; lượng giãn nước tiêu chuẩn 25.982 tấn, đầy tải 39.438 tấn. Hệ thống động lực gồm 2 động cơ hơi nước Combustion Engineering kết hợp với 2 động cơ turbine Westinghouse cung cấp công suất 70.000 mã lực (52.000 kW) tới 2 chân vịt, cho phép tàu chạy với tốc độ tối đa 24 hải lý/h (44 km/h), tầm hoạt động 10.000 hải lý (19.000 km) khi chạy ở tốc độ 20 hải lý/h (37 km/h).

Vũ khí trang bị của LHA-5 thời kỳ đầu gồm: 1 hệ thống tên lửa phòng không Mk-25 Sea Sparrow và 2 pháo 127 mm Mk-45. Sau đó con tàu được vũ trang lại bằng cách tháo bỏ toàn bộ hệ thống vũ khí cũ để thay bằng 1 hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn Mk-49 RAM, 2 hệ thống CIWS Phalanx, 6 pháo tự động 25 mm Mk-242 và 8 súng máy hạng nặng 12,7 mm.

Với kích thước đồ sộ của mình, USS Peleliu có khả năng mang theo 19 trực thăng Sikorsky CH-53E Super Stallion hoặc 26 trực thăng Boeing Vertol CH-46 Sea Knight hoặc có thể mang kết hợp 2 loại trên. Tàu được trang bị 2 thang máy nâng hạ máy bay, boong tàu cho phép 9 chiếc Super Stallion hoặc 12 chiếc Sea Knight có thể hoạt động cùng lúc. Với một số sửa đổi nhỏ về sau, USS Peleliu còn có thể mang theo 6 máy bay phản lực cất hạ cánh thẳng đứng McDonnell Douglas AV-8B Harrier.

Tàu đổ bộ tấn công USS Peleliu (LHA-5)

Được thiết kế với vai trò như một căn cứ nổi của Lính thủy đánh bộ, USS Peleliu có sức chứa tối đa 1.703 lính hải quân, mang theo được 4 xuồng đổ bộ LCU-1610 hoặc mang kết hợp 2 LCU với 2 LCM-8 hoặc 17 LCM-6 hoặc 45 chiếc LVT (tùy nhiệm vụ). Khoang đổ bộ của tàu có thể điều chỉnh mức ngập nước để phù hợp với từng loại xuồng đổ bộ mang theo.

LHA-5 ban đầu dự định được đặt tên là USS Khe Sanh rồi sau đó đổi thành USS Da Nang trước khi mang tên USS Peleliu như hiện tại. Tàu được Hải quân Mỹ đặt hàng ngày 6/11/1970 và đóng ở nhà máy đóng tàu Litton thuộc Ingalls Shipbuilding tại Pascagoula, Mississippi. Con tàu được bảo trợ bởi bà Peggy Hayward, vợ của Đô đốc Thomas B. Hayward, Tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ vào thời điểm đó, thuyền trưởng đầu tiên của USS Peleliu LHA-5 là T. P. Scott.

Logo của USS Peleliu (LHA-5)

Trên logo của tàu là khẩu hiệu "Pax per Potens" ("Peace through power") có nghĩa “Hòa bình thông qua sức mạnh”. 8 ngôi sao chạy dọc phần trên chiếc khiên tượng trưng cho 8 huân chương danh dự đã được trao cho những người lính tham gia trận đánh trên đảo Peleliu vào năm 1944. Chữ V ở trung tâm là số La Mã tượng trưng cho số thân tàu (LHA-5). Ngôi sao 4 cánh ở giữa chữ V xác định 4 chức năng của lực lượng đổ bộ và duy trì hoạt động của họ trong đất liền. Chiếc nhẫn ở góc trái bên dưới theo truyền thống có ý nghĩa biểu tượng chiếc thứ năm của lớp tàu được sinh ra. Bên góc phải là Chòm sao chữ thập phương Nam với số 1 chính giữa - Biểu tượng của Sư đoàn 1 Thủy quân lục chiến Mỹ, đơn vị trực tiếp tham gia và có vai trò lớn nhất trong trận đánh.

Sau khi vào biên chế, USS Peleliu ngay lập tức thực hiện một chuyến hải trình về phương Nam. Con tàu quá cảnh qua kênh đào Panama để tiến về Thái Bình Dương, vượt qua xích đạo ngày 27/7/1980 và thiết lập một kỷ lục trong Hải quân Mỹ về thời gian giữa lúc bàn giao cho đến khi thực hiện chuyến hành trình dọc qua Nam bán cầu.

Vào ngày 17/10/1989, USS Peleliu cùng 24 chiến hạm khác của Hải quân Mỹ đã được điều động tới để khắc phục thảm họa trận động đất tại San Francisco, con tàu cung cấp chỗ trú chân cho 3.000 nạn nhân trong thời gian chờ ổn định tình hình.

Peleliu được triển khai một lần nữa tới Tây Thái Bình Dương vào tháng 1/1990. LHA-5 cùng với đơn vị đổ bộ của mình đã tham dự cuộc tập trận đa quốc gia với Quân đội Hàn Quốc sau đó là cuộc tập trận Hổ mang vàng diễn ra tại Thái Lan. Peleliu trở về cảng nhà - Căn cứ hải quân Long Beach vào tháng 7 và sau mùa hè năm đó trở lại nhà máy để tiến hành hoạt động sửa chữa bảo dưỡng định kỳ dự kiến kéo dài gần 1 năm. Tuy nhiên phản ứng của Mỹ trước cuộc xâm lược của Iraq vào Kuwait trong tháng 8/1990 đã khiến tốc độ sửa chữa Peleliu được đẩy nhanh. Mặc dù vậy con tàu đã không kịp hoàn thành để tham gia Chiến dịch Bão táp sa mạc.

Cuối cùng Peleliu cũng rời căn cứ Long Beach vào tháng 6/1991 để hỗ trợ cho các hoạt động của Quân đội Mỹ tại Trung Đông nhưng trong khi trên đường tới Vịnh Ba Tư, Peleliu đã nhận lệnh chuyển hướng đến Philippines để di tản các nhân viên phục vụ trong căn cứ quân sự Mỹ tại Vịnh Subic do sự phun trào của núi lửa Pinatubo. Nhiệm vụ sơ tán này đòi hỏi Peleliu phải tiếp nhận toàn bộ các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh xá tại căn cứ Subic bao gồm cả những trường hợp đang nằm trong nhà hộ sinh, do đó có một vài ca sinh nở đã diễn ra ngay trên tàu.

USS Peleliu (LHA-5) thời điểm tháng 10/2007

Năm 1992, USS Peleliu trải qua một đợt nâng cấp lớn và tái triển khai vào ngày 21/1/1994, con tàu thay đổi cảng nhà là Long Beach để chuyển sang căn cứ hải quân San Diego. Sau đó LHA-5 cùng với đơn vị viễn chinh số 11 của Hải quân Mỹ đã được điều đi thực hiện nhiệm vụ tại ngoài khơi Somalia đến ngày 25/3/1994.

Ngày 30/6/1994, Peleliu cùng với các đại đội thuộc Tiểu đoàn 2, đơn vị Thủy quân lục chiến số 5 đã dừng lại để làm lễ tưởng niệm vinh danh những người lính ngã xuống tại bờ biển mà con tàu được mang tên. Nơi này 50 năm trước Sư đoàn 1 Thủy quân lục chiến Mỹ đã phải chịu thương vong 6.526 người trong đó số thiệt mạng là 1.256 khi đối đầu với 10.138 lính Nhật phòng thủ trên đảo.

Từ 26/10 - 27/11/1999, USS Peleliu được triển khai tới Đông Timor trong thành phần lực lượng gìn giữ hòa bình INTERFET (International Force for East Timor) do Australia dẫn đầu. Sau khi sự kiện 11/9 xảy ra, USS Peleliu đã được điều tới biển Bắc Ả rập vào ngày 26/10/2001 cùng với đơn vị Thủy quân lục chiến để tham gia Chiến dịch Tự do bền vững.

Trong năm 2008, Peleliu được gửi tới Ấn Độ Dương để hỗ trợ chiến dịch "Tự do cho Iraq", "Tự do bền vững” và các hoạt động chống cướp biển. Ngày 10/8/2008, LHA-5 đã giải cứu thành công một tàu buôn, chiếc “the Gem of Kilakari” khỏi cướp biển tại Vịnh Aden mà không để xảy ra thương vong.

Tháng 8/2010, Peleliu được gửi tới cảng Karachi, Pakistan và sử dụng 19 trực thăng của mình cho nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ cứu nạn trong trận lụt được mô tả là tồi tệ nhất lịch sử Pakistan. Theo lời thuyền trưởng David Schnell, đây là một nhiệm vụ “quá mức quen thuộc” với thủy thủ đoàn.

Ngày 24/10/2010, Peleliu quay lại cảng Subic lần đầu tiên kể từ sau khi thực hiện cuộc di tản lớn vào năm 1991, sau đó con tàu đã tiến hành thăm một loạt các nước khác trong khu vực trước khi trở về cảng nhà San Diego vào ngày 18/12/2010.

USS Peleliu tại Trân Trâu Cảng tham dự trận RIMPAC 2014

Ngày 14/5/2013, Peleliu trở về cảng nhà sau 8 tháng được triển khai làm nhiệm vụ từ ngày 17/9/2012 cùng với 2 tàu đổ bộ khác là USS Green Bay (LPD-20) và USS Rushmore (LSD-47). Hiện tại Peleliu đang tham dự cuộc tập trận lớn nhất thế giới Vành đai Thái Bình Dương - RIMPAC 2014 tại Hawaii cùng hải quân 22 quốc gia khác. Dự kiến USS Peleliu sẽ ngừng hoạt động vào ngày 31/3/2015 sau khi tàu đổ bộ LHA-6 America chính thức gia nhập biên chế.

USS Peleliu tới Trân Trâu Cảng tham dự tập trận RIMPAC 2014

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại