Căng thẳng Ukraine: Putin cho Mỹ cớ để phát triển VK hạt nhân mới

Nhật Huy |

(Soha.vn) - Trong sự kiện Crimea, Tổng thống Putin đã không xét đến hậu quả về mặt quân sự, đó là các nước phương Tây sẽ có lí do để nâng cấp sức mạnh quốc phòng của mình

Đối với nhiều người, việc Nga sáp nhập Crimea, một phần lãnh thổ của Ukraine từ 60 năm nay, không có gì quá nghiêm trọng, và phương Tây đang phản ứng thái quá, nhưng chính quyền Mỹ thì không nghĩ như vậy. Tờ Washington Post (Mỹ) hôm thứ Năm (20/3) có đăng một bài xã luận với tiêu đề “Học thuyết nguy hiểm từ Nga”, trong đó cảnh báo về những hậu quả của hành động này đối với những thay đổi về chính sách của phương Tây trong tương lai.

Nội dung bài viết như sau:

NATO gần như chắc chắn sẽ không có hành động trực tiếp cụ thể nào nhưng giới quân sự đang bắt đầu cân nhắc đến những bước đi gián tiếp để ngăn chặn chủ nghĩa phiêu lưu từ Moscow. Và chắc chắn một chủ đề nóng đang được bàn thảo tại Washington là xem xét lại cán cân hạt nhân hiện nay. Mỹ đang thực hiện chiến lược xoay trục từ Châu Âu về phía Châu Á – Thái Bình Dương, nơi mà 2 đối thủ chính, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, cũng đều sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng giờ đây Lầu Năm Góc phải đưa đối thủ cũ là Nga vào trong các tính toán chiến lược của mình.

Sự chuyển hướng chiến lược này xuất hiện đúng lúc các chương trình hiện đại hóa lực lượng hạt nhân của Mỹ đều gặp trở ngại. Nước này đã không làm gì nhiều để nâng cấp năng lực hạt nhân của mình kể từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc cách đây một phần tư thế kỷ. Kế hoạch chế tạo 132 máy bay ném bom tàng hình B-2 để xâm nhập không phận Liên Xô và tấn công các giàn phóng hạt nhân di động bị cắt giảm còn 20 chiếc. Số lượng tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân và số tên lửa liên lục địa đặt trên bộ Minuteman 3 cũng bị cắt giảm. Kể từ khi tổng thống Obama nhận nhiệm sở, Mỹ chưa chế tạo thêm một đầu đạn hạt nhân mới nào, và đã giải trừ nhiều đầu đạn hơn tổng số mà Trung Quốc đang có hiện nay.

Tên lửa đạn đạo Minuteman III trong một đợt phóng thử

Nếu tiếp tục xu hướng này, khả năng răn đe hạt nhân của Mỹ không tránh khỏi bị suy giảm. Phần lớn số máy bay ném bom chiến lược của họ được chế tạo từ thời Kennedy, thế hệ tàu ngầm chiến lược hiện nay sẽ phải được thay thế từ năm 2027, còn các tên lửa Minuteman 3 cũng phải ngừng hoạt động từ sau 2030. Ngoài ra, tritium, một loại đồng vị phóng xạ của hydro dùng trong bom nhiệt hạch, chỉ có chu kỳ bán rã vài chục năm, thay vì hàng chục triệu năm như của plutonium. Lầu Năm Góc đã có kế hoạch phát triển các thế hệ mới thay thế cho kho vũ khí hạt nhân của mình nhưng đang gặp vấn đề về kinh phí, đặc biệt là sau khi ngân sách quốc phòng bị giới hạn bởi Điều luật kiểm soát ngân sách ra đời năm 2011.

Mặc dù Tổng thống Obama không trực tiếp tác động lên những kế hoạch này, nhưng ông vẫn luôn xem kiểm soát và cắt giảm vũ khí hạt nhân là trọng tâm trong việc đảm bảo an ninh quốc gia. Khi còn giảng dạy tại đại học, ông Obama đã ủng hộ ý tưởng một thế giới không có vũ khí hạt nhân, và tìm cách hiện thực hóa chính sách này khi trở thành tổng thống.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Obama đã ký hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới mà trong đó số lượng đầu đạn hạt nhân thường trực của Mỹ sẽ được giảm còn 1.550 đến trước năm 2018. Ông cũng tìm kiếm sự ủng hộ để tiếp tục cắt giảm con số này này xuống còn 1.000. Bản đánh giá chiến lược hạt nhân của Nhà trắng năm 2010 kêu gọi việc giảm sự phụ thuộc vào loại vũ khí này, ủng hộ việc giải trừ, và hướng tới loại bỏ hoàn toàn các chương trình vũ khí hạt nhân trên quy mô toàn cầu thông qua những nỗ lực đa phương.

Tuy vậy, bản đánh giá này cũng đồng thời tuyên bố việc Mỹ cần tăng cường khả năng răn đe các quốc gia thù địch và đảm bảo với các đồng minh về cam kết an ninh của Mỹ. Mục tiêu này giờ đây trở nên cấp thiết hơn với những gì vừa xảy ra ở Crimea. Lầu Năm Góc chắc chắn sẽ dùng cuộc khủng hoảng này để tăng cường sự ủng hộ cho các chương trình vũ khí hạt nhân mới. Nâng cấp hệ thống phòng không và phòng thủ chống tên lửa ở các nước đồng minh Đông Âu là một bước khởi đầu, tuy nhiên nó không thể thay thế cho khả năng răn đe hạt nhân. Duy trì một lực lượng hạt nhân có khả năng tồn tại trước đòn tấn công hạt nhân phủ đầu của đối phương và có thể đáp trả tương ứng luôn là trọng tâm trong chiến lược hạt nhân của Mỹ từ những năm 1950.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio của Mỹ
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio của Mỹ

Với hải quân Mỹ, điều này có thể giúp họ đạt được sự đồng ý từ Nhà Trắng để bắt đầu quá trình đóng mới 12 tàu ngầm chiến lược mới trong thập niên sau. Thế hệ tàu ngầm mới này, thay thế cho lớp Ohio, đang trong quá trình thiết kế tại xưởng đóng tàu Electric Boat của hãng General Dynamics. Hải quân Mỹ muốn bắt đầu đóng chiếc đầu tiên vào 2021 và sau đó mỗi năm sẽ bổ sung 1 chiếc, bắt đầu từ 2026. Vấn đề là giá thành trung bình mỗi chiếc là khoảng 5 tỷ USD, trong khi tổng ngân sách dành cho chế tạo tàu chiến mới chỉ khoảng 15 tỷ USD mỗi năm. Đô đốc Jonathan Greenert, tham mưu trưởng hải quân, đã cảnh báo trước Ủy ban quân lực của Hạ viện Mỹ tuần trước về việc hải quân Mỹ có thể phải từ bỏ nhiệm vụ răn đe hạt nhân nếu không có một cơ chế cung cấp ngân sách đặc biệt.

Với không quân Mỹ, họ hy vọng có thể giữ chương trình máy bay ném bom tầm xa mới diễn ra đúng kế hoạch. Dự kiến đến năm 2025, Mỹ sẽ có từ 80 đến 100 máy bay ném bom thế hệ mới này. Tuy nhiên để giảm chi phí, số máy bay này chỉ sẽ được trang bị để có thể mang vũ khí hạt nhân từ năm 2040, sau khi B-52 chính thức ngừng hoạt động. Nhu cầu tái lập khả năng răn đe hạt nhân đối với Nga có thể đẩy mốc thời gian này đến sớm hơn. Ngoài ra, không quân Mỹ cũng sẽ cần những khoản đầu tư mới để có thể duy trì hoạt động của các tên lửa liên lục địa Minuteman 3 sau năm 2030.

Ba loại vũ khí hạt nhân nêu trên, máy bay ném bom tầm xa, tên lửa liên lục địa trên bộ, và tên lửa liên lục địa từ tàu ngầm, tạo thành bộ ba chiến lược. Chúng có khả năng bổ sung cho nhau, và đảm bảo khả năng đánh trả trong trường hợp bị tấn công phủ đầu trước, do đối phương không thể đồng thời tiêu diệt bộ ba này. Tuy nhiên chi phí để duy trì chúng không hề rẻ. Quốc hội Mỹ ước tính chi phí cho lực lượng hạt nhân trong 10 năm tới là 355 tỷ USD.

Trong sự kiện Crimea, Tổng thống Putin đã không xét đến một hậu quả về mặt quân sự, đó là việc các nước phương Tây sẽ có lí do để nâng cấp sức mạnh quốc phòng của mình. Nhiều người trong chính quyền Mỹ có lẽ đã chấp nhận việc hy sinh ngân sách dùng cho phát triển các loại vũ khí hạt nhân mới trước khi sự kiện Crimea xảy ra, nhưng hành động của Tổng thống Putin đã làm thay đổi các tính toán chiến lược này.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại