Căng thẳng 2 miền Triều Tiên: Những vũ khí nào được huy động?

Ly Vy |

Không chỉ riêng 2 miền Triều Tiên, cả Mỹ và Trung Quốc cũng đã bắt đầu có động thái điều động vũ khí nhằm ứng phó với tình hình.

Tình hình 2 miền Triều Tiên sau vụ đấu pháo hôm 20/8 vẫn chưa hạ nhiệt khi 2 bên một mặt ngồi vào bàn đàm phán nhưng đồng thời lại tiến hành các hoạt động điều quân đến biên giới.

Đáng chú ý là không chỉ riêng 2 miền Triều Tiên, cả Mỹ và Trung Quốc cũng đã bắt đầu có kế hoạch hoặc hành động điều quân nhằm ứng phó với tình hình.

1. Hàn Quốc

Về phía Hàn Quốc, bên liên quan trực tiếp, ngoài các loại vũ khí hiện đại luôn bố trí sẵn sàng tại biên giới như xe tăng chủ lực K1A1, pháo lựu tự hành K-9,... thì hình ảnh các ngày qua cho thấy họ còn bổ sung thêm các hệ thống pháo phản lực phóng loạt K136 Kooryoung.

Pháo phản lực phóng loạt K136 Kooryoung của Quân đội Hàn Quốc triển khai gần biên giới với Triều Tiên.

Pháo phản lực phóng loạt K136 Kooryoung được phát triển và triển khai trong thập niên 80 của thế kỷ XX.

Thoạt nhìn có thể thấy pháo phản lực phóng loạt K136 có hình dáng khá giống với pháo phản lực phóng loạt BM-21 Grad của Liên Xô/Nga, nhưng pháo K136 có cỡ nòng hoàn toàn khác.

K136 Kooryoung gồm 36 ống phóng có cỡ nòng 130mm và bắn được 2 loại đạn phản lực khác nhau là đạn K30 tiêu chuẩn với tầm bắn tối đa 23km và đạn tăng tầm K33 với tầm bắn tối đa lên đến 36km.

Pháo có thể bắn từng phát một hoặc bắn loạt (salvo). Với chế độ bắn loạt, nó có thể bắn hết 36 quả đạn trong vòng 20 giây và đây là loại vũ khí có tính răn đe rất cao, tương tự các hệ thống pháo phản lực của Triều Tiên.

2. Triều Tiên

Với Triều Tiên, nước này thường xuyên duy trì một lực lượng quân sự hùng hậu sát vùng biên giới với hàng loạt các loại pháo, xe tăng,...

Mới đây, theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, Triều Tiên đã triển khai hàng chục tàu ngầm cũng như tăng cường lực lượng pháo binh dọc khu vực biên giới.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, động thái di dời số lượng lớn tàu ngầm như vậy "chưa từng có trong tiền lệ".

Một quan chức Bộ quốc phòng Hàn Quốc cho biết, khoảng 70% trong số 77 tàu ngầm của Triều Tiên đã rời căn cứ và đến 22-8 quân đội Hàn Quốc vẫn không thể phát hiện được chúng.

Cũng theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, Triều Tiên đã tăng gấp đôi số lượng pháo binh ở khu vực tiền tuyến.

Ngoài ra, Triều Tiên được cho là đã triển khai 20 tàu đổ bộ đệm khí đến gần quân cảng Goampo khu vực biển Hoàng Hải giáp ranh với Hàn Quốc nhằm sẵn sàng cho các tình huống.

Tàu đổ bộ đệm khí của Triều Tiên trong 1 cuộc diễn tập đổ bộ.

Hiện chưa rõ loại tàu đổ bộ đệm khí nào được Triều Tiên triển khai nhưng thông tin từ hãng thông tấn Sputnik News (Nga) cho biết, hiện nay Triều Tiên đang vận hành 2 loại tàu đổ bộ đệm khí là loại 35 tấn và 20 tấn.

Các loại tàu đổ bộ đệm khí này có thể đạt tới tốc độ 100km/giờ và được thiết kế để chuyên chở các lực lượng đặc nhiệm. Đây sẽ là lực lượng tiến công đi đầu nếu như Triều Tiên muốn đổ bộ lên bờ biển Hàn Quốc.

3. Trung Quốc

Tờ Nhật báo Đông Phương (trụ sở tại Hồng Kông) hôm thứ Bảy đăng tải hình ảnh cho thấy các loại pháo tự hành và xe bọc thép của Trung Quốc di chuyển trên đường phố Diên Cát, thị xã thuộc Khu tự trị Diên Biên ở tỉnh Cát Lâm, cách biên giới Trung - Triều khoảng 30km.

Giới quan sát Trung Quốc nhận định diễn biến này cho thấy chính quyền Bắc Kinh đang hết sức lo ngại với tình trạng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sau vụ quân đội hai nước bắn đạn pháo qua biên giới.

 
Pháo tự hành PTZ-89 của Trung Quốc triển khai gần biên giới với Triều Tiên.

Không có nhiều thông tin về các loại vũ khí hạng nặng mà Trung Quốc đưa đến khu vực này, nhưng căn cứ vào hình ảnh rò rỉ, có thể nhận ra một trong những loại vũ khí mà Bắc Kinh điều động là pháo tự hành diệt tăng PTZ-89.

Đây là loại pháo tự hành diệt tăng được Trung Quốc phát triển vào đầu những năm 80 của thế kỷ XX nhằm đối trọng với các loại xe tăng của phương Tây và Liên Xô lúc bấy giờ khi chúng đã được trang bị pháo cỡ nòng 120mm, 125mm.

Vũ khí chính trên PTZ-89 là pháo nòng trơn cỡ 120mm do Trung Quốc tự phát triển, nhái theo mẫu pháo nòng trơn 120mm của phương Tây khi Bắc Kinh không thể tiếp cận được công nghệ pháo L44 của Đức.

PTZ-89 có thể bắn đạn APFSDS với tầm bắn tối đa 2.500m, đạn HE với tầm bắn tối đa 9.000m, mỗi khẩu pháo mang được 30 viên đạn, tốc độ bắn 10 phát/phút.

Ngoài ra, nó còn được trang bị 1 súng máy đồng trục cỡ nòng 7,62mm và súng máy hạng nặng cỡ nòng 12,7mm.

4. Mỹ

Trong hôm nay (24-8), Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố nước này và Mỹ đang thảo luận việc triển khai “vũ khí chiến lược” của Mỹ tại bán đảo Triều Tiên.

Nguồn tin báo Korea Herald tiết lộ Washington đang tính đưa “pháo đài bay” B-52 và một tàu ngầm hạt nhân từ Yokosuka (Nhật) đến Hàn Quốc.

Trước đây, quân đội Mỹ và Hàn Quốc thường triển khai các loại tàu chiến và máy bay chiến đấu “khủng” mỗi khi CHDCND Triều Tiên có động thái gây hấn.

Ví dụ khi Bình Nhưỡng giội đạn pháo vào đảo Yeongpyeong năm 2010, Mỹ đã đưa đến bán đảo Triều Tiên tàu sân bay hạt nhân USS George Washington và máy bay chiến đấu F/A-18 Hornet.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại