BrahMos phóng từ dưới nước sẵn sàng “phiêu” cùng tàu ngầm Ấn Độ

Tuân Việt |

(Soha.vn) - Biến thể phóng từ dưới nước của tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos đã sẵn sàng để lắp đặt trên các tàu ngầm của Hải quân Ấn Độ.

Biến thể phóng từ dưới nước của tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos, một sản phẩm hợp tác giữa Nga-Ấn Độ, đã sẵn sàng để lắp đặt trên các tàu ngầm - Sivathanu Pillai, Chủ tịch BrahMos Aerospace cho biết hôm thứ Tư (25/9).

"Việc thử nghiệm thành công tên lửa BrahMos đã cho thấy khả năng của loại tên lửa này, và nó đã sẵn sàng để lắp đặt trên tàu ngầm”, Pillai nói, “Không cần thiết phải thực hiện các cuộc thử nghiệm bổ sung".

BrahMos phóng từ dưới nước sẵn sàng “phiêu” cùng tàu ngầm Ấn
 

Theo dự kiến, tên lửa BrahMos sẽ được lắp đặt trên các tàu ngầm phi hạt nhân thuộc gói thầu 75I cung cấp 6 tàu ngầm cho Hải quân của Ấn Độ trong tương lai gần.

Nga cũng sẽ tham gia vào gói thầu này với tàu ngầm Amur-1650 và theo Tổng giám đốc Cục Thiết kế hải quân Trung ương Rubin Andrey Baranov, trong trường hợp giành chiến thắng, New Delhi sẽ nhận các tàu ngầm này trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày hợp đồng được ký kết. Có nghĩa là, Ấn Độ sẽ nhận hết số tàu ngầm Amur-1650 vào năm 2019-2020.

Ngoài Nga, cuộc đua giành gói thầu 75I còn có sự tham gia của các tàu ngầm Scorpene (Pháp), Type 214 (Đức) và S-80 (Tây Ban Nha).

Chủ tịch Pillai hiện đang rất tự tin với việc sẽ sớm đưa tên lửa hành trình BrahMos biến thể phóng từ dưới nước vào trang bị trên các tàu ngầm của Hải quân Ấn Độ.

	BrahMos trang bị trên Su-30MKI.

BrahMos trang bị trên Su-30MKI.

"Công ty chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với quân đội để việc đưa các tên lửa phóng từ dưới nước vào trang bị diễn ra đúng thời hạn hoặc thậm chí trước thời hạn," – Pillai nói.

Ông cũng cho biết rằng hiện nay công ty cũng đang làm việc trên một biến thể nhỏ hơn của tên lửa hành trình BrahMos mang tên BrahMos-M và dự kiến nó sẽ được đưa vào sử dụng trong năm 2017.

“Tiểu BrahMos” sẽ có trọng lượng khoảng 1,5 tấn và dài gần 6 mét. Loại tên lửa này sẽ được trang bị các máy bay Su-30MKI và MiG-29, tuy nhiên, nó cũng thích hợp để trang bị cho các chiến đấu cơ khác hiện đang hoặc sẽ phục vụ trong lực lượng không quân của Ấn Độ như Mirage-2000 và Rafale.

Được biết, “Tiểu BrahMos” sẽ được thử nghiệm lần đầu tiên sau 1,5 đến 2 năm. Phạm vi hoạt động của loại tên lửa này cũng khoảng 290 km, giống như biến thể BrahMos-A, biến thể tên lửa hành trình siêu âm phóng từ tên không dự kiến ra mắt vào 6 năm 2014 và sẽ được vào trang bị trên chiến đấu cơ Su-30MKI vào tháng 9 năm 2015.

Theo ITAR-TASS, nếu Su-30MKI chỉ có thể mang một tên lửa BrahMos-A thì sau này nó có thể mang tới 3 tên lửa BrahMos-M, còn MiG-29 có thể lắp đặt 2 tên lửa BrahMos-M.

	Biến thể BrahMos phóng từ trên không.

Biến thể BrahMos phóng từ trên không.

BrahMos là loại tên lửa hành trình siêu thanh ứng dụng công nghệ tàng hình có thể phóng từ tàu, tàu ngầm, máy bay hay các trạm phóng lưu động trên mặt đất. Tên lửa được phát triển dựa trên sự hợp tác nghiên cứu giữa công ty Mashinostroeyenia của Nga và tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ với dự án BrahMos Aerospace.

Brahmos Aerospace đang phát triển 4 biến thể BrahMos để triển khai trên mặt đất, tàu nổi, máy bay và tàu ngầm. Loại tên lửa này đã được biên chế vào hải quân Ấn Độ và gắn trên các loại tàu như tuần dương hạm lớp Talwar và tuần dương hạm lớp Shivalik. Biến thể Brahmos phóng từ mặt đất trên các bệ phóng di động cũng đã được đưa vào hoạt động trong Lục quân Ấn Độ.

Trong tháng 3 năm nay, Ấn Độ đã thử nghiệm thành công phiên bản phóng từ tàu ngầm của tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos, đưa Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có tên lửa siêu thanh phóng từ tàu ngầm.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: quansu@soha.vn. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại