Bộ mặt nào cho Quân đội Trung Quốc sau “đại cải tổ”?

Đức Dũng |

Sau khi Trung Quốc tuyên bố cắt giảm quân, Tiến sỹ chính trị Vasili Kashin thuộc Trung tâm các vấn đề chiến lược ở Đông Bắc Á, SCO, BRICS thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga đã có một số nhận định về cuộc “đại cải tổ” này của PLA .

Ngày 3/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra tuyên bố về việc Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA) sẽ tiến hành “cải tổ” khi cắt giảm 300.000 quân trong biên chế.

Tiến sỹ chính trị Vasili Kashin thuộc Trung tâm các vấn đề chiến lược ở Đông Bắc Á, SCO, BRICS thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga đã có một số nhận định về cuộc “đại cải tổ” này của PLA như sau:

Về thực chất, quá trình chuẩn bị cho đại cải tổ PLA được bắt đầu từ năm 2009 nhưng công cuộc này chỉ được nhắc nhiều trên các phương tiện truyền thông, nhất là truyền thông của Hồng Kông, sau khi Trung Quốc hoàn tất quá trình chuyển giao lãnh đạo cấp cao vào cuối năm 2012, đầu 2013.

Theo kế hoạch này, biên chế cấp lữ đoàn sẽ trở thành mô hình nòng cốt trong hệ thống huấn luyện tác chiến và tổ chức-biên chế của Không quân và Lục quân.

Định hướng chính trong cải tổ PLA được đưa ra dựa trên kinh nghiệm đúc rút từ cuộc đại cải tổ Quân đội Nga được bắt đầu từ giai đoạn 2008-2009.

Các chuyên gia quân sự Trung Quốc đã đặc biệt lưu tâm, nghiên cứu kinh nghiệm từ quá trình cải tổ Quân đội Nga thông qua các cuộc tiếp xúc với chuyên gia quân sự Nga, cũng như tự rút ra bài học kinh nghiệm sau các cuộc tập trận chung Nga-Trung.

Đáng chú ý, trong quá trình này, Trung Quốc thường sử dụng các hãng thông tấn có uy tín để đưa ra những thông tin sai lệch về cải tổ quân đội.

Điển hình là tờ nhật báo South China Morning Post (của Hồng Kông) đã đưa ra thông tin chi tiết về kế hoạch cắt giảm quân số của PLA, như Lục quân Trung Quốc sẽ cắt giảm quân số từ 850.000 xuống còn 490.000 quân.

Trên thực tế, quân số của Lục quân Trung Quốc là khoảng 1,6 triệu người. Mục đích chính của hành động này là đưa ra thông tin và đánh giá phản ứng của dư luận xã hội đối với cuộc cải tổ nhưng không để lộ các thông tin chi tiết.

Quyết định cắt giảm quân số sẽ khiến nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đối mặt với không ít khó khăn trong tương lai.
Quyết định cắt giảm quân số sẽ khiến nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đối mặt với không ít khó khăn trong tương lai.

Theo kế hoạch, việc cắt giảm 300.000 quân sẽ được hoàn tất vào cuối năm 2017. Việc cắt giảm quân số sẽ không đi cùng với cắt giảm chi phí mà là để tập trung tăng cường tiềm lực cho các lực lượng chính.

Cải tổ sẽ chỉ thực hiện đối với lực lượng Lục quân, pháo binh mà không thực hiện với Hải quân và Không quân.

Tuy nhiên, việc cắt giảm quân số chỉ là phần nhỏ trong kế hoạch đại cải tổ. Quân số bị cắt giảm sẽ chủ yếu ở các viện, các cơ quan đã tồn tại từ thời thành lập nước Trung Hoa.

Điểm chính trong kế hoạch đại cải tổ là việc các bộ tư lệnh các quân, binh chủng sẽ chấm dứt sự tồn tại của mình. 7 quân khu hiện nay cũng sẽ được thay thế bằng 4 Bộ tư lệnh liên quân.

Mỗi bộ tư lệnh liên quân này sẽ kiểm soát toàn bộ lực lượng và phương tiện ở trong vùng chịu trách nhiệm của mình (giống như mô hình đã thực hiện ở Nga).

4 “đầu não” của PLA là Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục chính trị, Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Trang bị cũng sẽ được cải tổ mạnh. Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Trang bị sẽ được hợp nhất, chịu trách nhiệm cung cấp và đảm bảo trang bị vật chất-kỹ thuật.

Cũng có thông tin cho rằng trong số 4 cơ quan “đầu não” trên, chỉ có Bộ Tổng tham mưu sẽ được giữ lại. Chức năng của 3 cơ quan kia sẽ được phân chia giữa Bộ Tổng tham mưu và Bộ Quốc phòng.

Cần nhấn mạnh rằng từ trước đến nay, Bộ Quốc phòng Trung Quốc không có vai trò hàng đầu trong xây dựng quân đội mà thực hiện chức năng chính “là bộ mặt” của PLA khi tiếp xúc với các cơ quan quân sự nước ngoài và thực hiện nhiệm vụ điều phối hoạt động với các cơ quan dân sự.

Quân đội Trung Quốc hiện nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của Quân ủy trung ương.

Tổng cục Chính trị là cơ quan được quan tâm đặc biệt trong cuộc đại cải tổ. Khác với cơ cấu chính trị trong quân đội các nước, chức năng của Tổng cục Chính trị PLA vượt xa khỏi khuôn khổ tên gọi của nó.

Lực lượng này kiểm soát hệ thống nhân sự quân đội, tòa án quân sự, an ninh quân sự (tương tự như cơ quan phản gián quân sự nhưng với nhiều quyền hạn được mở rộng), thậm chí có cả chức năng thực hiện nhiệm vụ tình báo đối ngoại.

Đây chính là công cụ để Quân ủy trung ương kiểm soát toàn bộ các lực lượng vũ trang. Do đó, Tổng cục Chính trị sẽ khó có thể bị “xóa sổ”.

Nhiều khả năng các cơ quan của lực lượng này như Cục An ninh, tòa án quân sự sẽ trực tiếp trực thuộc Chủ tịch Quân ủy trung ương, đồng thời là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Quân nhân Trung Quốc
Quân nhân Trung Quốc

Hệ thống điều hành các lực lượng tên lửa chiến lược sẽ không bị xáo trộn nhiều.

Được thành lập vào giai đoạn cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970, lực lượng này đã được cải tổ để thích ứng với điều kiện Trung Quốc chỉ sở hữu một lượng nhỏ đầu đạn hạt nhân và số đầu đạn này chủ yếu nằm dưới sự kiểm soát của Quân đoàn pháo binh số 2 (tên khác của Lực lượng tên lửa chiến lược PLA).

Hiện Trung Quốc đã sở hữu 4-5 tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân thuộc dự án 094 được trang bị các tên lửa liên lục địa hiện đại JL-2. Lực lượng này sẽ được tập trung nâng cấp để ngày càng hiện đại.

Ngoài ra, hệ thống quốc gia về cảnh báo các đòn tấn công tên lửa và hệ thống phòng thủ chống tên lửa chiến lược cũng đang được xây dựng theo mẫu hình của Nga và Mỹ.

Cải tổ cũng sẽ được tiến hành nhằm nâng cao khả năng của PLA trong việc tổ chức các chiến dịch liên binh chủng, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của Không quân và Hải quân nhằm tiến tới thành lập lực lượng Hạm đội đại dương.

Đối với Trung Quốc, lực lượng này không chỉ đem lại biểu tượng của một cường quốc mà còn là vấn đề sống còn về kinh tế và chính trị.

Nguyên nhân là do hiện Trung Quốc đã trở thành cường quốc thương mại lớn nhất thế giới và trao đổi thương mại chủ yếu được thực hiện bằng đường biển.

Nhu cầu nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc hiện nay lớn đến mức Nga và các quốc gia Trung Á không đáp ứng được hết.

Nhập khẩu dầu của Trung Quốc năm 2014 là 308 triệu tấn, trong khi tổng xuất khẩu của Nga là 223 triệu tấn và của Kazakhstan chỉ là 62 triệu tấn.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn bị đánh giá là quốc gia nghèo nên nhu cầu dầu mỏ sẽ tiếp tục tăng mạnh. Khả năng mua nhiên liệu từ các nước châu Âu là rất thấp vì khó khăn địa lý.

Do đó, việc phát triển các tuyến giao thông trên biển để tiếp cận các nguồn nhiên liệu nước ngoài được coi là vấn đề sống còn với Trung Quốc.

Từ các yếu tố trên có thể nhận định rằng PLA sẽ được cải tổ theo hướng tập trung nguồn lực cho Hải quân và các lực lượng chiến lược.

Chức năng của Hải quân sẽ là đảm bảo các lợi ích toàn cầu của Trung Quốc.

Có thể trong 10 năm tới, lực lượng này sẽ được phát triển để có tiềm lực đứng thứ 2 thế giới về trang bị phương tiện, sau Mỹ cho dù xét về số lượng, mức độ hiện đại của tàu ngầm hạt nhân thì Trung Quốc vẫn đứng sau Mỹ và Nga.

Ngoài ra, yếu tố con người cũng sẽ được chú trọng. Cách thức tuyển quân từ nguồn binh lính chủ yếu đến từ các vùng nông thôn và thành phố nhỏ sẽ dần được xóa bỏ.

Trung Quốc sẽ tập trung phát triển nguồn binh sỹ từ cả các thành phố lớn và được đào tạo cơ bản, có chuyên môn cao để có thể làm chủ được lượng trang thiết bị hiện đại được trang bị cho quân đội.

Điều này sẽ dẫn đến những thay đổi đáng kể trong thành phần xã hội của binh sỹ, cũng như vai trò chính trị của quân đội.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại