Vật bất ly thân
Bình toong của lính Mỹ có nhiều hình dáng và trông chúng khá mềm mại, chủ yếu có 2 loại, một loại bằng nhựa tốt, nhẹ, có màu xanh oliu, một loại làm bằng inox có màu trắng, cũng đựng được khoảng 1 lít nước, tuy nhiên so với loại bình toong của bộ đội Việt Nam, bình toong của lính Mỹ không làm dẹt cả hai phía, trông mặt ngoài phồng nhưng mặt trong lại hơi hóp nhẹ, làm như thế thì diện tích tiếp xúc của bình với người sẽ lớn hơn, khi di chuyển sẽ ít bị đau hơn.
Nắp của loại bình này được làm cùng chất liệu với thân bình và được giữ gắn với thân bình qua một sợi xích ngắn rất chắc chắn. Cũng có loại bình toong có nắp và thân được nối bằng nhựa, đúng như tính chất khoa học đến mức tỉ mỉ từng chi tiết một của người Mỹ. Trong khi đó, bình toong của Việt Nam chỉ cần dùng một sợi dây dù buộc nắp và thân là được.
Bình toong mà bộ đội ta dùng do Trung Quốc sản xuất thường có màu xanh lá đặc trưng, dẹt ở giữa và hơi phồng hai bên, có thể đựng được 1 lít nước, có cả loại dáng cao và hơi tròn. Thường thân bình làm bằng nhôm, nắp làm bằng nhựa đặc. Bình được giắt vào thắt lưng của bộ đội bởi một “chiếc áo” làm bằng dây dù.
Chiếc bình toong luôn sát cánh cùng bộ đội Việt Nam trong những lần hành quân.
Ngay cả chiếc nắp của bình toong của Mỹ cũng được chế tạo hết sức phức tạp, nhìn qua chắc nhiều người thắc mắc tại sao người Mỹ lại phức tạp hóa nó đến như vậy. Chiếc nắp được khoan một nắp phụ và gắn trong đó cơ cấu lò xo, cơ cấu này có tác dụng rót nước từ từ một như chiếc nắp chai rượu nhập ngoại mà ta thường thấy. Có chiếc nắp này, lính Mỹ uống nước có thể theo cách mà chúng ta thấy các vận động viên đua xe đạp vừa đi vừa uống. Việc sử dụng kim loại, nhất là cơ cấu lò xo ở đây cũng hiểu người Mỹ tự tin về chất lượng thép tuyệt hảo như thế nào.
Cấu tạo bên trong của chiếc nắp bình toong cũng hết sức phức tạp
Binh sĩ thường nhét chiếc bình này vào một túi vải chuyên dụng để giữ nhiệt, tuy nhiên, khi hành quân mà có nước uống đã là may mắn lắm rồi, hầu như không khi nào họ có nước ấm để uống cả. Chiếc túi này được giắt vào chiếc thắt lưng bằng vải bạt. Phải nói rằng chiếc thắt lưng của họ hết sức chắc chắn và đa năng, ngoài nhiệm vụ chính là làm thắt lưng còn có thể treo đồ ăn, bình nước, lựu đạn, súng ngắn và cả bao nhiêu thứ lỉnh kỉnh khác.
Một chiếc bình toong hầu như khi nào cũng vơi. Mỗi người lính đều nhét một miếng vải màn đã cuộn tròn vào bình nước để uống khi bị thương và để khi hành quân hay di chuyển sẽ không phát ra tiếng óc ách. Trong chiến tranh, dù là một tiếng động nhỏ đôi khi cũng phải đánh đổi bằng cả tính mạng.
Lính Mỹ hứng nước mưa bằng bình toong
Kèm theo mỗi bình toong, lính Mỹ được trang bị một chiếc ca inox để uống nước. Người ta sản xuất chiếc ca này để uống nước nhưng trên thực tế trong điều khiện chiến đấu khó khăn và thiếu thốn thì các binh sĩ dùng nó trong mọi việc có thể như đun cà phê, đựng thức ăn hay thậm chí là đánh răng.
Chiếc ca inox cũng có hình dáng lõm một bên giống như chiếc bình toong. Nó được gắn thêm một chiếc đai sắt, trên đó có in dòng chữ “US W.C.W” rất sắc nét. Có lẽ chạm khắc là một việc mà hầu như binh sĩ nào cũng yêu thích, bởi họ khắc lên hầu như tất cả những vật dụng nào có thể, và chiếc ca hay bình toong cũng không phải ngoại lệ. Họ thường khắc lên đó tên của một cô gái nào đó, có lẽ là người yêu, mẹ, chị, em gái, hay là một người mà họ thầm thương trộm nhớ, rồi mọi tâm trạng hay nỗi niềm riêng, có khi lại là một tấm hình… Bởi vậy nó trở nên rất quý giá với họ.
Ca inox dùng để uống nước của lính Mỹ
Món đồ hữu ích sau chiến tranh
Sau này, khi hòa bình lập lại, dù trải qua bao nhiêu năm tháng, sương gió, va đập… nhưng chiếc bình toong hay ca inox vẫn rất bền, chúng trở thành một phần chiến lợi phẩm của quân ta. Ngoài ra, chúng cũng rất hữu dụng với nhân dân Việt Nam.
Người già dùng chiếc bình toong để đựng nước chè xanh vì nó giữ nhiệt rất tốt. Nông dân, công nhân mang nó theo để đựng nước đi làm, trẻ con mang nước đi học hoặc là mang đổi kem trong thời buổi thiếu thốn… Nói chung hầu như nhà ai cũng có ít nhất một chiếc.
Còn chiếc ca inox, bởi nó được làm bằng inox nên giữ nhiệt và truyền nhiệt cũng rất tốt. Thời ấy với dân ta nước đá vẫn rất xa xỉ. Để giải khát trong những ngày hè nóng bức, người ta múc nước giếng vào một chiếc ca inox, lúc uống lại có cảm giác mát hơn, ngọt hơn.
Những chiếc bình toong hay ca inox này tuổi thọ cũng đã trên 40 năm nhưng hầu như không gặp bất cứ hư hỏng nào ngoại trừ chiếc vỏ đã đượm màu thời gian.
Một chiếc bình toong của lính Mỹ vẫn còn nguyên vẹn
Ngày nay, bình toong hay ca inox đồng hành cũng những chiến lợi phẩm khác được gọi là “kỷ vật chiến tranh”. Chúng được tìm mua và rao bán với rất nhiều mức giá khác nhau từ vài trăm đến vài triệu đồng. Có khi đắt hơn rất nhiều so với mua mới. Có lúc, chúng lại trở thành đồ trang sức của những người chơi xe cổ. Nhìn chung, những kỷ vật ấy ngày nay vẫn được sử dụng một cách sáng tạo với tất cả các chức năng có thể.
Sau khi chúng tôi đăng tải bài viết này, một độc giả tại địa chỉ email quocthai...@yahoo.com chia sẻ thông tin thú vị sau:
"Là những người lính hóa học, chúng tôi cũng được trang bị những chiếc bi đông (bình toong) thế này, nhập ngoại có, sản xuất trong nước có. Một số loại bi đông được cấp phát trong đồng bộ cùng mặt nạ phòng độc.
Để có thể uống nước trong khu vực nhiễm độc, khi không thể cởi mặt nạ, các nhà thiết kế đã làm thêm bộ phận van một chiều trên nắp bi đông. Bình thường van này đóng kín. Khi cần uống nước, người lính mở nắp đậy van 1 chiều trên nắp bình tông, tháo ống uống nước trên mặt nạ, cắm đầu ống vào van 1 chiều, dốc ngược và nâng bi đông cao hơn miệng. Lúc này, đầu ống uống nước tì vào lò xo làm van 1 chiều mở ra, nước tự chảy từ bi đông vào miệng, bảo đảm an toàn.
Xin góp thêm ý kiến nhỏ này để cùng tôn vinh những nhà thiết kế đã làm mọi việc có thể để bảo đảm an toàn cao nhất cho người lính trong chiến đấu".