Khi được hỏi về những con "át chủ bài" của Trung Quốc trong chiến lược không/hải chiến trên Biển Đông, chuyên gia quân sự Du Wenlong của Trung Quốc nói rằng, sự kết hợp giữa các chiến đấu cơ J-10, J-11, J-16, máy bay cảnh báo sớm KJ-2000 và KJ-200, sẽ cho phép Trung Quốc giám sát được các mục tiêu tiềm năng và mở rộng, tăng cường sức mạnh khả năng tác chiến không - đối - không. Với hàng loạt những nền tảng vũ khí đối không như vậy, Trung Quốc sẽ có một mạng lưới tấn công tương đối mạnh.
Theo ông Du, một số các máy bay chiến đấu, vũ khí không - đối - hạm và máy bay cảnh báo sớm có khả năng tấn công đa năng, cũng có thể đáp ứng yêu cầu trên Biển Đông.
Ngoài ra, hiện nay Hải quân Trung Quốc cũng đang triển khai một số lượng các tàu hộ tống, tàu khu trục tiên tiến, cũng như các tàu ngầm hoạt động dưới nước. Ông Du cũng chỉ ra rằng, tác chiến trên không sẽ quyết định chỉ huy tác chiến trên biển. Điều đó có nghĩa là khả năng chiến đấu không - đối - không, không - đối - biển và không - đối - đất của chiến đấu cơ J-16 sẽ cho phép nó phục vụ như một nền tảng trên không nhưng có đầy đủ các vai trò chiến đấu khác nhau trên Biển Đông.
Nếu như trong tương lai, các máy bay cảnh báo sớm của Trung Quốc cũng được trang bị công nghệ cảnh báo sớm và giám sát không - đất/biển, thì độ chính xác và khả năng phát hiện, khả năng cung cấp dữ liệu của PLAN (Hải quân Trung Quốc) sẽ được cải thiện đáng kể. Trong khi đó, khả năng chỉ hủy thông tin hàng không và các hoạt động tác chiến không - đối - biển cũng sẽ được triển khai nhanh hơn. Bởi vậy, theo ông Du, sự kết hợp giữa máy bay chiến đấu J-16 và những loại khác, sẽ hình thành một lực lượng nòng cốt trong chỉ huy tác chiến không - đối - biển trên khu vực Biển Đông.
Theo tiết lộ gần đây của tạp chí quân sự Kanwa Defense Review có trụ sở ở Canada, Hải quân Trung Quốc cũng đã tiếp nhận và triển khai ít nhất 24 máy bay J-16 vào trong Hạm đội Nam Hải để tăng cường quyền kiểm soát của không quân hải trên Biển Đông.
J-16 là tiêm kích đa năng 2 chỗ ngồi do Tập đoàn Thẩm Dương phát triển dựa trên mẫu tiêm kích Su-30MK2 mà Trung Quốc mua của Nga. Tuy nhiên, trong chế tạo, J-16 lại dựa trên khung thân cơ sở mẫu J-11BS – biến thể huấn luyện 2 chỗ ngồi của J-11 (Trung Quốc sao chép mẫu Su-27SK).
Do được phát triển và chế tạo theo đơn đặt hàng của Hải quân Trung Quốc, J-16 được tối ưu trong vai trò đánh biển bằng việc trang bị các hệ thống vũ khí chủ lực là các tên lửa không - đối - hạm tiên tiến.
Trong khi đó, nòng cốt tác chiến không - đối - biển trên Biển Đông của Không quân Việt Nam, đó là những chiến đấu cơ đa năng Su-30MK2V mua từ Nga. Về số lượng, hiện nay Việt Nam đang sở hữu 24 chiếc Su-30MK2 nhưng hoạt động ở nhiều khu vực và thực hiện các vai trò khác nhau. Vì thế, lực lượng tác chiến không - biển của Việt Nam mỏng hơn Trung Quốc, nhưng bù lại, chúng ta có một ưu thế quan trọng ở khoảng cách.
Cụ thể, để tác chiến trên Biển Đông, một chiếc Su-30MK2 Việt Nam có thể cất cánh đầy tải vũ khí từ căn cứ và bay ra tới Trường Sa, sau khi tác chiến quay trở lại đất liền mà không cần tiếp nhiên liệu trên không.
Đối với Hải quân Trung Quốc, các chiến đấu cơ J-16 của họ chỉ có thể chiến đấu khi có các máy bay tiếp dầu trên không bay kèm. Như vậy, chúng mới có khả năng bay ra Biển Đông tác chiến và quay trở về căn cứ. Tuy nhiên, kích thước lớn của các máy bay tiếp dầu cũng đồng nghĩa với việc nó sẽ dễ dàng bị radar trên Su-30MK2 Việt Nam phát hiện từ xa và chủ động tấn công tiêu diệt. Đó là chưa kể đến năng lực tiếp dầu trên không của Không quân Hải quân Trung Quốc hiện vẫn còn khá hạn chế và Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì được ưu thế về khoảng cách trên Biển Đông trong nhiều năm nữa.