Bí mật chưa kể về phi cơ chiến đấu “ký sinh” XF-85 Goblin của Mỹ

Anh Tuấn |

Máy bay XF-85 Goblin ra đời với lý do rất đơn giản: Oanh tạc cơ B-36, một trong những niềm tự hào của Không quân Mỹ vào cuối những năm 1940, cần được hộ tống khi tham chiến.

Máy bay B-36 có sải cánh dài 70 m, trọng tải lên đến 44 tấn và có tầm hoạt động lên đến 16.000 km, qua đó trở thành oanh tạc cơ đầu tiên có tầm hoạt động xuyên lục địa.

Một trong hai phiên bản thử nghiệm của máy bay XF-85 Goblin.
Một trong hai phiên bản thử nghiệm của máy bay XF-85 Goblin.

Tuy nhiên, Không quân Mỹ lúc đó đau đầu trước vấn đề máy bay chiến đấu hộ tống B-36.

Lúc đó, không một máy bay tiêm kích nào có tầm hoạt động xuyên lục địa như chiếc oanh tạc cơ khổng lồ, và máy bay tiếp nhiên liệu trên không vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi.

Đã có rất nhiều ý tưởng được đưa ra, tuy nhiên tất cả đều tỏ ra không hiệu quả và có phần không thực tế.

Có doanh nghiệp đã đề xuất nối B-36 với một máy bay chiến đấu ở đằng sau bằng một dây cáp, khi đến gần mục tiêu thì dây được tháo, máy bay sẽ tự do hoạt động.

Sau đó, Không quân Mỹ đưa ra một ý tưởng thiết thực hơn, đó là thiết kế máy bay chiến đấu cỡ nhỏ đủ để có thể đặt bên trong khoang chứa của B-36.

Bằng cách này, mỗi chiếc B-36 sẽ có chứa một phi đội máy bay chiến đấu, các phi cơ này được phóng đi để phòng thủ trước các đợt tấn công trên không.

Yêu cầu mà Không quân Mỹ đặt ra đó là máy bay “ký sinh” có chiều dài chỉ khoảng 4 m và cao chưa đến 3 m, sải cánh khi gập lại dài 1,5 m.

Trọng lượng của nó không được vượt quá 3 tấn, được trang bị bốn súng máy hạng nặng, và phải đạt tốc độ hơn 950 km/giờ.

Hãng McDonnell là nhà thầu duy nhất chấp nhận thiết kế máy bay mới theo những yêu cầu trên và các kỹ sư của hãng sau đó đã thiết kế và chế tạo XF-85 Goblin.

Khi hai mẫu thử của XF-85 Goblin được hoàn tất, máy bay B-36 vẫn đang trong giai đoạn phát triển và chưa sẵn sàng bay thử nghiệm.

Kết quả là Không quân Mỹ sử dụng một phi cơ B-29 để thay thế, bên trong được lắp đặt những thiết bị cần thiết nhằm hỗ trợ giữ, phóng và thu hồi máy bay Goblin.

Tuy nhiên, kết quả thử nghiệm lại không mấy khả quan. Mặc dù việc tách ra khỏi máy bay ném bom đối với Goblin rất dễ dàng, các phi công lại gặp khó khăn trong việc quay trở lại.

Theo những tài liệu để lại, một phi công mang tên Ed Schoch đã không thể cập bến trong lần thử thứ nhất, và đến lần thứ hai máy bay đâm vào hệ thống hỗ trợ, khiến cửa kính buồng lái bị vỡ, còn bản thân mũ bảo hiểm và mặt nạ dưỡng khí của Schoch bị hất tung.

Sau cùng, ông Schoch quyết định hạ cánh xuống mặt đất thay vì cố gắng quay trở lại oanh tạc cơ. Chỉ vài năm sau đó, công nghệ tiếp nhiên liệu trên không đã được ứng dụng rộng rãi và dự án phát triển máy bay Goblin đã bị hủy bỏ.

Còn về phần máy bay B-36, phi cơ này đã bị ngừng sử dụng từ năm 1959 và chưa một lần được điều động tham chiến.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại