Ông Murray Hiebert, Phó Giám đốc chương trình nghiên cứu Đông Nam Á của Trung tâm CSIS cho biết nhiều nghị sĩ Mỹ thời gian qua ra tín hiệu cho chính quyền nước này dỡ bỏ lệnh cấm vận bởi họ thấy đây là thời điểm chín muồi. “Quá trình bình thường hoá quan hệ trong 20 năm qua là đủ để có những bước tiến mới. Đồng thời các diễn biến trong khu vực Biển Đông tạo thách thức lớn, có liên quan tới Việt Nam. Việt Nam là đối tác của Mỹ nên Mỹ muốn Việt Nam độc lập, có thể tự đương đầu với các thách thức ở mức độ nào đó”.
Trong khi ấy, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên ngành Quan hệ quốc tế, Đại học George Mason (Mỹ) nhận định rằng quyết định bán vũ khí cho Việt Nam là điều được dự báo. "Hàng loạt các quan chức Mỹ thời gian qua đã liên tục đề cập về vấn đề này. Từ các cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam về làm việc ở các bộ ngành của Mỹ rồi các nghị sĩ có tiếng nói quan trọng đều nói cần dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương nên cũng không có gì quá bất ngờ cả”.
Một quyết định như vậy theo giáo sư Hùng không chỉ có ý nghĩa với Việt Nam mà còn mang lại lợi ích cho Mỹ, bởi “Việt Nam là đối tác của Mỹ. Xây dựng khả năng tự chủ cho Việt Nam (trong lĩnh vực quốc phòng) sẽ đưa đến những lợi ích chung của cả hai nước. Mọi người nói là Mỹ bán vũ khí cho Việt Nam thì thu về lợi nhuận, nhưng Mỹ có nhiều thị trường tiêu thụ vũ khí lớn nên vấn đề tài chính ở đây không đáng kể”.
Giáo sư Hùng còn cho biết quan hệ Việt Nam và Mỹ là mối quan hệ khá đặc biệt, không bị tác động bởi các vấn đề chính trị nội bộ của Mỹ gần đây khá phức tạp. “Khác với các vấn đề Syria hay Ukraine, thì với Việt Nam cả lưỡng đảng, Cộng hoà và Dân chủ đều ủng hộ phát triển quan hệ với Việt Nam, mà quan hệ hợp tác với Mỹ thì phải được cả sự đồng thuận của quốc hội chứ chỉ chính quyền không thì chưa đủ”.