Ba Lan dùng 2,5 tỷ Euro để ép Pháp hủy hợp đồng giao tàu Mistral cho Nga

Đức Dũng |

Nguồn tin từ Thượng viện Pháp cho biết Ba Lan đã sử dụng hợp đồng mua bán trực thăng trị giá 2,5 tỷ Euro với Pháp để ép nước này không được giao tàu đổ bộ trực thăng lớp Mistral cho Nga.

Ngay trước cuộc gặp song phương giữa Tổng thống Nga V.Putin và Tổng thống Pháp F.Hollande tại Paris ngày 2/10, nguồn tin từ Thượng viện Pháp cho biết Ba Lan đã sử dụng hợp đồng mua bán 2,5 tỷ Euro với Pháp để ép nước này không được giao tàu Mistral cho Nga.

Sau khi Pháp tuyên bố hủy bỏ việc thực hiện hợp đồng giao 2 tàu đổ bộ Mistral cho Nga, Ai Cập đang nổi lên là đối tác hàng đầu mua cả 2 tàu này. Các bước thương thảo để thực hiện hợp đồng đang được phía Ai Cập tích cực xúc tiến.

Do đó, một trong những nội dung quan trọng trong cuộc gặp lãnh đạo Nga - Pháp là thảo luận vấn đề liên quan đến khả năng Pháp bán 2 tàu đổ bộ này cho phía Ai Cập.

Theo Dmitri Peskov - Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, trong cuộc gặp trên, cả Tổng thống Pháp và Tổng thống Nga đều bày tỏ sự hài lòng sau khi tìm được lối thoát cho vấn đề thực hiện hợp đồng Mistral vì nó đáp ứng được lợi ích của tất cả các bên.

Đáng chú ý, trước khi cuộc gặp song phương Nga - Pháp diễn ra, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Pháp đã công bố bản báo cáo về nguyên nhân khiến Pháp “không dám” thực hiện hợp đồng với phía Nga.

Theo đó, nguyên nhân chính là do Pháp bị NATO, nhất là các nước thành viên NATO ở Đông Âu gây ra “áp lực mạnh mẽ”, buộc Pháp phải hủy hợp đồng.

Cụ thể, theo thượng nghị sỹ Rober del Pikkia “trong khuôn khổ Đại hội đồng nghị viện NATO, các nước Đông Âu đã gây áp lực mạnh mẽ để buộc Pháp hủy bỏ hợp đồng”.

Theo đó, Ba Lan đã lên tiếng đe dọa Pháp sẽ hủy bỏ các cuộc đàm phán để thương thảo các điều kiện ký kết hợp đồng mua 50 trực thăng với trị giá lên đến 2,5 tỷ Euro nếu như Pháp chuyển giao Mistral (vốn có trị giá chỉ 1,2 tỷ Euro).

Đây chính là nguyên nhân chủ yếu khiến Pháp phải cân nhắc rồi từ chối thực hiện hợp đồng.

Động thái gây sức ép lên Pháp được Ba Lan thực hiện từ năm ngoái. Khi đó Ba Lan đã lên tiếng đe dọa rằng nếu như Pháp giao Mistral cho Nga thì họ sẽ “nghi ngờ khả năng lựa chọn các công ty của Pháp làm chủ thầu để xây dựng hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Ban Lan.

“Tôi không thể không tiết lộ khả năng rằng chúng tôi sẽ khó có thể đưa ra các giải pháp tích cực với các đối tác Pháp vì các vấn đề liên quan đến Mistral” - Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Tomasz Siemoniak tuyên bố hồi tháng 9/2014.

Trong suốt thời gian này, Ba Lan thông qua NATO đã liên tục gây sức ép lên Pháp. Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan thường xuyên lên tiếng rằng với tư cách là thành viên NATO, Pháp cần phải tính đến ý kiến của các thành viên khác của NATO.

“Tôi không muốn đặt điều kiện cho Pháp. Tôi tin tưởng rằng Pháp sẽ đưa ra một quyết định thông minh và có trách nhiệm khi là thành viên NATO và quyết định này sẽ dựa trên ý kiến của các thành viên khác”- ông Tomasz Siemoniak nhấn mạnh.

Được biết, việc hủy hợp đồng khiến Pháp phải bồi thường cho Nga gần 1 tỷ Euro. Ngoài ra, theo bản báo cáo trên, Pháp còn phải trả cho nhà thầu tiền bảo dưỡng Mistral trong thời gian hợp đồng bị trì hoãn số tiền là 200 - 250 triệu Euro.

Ngoài ra, Pháp còn không ký được hợp đồng bổ sung cung cấp trang thiết bị cho tàu với trị giá khoảng 250 - 300 triệu Euro.

Tuy nhiên, với hợp đồng trị giá 2,5 tỷ Euro và vẫn được phép bán Mistral cho Ai Cập, Pháp cũng sẽ không thiệt hại nhiều khi hủy hợp đồng Mistral với Nga.

Trong khi đó, việc Ai Cập mua tàu này của Pháp, cộng với việc thực hiện hợp đồng cung cấp trực thăng Ka-52K cho Ai Cập để trang bị cho Mistral cũng giúp Nga kiếm được thêm 650 triệu USD. Do đó, “lợi ích của các bên đều được đáp ứng” đúng như tuyên bố của ông Dmitri Peskov.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại