Mới đây nhất, Mỹ đã bắt đầu lắp đặt thiết bị chỉ thị mục tiêu Sniper cho các máy bay ném bom hạng nặng B-52.
Đây vốn là thiết bị giúp các máy bay ném bom của Mỹ tấn công chính xác mục tiêu, song cũng được sử dụng cho nhiệm vụ trinh sát.
Sniper được Lockheed Martin bắt đầu phát triển từ năm 2007 và cách đây 5 năm đã bắt đầu được lắp đặt cho các máy bay ném bom B-1B. Sniper cho phép phi hành đoàn nhìn rõ mục tiêu với hình ảnh chi tiết nhất có thể và những diễn biến trên mặt đất khi máy bay đang ở độ cao gần 7 km.
Hệ thống Sniper gồm các cảm biến hình ảnh gắn ở càng của máy bay và bộ phận kết nối 2 màn hình với nhau, gồm màn hình mục tiêu được kiểm soát qua máy tính xách tay và màn hình bên trong máy bay.
Công nghệ video tầm xa cho phép phi hành đoàn có thể phân biệt được thậm chí một người trên mặt đất là nam hay nữ và có mang vũ khí hay không. Công nghệ này cũng giúp khóa mục tiêu di động, xác định rõ mục tiêu để làm căn cứ phát lệnh khai hỏa tấn công.
Hiện nay, Mỹ tận dụng khả năng của Sniper trên B-52 và B-1B để thực hiện nhiệm vụ trinh sát trên biển.
Ví dụ điển hình là việc Bộ An ninh Nội địa của Mỹ thường xuyên sử dụng các máy bay B-52 để kiểm tra các tàu thương mại khả nghi trên hành trình tới Bắc Mỹ.
B-52 sẽ chụp ảnh con tàu khi nó còn cách bờ khoảng 2.000 km và chuyển hình ảnh về để các chuyên gia Bộ An ninh Nội địa Mỹ phân tích.
Ngoài nhiệm vụ trinh sát, B-52 và B-1B còn có thể làm nhiệm vụ tiêu diệt các mục tiêu trên biển, trong đó có các tàu chiến của đối phương bằng thủy lôi và các tên lửa Harpoon cũng như bom thông minh. Việc tận dụng máy bay ném bom hạng nặng để thả thủy lôi không phải là cách làm mới của Mỹ.
Trong Thế chiến II, các máy bay ném bom B-17 và B-24 của Mỹ cũng từng làm nhiệm vụ tuần tra biển, thả ngư lôi để chống lại Hải quân Đức và Nhật Bản.
Tuy nhiên, với sự tiến bộ của công nghệ, các máy bay B-52 và B-1B ngày nay thực hiện nhiệm vụ này hiệu quả hơn. Một trong những loại thủy lôi phổ biến hiện nay của Mỹ là Mk-62. Loại thủy lôi này có khối lượng 227 kg, thường được thả xuống các vùng biển nông.
Thủy lôi phát hiện và tiêu diệt tàu đối phương bằng các sensor về áp lực nước, từ tính vỏ tàu hoặc các chấn động. Các sensor này cũng có thể được lập trình để tiêu diệt các tàu chiến theo các tiêu chí định trước.
B-52 và B-1B thường làm nhiệm vụ thả thủy lôi khi bay ở độ cao chỉ khoảng 300 m trên mặt biển với tốc độ 500-600 km/h.
Trong Chiến tranh Việt Nam, các máy bay B-52 của Mỹ ngoài nhiệm vụ oanh tạc, cũng thực hiện việc thả thủy lôi trên các luồng lạch tiếp cận các cảng ở miền Bắc Việt Nam.
Cách đây 2 năm, Mỹ bắt đầu tiến hành thử nghiệm kết hợp bom dẫn đường bằng laser JDAM với hệ thống chỉ thị mục tiêu Sniper trên B-1B nhằm tiêu diệt các mục tiêu di động. Sniper sẽ chiếu tia laser vào mục tiêu từ trên không. Sau đó, bom JDAM dựa vào tia laser phản xạ để lao thẳng tới mục tiêu.
Ngày nay, Mỹ đang sở hữu tổng số 159 máy bay ném bom hạng nặng (chiến lược), trong đó có 76 chiếc B-52, 63 chiếc B-1 Lancer và 20 chiếc B-2 Spirit. So với B-1 và B-2, B-52 là loại “già” nhất vì được sản xuất trong giai đoạn 1952-1962 và bắt đầu vào biên chế từ năm 1955.
Trong khi đó, B-2 hiện trẻ nhất khi được sản xuất trong giai đoạn 1988-2000 và mới bắt đầu phục vụ chưa đầy 2 thập kỷ. Còn B-1 bắt đầu phục vụ trong Không quân Mỹ từ năm 1986.
Trong 3 loại này, B-52 được đánh giá là có chi phí khai thác sử dụng rẻ nhất. Tuy nhiên, do “tuổi già” nên B-52 lại tiêu tốn chi phí bảo trì và bảo dưỡng cao hơn hai loại còn lại. Chính vì vậy, hiện nay, Mỹ đang ưu tiên sử dụng B-1 hơn so với B-52.
Theo kế hoạch đang thực hiện, Mỹ sẽ tiếp tục nâng cấp các loại máy bay ném bom hạng nặng trên để kéo dài tuổi thọ của chúng. Với việc làm này, những chiếc B-52 và B-1 sẽ tiếp tục tung hoành cho tới sau năm 2040. Đối với B-2 thì thời hạn phục vụ sẽ được kéo dài tới sau năm 2060.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!