Bài viết trên tạp chí National Interest (Mỹ) cho biết:
Những chiếc tàu sân bay đúng nghĩa đầu tiên đi vào hoạt động từ cuối Thế chiến I, khi Hải quân Hoàng gia Anh chuyển đổi một số tàu chiến dư thừa thành các sân bay nổi cỡ lớn.
Trong giai đoạn chuyển giao giữa 2 cuộc thế chiến, Nhật Bản và Mỹ cũng thực hiện các chương trình chuyển đổi.
Về sau, ngoài các chiến hạm chuyển đổi, cả 3 lực lượng hải quân này đều bổ sung thêm các tàu sân bay đóng mới.
Khi chiến sự bùng nổ vào tháng 9/1939, trong nhiều tháng liền, tàu sân bay đã chứng tỏ được giá trị của mình trong các nhiệm vụ trên biển.
Tới cuối năm 1941, các tàu sân bay đã chiếm lĩnh vị trí tàu chỉ huy của thế giới.
Dưới đây là 5 chiếc tàu sân bay uy lực nhất từng phục vụ các lực lượng hải quân trên thế giới. Danh sách lựa chọn dựa trên những đóng góp của các con tàu trong những chiến dịch quan trọng, tuổi thọ hoạt động và độ bền của chúng.
USS Enterprise (CV-6)
Ngoài 2 tàu Lexington và Saratoga – mẫu tuần dương-thiết giáp hạm chuyển đổi hiệu quả nhất thời kỳ này, Hải quân Mỹ đã bổ sung thêm vào lực lượng của mình “hàng không mẫu hạm” được đóng mới hoàn toàn USS Ranger.
Từ kinh nghiệm với 3 con tàu này, Hải quân Mỹ nhận thấy lớp tàu sân bay tiếp theo phải có kích cỡ lớn và sàn đáp, cũng như hệ thống vũ khí phòng không mạnh hơn.
Điều này đã dẫn tới sự ra đời của 2 tàu USS Yorktown và USS Enterprise.
Cùng với người em thứ 3 của mình là USS Hornet, chúng đã đóng vai trò quan trọng trong việc chặn đứng đà tấn công của Hải quân Đế quốc Nhật năm 1942.
Enterprise có lượng giãn nước 24.000 tấn, có khả năng hành trình với tốc độ 33 hải lý/h và có thể mang tới 90 máy bay.
USS Enterprise (CV-6)
Trong khi Hornet và Yorktown bị đánh bại trong các trận chiến tàu sân bay năm 1942, Enterprise đã phục vụ cho tới hết Thế chiến II.
Con tàu đã tham gia truy lùng hạm đội Nhật Bản sau sự kiện Trân Châu Cảng và thực hiện các cuộc tấn công đáp trả đầu tiên trong những tháng đầu Mỹ tham chiến.
Enterprise hộ tống tàu Hornet trong cuộc tập kích Doolittle Raid, sau đó giúp đánh chìm 4 tàu sân bay của Nhật Bản trong trận chiến Midway.
Con tàu này còn đóng vai trò quan trọng trong trận chiến Guadalcanal, chống chọi được một số cuộc tấn công khá thảm khốc của Nhật Bản.
Trong giai đoạn sau của cuộc chiến, Enterprise hoạt động cùng với hạm đội tàu sân bay đang lớn mạnh của Mỹ, trở thành nòng cốt trong lực lượng phản công, thu hẹp quyền kiểm soát của Nhật trên Thái Bình Dương.
Enterprise từng tham chiến ở Biển Philippine và Vịnh Leyte, hỗ trợ tiêu diệt đầu não của lực lượng không quân hải quân Nhật Bản.
Con tàu đã tham gia các cuộc tấn công cuối cùng nhằm vào Nhật Bản trong năm 1945 cho tới khi bị hư hại nặng bởi một cuộc tấn công cảm tử của quân Nhật vào tháng 5/1945.
Quay trở lại phục vụ ngay khi chiến tranh kết thúc, Enterprise đã hỗ trợ đưa các binh sĩ Mỹ tham gia Chiến dịch Magic Carpet về nước.
Enterprise được trao tặng 20 ngôi sao chiến đấu, thành tích cao nhất trong mọi tàu chiến thời Thế chiến II.
Tuy nhiên, sau chiến tranh, các nỗ lực bảo tồn thất bại khiến con tàu bị tháo dỡ vào năm 1960.
HMS Illustrious (87)
Từ tháng 9/1939 – tháng 4/1942, Hải quân Hoàng gia Anh thiệt hại 5 trong 7 chiếc tàu sân bay trong biên chế.
HMS Illustrious và 3 người chị em khác của nó đã lấp đầy khoảng trống này.
Tàu Illustrious được khởi đóng năm 1937, trang bị sàn đáp bọc thép, một công nghệ đột phá giúp con tàu mạnh hơn so với các đối thủ đến từ Nhật Bản và Mỹ.
Tuy nhiên, điều này khiến nó phải giảm đáng kể số lượng máy bay mang theo.
Illustrious có lượng giãn nước 23.000 tấn, có thể di chuyển với tốc độ 30 hải lý/h và mang được 36 máy bay.
HMS Illustrious
Thành tích đáng kể đầu tiên mà Illustrious đạt được là vào tháng 11/1940, khi các máy bay ném bom Swordfish tấn công các thiết giáp hạm của Hải quân Italia neo tại Taranto.
Cuộc tấn công này có quy mô nhỏ hơn so với nhiều cuộc tấn công khác trong Chiến tranh Thái Bình Dương nhưng lại có thể đánh chìm và làm hư hại nặng 3 thiết giáp hạm Italia.
Trong những tháng tiếp theo, Illustrious tiến hành các cuộc tấn công tại Địa Trung Hải và thực hiện nhiệm vụ di tản ở Hy Lạp (trong đó, Illustrious đã chống chọi được trước nhiều cuộc tấn công từ phía máy bay ném bom bổ nhào của Đức).
Sau khi trải qua đợt sửa chữa tại Mỹ, Illustrious được triển khai đối phó với quân Nhật Bản tại Ấn Độ Dương.
Con tàu trở lại mặt trận Châu Âu vào năm 1943, tiến hành các cuộc tấn công bổ sung nhằm vào Na Uy và hỗ trợ các đợt đổ bộ của khối Đồng minh vào Italia.
Sau đó, Illustrious trở lại Thái Bình Dương đón các chiến đấu cơ hiện đại của Mỹ và đi đầu trong các chiến dịch phản công của hải quân Anh tại Đông Nam Á.
Sau khi thoát khỏi cuộc tấn công cảm tử của Nhật, con tàu trở về Anh và đảm nhiệm vai trò tàu sân bay huấn luyện trước khi bị phá dỡ năm 1957.
HIJMS Zuikaku
Zuikaku đại diện cho đỉnh cao của công nghệ đóng tàu sân bay thời trước chiến tranh của Nhật.
Cùng với “người chị em” Shokaku, Zuikaku đã bổ sung cho Hạm đội Kido Butai - lực lượng tấn công của Nhật Bản thêm 2 tàu sân bay hiện đại, có kích cỡ lớn và tốc độ cao.
Với lượng giãn nước 32.000 tấn và khả năng mang 72 máy bay, Zuikaku có thể di chuyển với tốc độ 34 hải lý/h và đứng vững trước nhiều hư hại khi tham chiến.
Kích cỡ và mức độ hiện đại của tàu sân bay đồng nghĩa với việc chúng có thể đáp ứng những diễn biến nhanh khi cuộc chiến vừa diễn ra.
HIJMS Zuikaku
Sau cuộc tập kích Trân Châu Cảng, Shokaku và Zuikaku đã tham gia các cuộc tấn công trên Ấn Độ Dương, giúp đánh chìm tàu sân bay Hermes và một số tàu chiến khác của Anh.
Sau đó, 2 con tàu được triển khai tới cảng Moresby để yểm trợ cho binh lính Nhật đổ bộ xuống khu vực mà sau đó diễn ra trận chiến Biển Coral.
Tàu Zuikaku không hề hấn gì và còn giúp đánh đắm tàu sân bay USS Lexington của Mỹ nhưng do thiếu máy bay, nó không thể tiếp tục tham gia trận chiến Midway.
Zuikaku tiếp tục là một phần cốt lõi trong hạm đội tàu sân bay Nhật Bản năm 1944, tham gia và trụ lại sau trận chiến Guadalcanal (giúp đánh đắm tàu sân bay USS Hornet) và trận chiến Biển Philippines.
Đến tháng 10/1944, lượng máy bay và phi công của tàu gần như cạn kiệt hoàn toàn.
Trong trận chiến vịnh Leyte, Zuikaku và một số tàu sân bay khác giả làm mồi nhử các thiết giáp hạm của đối phương.
Và Zuikaku, chiếc tàu cuối cùng còn lại sau cuộc tập kích Trân Châu Cảng đã bị đánh chìm bởi một cơn mưa bom và ngư lôi.
USS Midway (CV-41)
USS Midway đi vào hoạt động trong tháng 9/1945, không bao lâu sau khi cuộc chiến với Nhật kết thúc. Tàu có lượng giãn nước 45.000 tấn, tốc độ 33 hải lý/h và có thể mang theo gần 100 máy bay.
Midway và những người chị em của nó là một bước phát triển cao hơn của các tàu sân bay lớp Essex, vốn đã chiến thắng trên Thái Bình Dương và hứa hẹn mở ra một kỷ nguyên mới của lực lượng không quân hải quân.
Sau khi được đưa vào biên chế, Midway trở thành tàu sân bay uy lực nhất trên thế giới.
Hỏa lực của nhóm tàu sân bay này vượt xa các tàu sân bay lớp Essex trong biên chế.
Trang bị các máy bay ném bom A-2, Midway và các “chị em” khi ấy nhanh chóng trở thành những tàu sân bay duy nhất sở hữu năng lực tấn công hạt nhân.
USS Midway
Được nâng cấp trong thời gian làm nhiệm vụ, Midway sau đó đã có nhiều cải tiến.
Con tàu từng tham chiến tại Việt Nam và sau đó tiếp tục phục vụ như một “siêu tàu sân bay”.
Trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1990, Midway đã tham chiến tích cực, kích thước tương đối nhỏ đem lại cho nó lợi thế khi di chuyển so với các siêu tàu sân bay hiện đại hơn.
Khi được giải ngũ năm 1992, Midway chứng kiến rất nhiều thay đổi trong ngành không quân hải quân, khi đón từ những chiếc F6F Hellcat tới những chiếc F/A-18 Hornet hiện đại.
USS Theodore Roosevelt (CVN-71)
10 tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz đã độc chiếm vị trí tàu chỉ huy của thế giới khi đi vào hoạt động cuối những năm 1970.
Được đóng trong suốt gần 35 năm, lớp tàu sân bay này hiện tiếp tục là nòng cốt trong sức mạnh hải quân Mỹ. Nổi bật trong số những tàu hoạt động tích cực nhất của lớp Nimitz là USS Theodore Roosevelt.
Con tàu được đưa vào biên chế năm 1986, với lượng giãn nước 100.000 tấn, chở được từ 75-80 chiến đấu cơ, vận tốc tối đa 30 hải lý/giờ.
Roosevelt hiện diện trong hầu hết các cuộc chiến thời hậu Chiến tranh Lạnh.
Nằm 1991, con tàu đã tiến hành không kích Iraq trong chiến dịch Bão táp sa mạc. Năm 1999, cũng tàu sân bay này đã thực hiện các cuộc tấn công vào Kosovo và Serbia.
USS Theodore Roosevelt.
Sau các vụ khủng bố ngày 11/9/2001, Roosevelt được triển khai tới Trung Đông và tham gia vào các cuộc oanh kích đầu tiên vào mạng lưới khủng bố Al Qaeda và Taliban.
Hai năm sau, các chiến đấu cơ từ USS Roosevelt đã tấn công mục tiêu tại Iraq trong những ngày đầu của chiến dịch Tự do cho người Iraq.
Sau khi được tu sửa, Roosevelt tiếp tục tham chiến tại Afghanistan và Iraq.
Gần đây nhất, con tàu đã tham gia phong tỏa các cảng tại Yemen để chặn các hoạt động nghi của tàu chở vũ khí từ Iran.
Giống như những người chị em của mình, Roosevelt đã trải qua các đợt đại tu trong 30 năm hoạt động và Hải quân Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục các đợt nâng cấp như vậy trong tương lai.
Theo kế hoạch, con tàu sẽ “nghỉ hưu” vào năm 2035, như vậy, nó sẽ có khoảng 50 năm phục vụ trong biên chế Hải quân Mỹ.