Hai nhà nghiên cứu gồm tiến sĩ Audrey Kurth Cronin, giáo sư khoa Quan hệ đối ngoại (Đại học Mỹ) và tiến sĩ Patrick M.Cronin, chủ nhiệm cao cấp của chương trình An ninh châu Á-Thái Bình Dương (Trung tâm Vì an ninh Mỹ mới) đều ở Washington DC.
Đề phòng nguy cơ quân khủng bố IS từ Syria trở về
Ngày 5.8, lực lượng chống khủng bố Indonesia đã ngăn chặn âm mưu bắn tên lửa từ đảo Batam sang Singapore và bắt giữ 6 nghi can thuộc tổ chức Katibah Gigih Rahmat (KGR) chuyên đưa người sang Syria tham gia tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Sau đó một nghi can được thả ra vì không dính líu đến KGR.
Thủ lĩnh KGR Gigih Rahmat Dewa đã lên kế hoạch bắn tên lửa cùng với Bahrun Naim người Indonesia. Tên này đã tuyên thệ trung thành với IS hồi năm 2014 và sang năm sau thì sang Syria.
Hai nhà nghiên cứu Audrey Kurth Cronin và Patrick M.Cronin ghi nhận tin mừng là âm mưu khủng bố ở Indonesia do các phần tử địa phương điều hành một cách kém cỏi, tuy nhiên việc đánh giá thấp hiệu quả của chúng chỉ làm tăng nguy cơ bọn IS sẽ tổ chức tấn công lần nữa.
Ví dụ hồi đầu năm nay, một vụ tấn công do IS tổ chức đã diễn ra ở siêu thị Sarinah ở Jakarka (Indonesia) khiến 4 dân thường và 4 tên đánh bom tự sát thiệt mạng. Số tử vong này có thể cao hơn nếu bọn khủng bố được huấn luyện tốt hơn.
Bahrun Naim người Indonesia đã sang Syria thamn gia IS - Ảnh: Berita Harian
Tên Bahrun Naim đang ở Syria được cho là đã chuyển tiền cho KGR và chỉ thị cho người của hắn qua mạng internet. Chính nhờ cách thức liên lạc qua mạng xã hội của chúng, cảnh sát đã phát hiện được âm mưu tấn công Singapore bằng tên lửa.
Vào lúc IS bị đẩy lui ở Syria và Iraq, ngày càng gia tăng nguy cơ các phần tử được huấn luyện tốt hơn sẽ quay trở về Indonesia và tấn công khủng bố.
Hoạt động này cùng với việc phạm nhân rất dễ có điện thoại thông minh trong nhà tù Indonesia sẽ tạo ra mối đe dọa nguy hiểm xảy ra khủng bố ở bên trong và từ Indonesia.
Báo động bạo lực chính trị và khủng bố sẽ bùng nổ
Hai nhà nghiên cứu cho rằng âm mưu bắn tên lửa vào Singapore có thể báo trước việc các vụ khủng bố và chính trị bạo lực sẽ bùng phát trong những năm tới.
Đảo Batam (Indonesia) chỉ cách Singapore 20km. Đây là một trung tâm công nghiệp nằm giữa tam giác đang phát triển Indonesia - Malaysia - Singapore.
Đảo Batam cách Singapore khoảng 20km - Ảnh: Batam Map
Dù chưa thể biết âm mưu bắn tên lửa đạt ở mức độ nào nhưng âm mưu tấn công này nhắc nhớ chuyện tổ chức vũ trang Hezbollah tấn công Israel. Các cá nhân hoặc tổ chức nhỏ có thể được lập ra để tiến hành khủng bố ở các khu vực phát triển nhất của châu Á.
Vụ đánh sập âm mưu khủng bố của KGR là chiến công chống khủng bố thứ hai của Indonesia.
Giữa tháng 7, đơn vị Alpha 29 thuộc lực lượng đặc nhiệm cảnh sát-quân đội chống khủng bố Indonesia đã mở chiến dịch Tinombala ở thành phố Poso (trung Sulawesi) và tiêu diệt được Abu Wardah, tên khủng bố bị truy nã gắt gao nhất Indonesia.
Wardah còn có tên Santoso. Tổ chức chiến binh thánh chiến Đông Indonesia của Santoso đã sát hại nhiều nhân viên an ninh và chúng tuyển quân từ các điểm nóng khủng bố toàn cầu như cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương bất ổn (Trung Quốc).
Phải cùng quyết tâm chống khủng bố
Các chiến dịch chống khủng bố của Indonesia xem ra đã ngăn chặn một vụ tấn công khủng bố vào khu vực Đông Nam Á bình yên và thịnh vượng, cũng như ngăn không cho IS lập sào huyệt ở vùng nông thôn.
Nhưng hai nhà nghiên cứu Audrey Kurth Cronin và Patrick M.Cronin cho rằng chưa thể vội mừng nếu như quân khủng bố tiếp tục đe dọa Đông Nam Á, khu vực đang phát triển nhanh của châu Á.
Một số nước xem ra đã sẵn sàng đối phó với thách thức này. Hoạt động chống khủng bố thành công của Indonesia dưới thời Tổng thống Joko Widodo là một dấu chỉ.
Singapore tiếp tục dẫn đầu thế giới về truy lùng quân khủng bố và đang trong tư thế sẵn sàng khi phá tan âm mưu khủng bố từ đảo Batam.
Trong khi đó, Indonesia, Malaysia và Philippines đã nhất trí tuần tra chung trên vùng biển Sulu, cho phép mỗi nước có quyền truy bắt nóng trên lãnh thổ nước kia nhằm bắt giữ tổ chức khủng bố Abu Sayyaf cùng bọn gieo rắc bạo lực khác.
Hải quân Philippines (ảnh) sẽ phối hợp cùng Indonesia và Malaysia tuần tra chung trên vùng biển Sulu để truy bắt khủng bố Abu Sayyaf - Ảnh: Philippine Star
Thế nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Các nước châu Á có thể đạt đến tinh thần chung là chia sẻ thông tin để chống mối đe dọa từ IS, khủng bố và bạo lực chính trị.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể muốn nêu vấn đề này tại hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Hàng Châu vào tháng 9 tới. Tổng thống Obama cũng có thể nêu vấn đề này ở hội nghị thượng đỉnh Đông Á.
Hợp tác chống khủng bố sẽ không xóa bỏ được vấn đề tranh giành địa-chính trị hoặc tranh chấp hàng hải, tuy nhiên có thể giúp tăng cường ổn định ở một khu vực nhạy cảm.
Các tổ chức khủng bố địa phương có thể tiếp cận thông tin toàn cầu, có vũ khí hiện đại nhưng chúng có thể không đặt ra mối đe dọa với bất kỳ quốc gia nào. Nhưng sự phá hoại mà chúng có thể gây ra cùng nỗi sợ sự phá hoại ấy sẽ gây tổn thất nặng ở châu Á thịnh vượng.
Phòng chống các vụ tấn công trong tương lai phải là mối quan tâm chung của các quốc gia cũng như để giảm thiểu hậu quả của các vụ tấn công khi chúng xảy ra.
Các nước châu Á-Thái Bình Dương cần xây dựng những mức độ hợp tác mới ngay từ lúc này nếu muốn tránh hậu quả nghiêm trọng trong giai đoạn bùng nổ khủng bố và bạo lực chính trị trên toàn khu vực.