Quan hệ thương mại Việt - Anh sẽ ra sao khi Anh rời EU?

Tuệ Minh |

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói về tương lai quan hệ thương mại Anh - Việt sau khi nước Anh rời khỏi EU.

Theo kết quả trưng cầu dân ý tại Vương quốc Anh hôm 23/6, Anh sẽ rời EU với tỉ lệ ủng hộ 52%. Ngay sau khi thông tin này được công bố, giá trị đồng Bảng Anh (GBP), theo BBC, cũng đã tụt xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985.

Trước một sự kiện lớn đối với EU - một trong những đối tác thương mại rất lớn của Việt Nam như vậy, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhanh chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về những ảnh hưởng của việc Anh rời khỏi EU đối với quan hệ thương mại Việt - Anh.

Quan hệ thương mại Việt - Anh sẽ ra sao khi Anh rời EU? - Ảnh 1.

Anh sẽ rời EU với tỉ lệ ủng hộ 52%

PV: Việc Anh rời khỏi EU tác động như thế nào đến quan hệ kinh tế Việt Nam - EU, thưa bà?

Bà Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ quan hệ Việt Nam với các nước EU còn lại sẽ không thay đổi gì, tất nhiên, lượng giao dịch giữa Việt Nam với Anh bây giờ sẽ được tính riêng.

Liên minh châu Âu đã ký Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) với Việt Nam, sau khi được hai bên thông qua và bước vào thời gian thực hiện, Hiệp định đó chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi cho cả hai phía.

Hiệp định cũng sẽ thúc đẩy quan hệ giữa EU và các nước khác trong ASEAN giúp cải thiện, mở rộng tự do thương mại hơn vì Việt Nam đã có hiệp định như vậy thì các thành viên khác của ASEAN (trừ Singapore đã có rồi) cũng sẽ có mong muốn thúc đẩy quan hệ đối với EU nhiều hơn.

PV: Thưa bà, còn quan hệ thương mại Việt - Anh sẽ bị ảnh hưởng như thế nào sau thông tin Brexit được công bố?

Bà Phạm Chi Lan: Trong quan hệ Việt Nam - Anh, hai nước vẫn duy trì quan hệ song phương với nhau. Anh là một đối tác quan trọng của Việt Nam về nhiều mặt và sẽ mong muốn thúc đẩy mối quan hệ này.

Vì Anh không còn là thành viên của EU nữa nên chắc chắn quan hệ Việt - Anh không thể dựa trên nền tảng cam kết trong EVFTA.

Khi Anh rời khỏi EU thì những cam kết của EU đối với Việt Nam thì chỉ còn là cam kết của các nước EU còn lại đối với Việt Nam thôi. Giữa Việt Nam với Anh cũng vậy, Việt Nam không có cam kết riêng với Anh về việc này.

Vì lẽ đó, hai nước vẫn sẽ có quan hệ bình thường như từ trước đến nay. Liệu Anh có quan tâm và muốn đàm phán một FTA với Việt Nam hay không trong tương lại thì chuyện đó phải xa hơn mới tính được vì giờ họ còn phải tính nhiều việc khác.

Nếu Anh vẫn nằm trong EU và Việt Nam có hiệp định FTA với EU trong đó có Anh thì Việt Nam sẽ thuận lợi hơn trong quan hệ kinh tế với Anh.

Khi Anh đã tách riêng ra, không còn chịu tác động của EVFTA nữa thì có thể quan hệ giữa Anh và Việt Nam không thuận lợi như khi Anh còn trong khối EU. Bởi vì sẽ có những nước khác thúc đẩy quan hệ với Anh nhiều hơn, như Trung Quốc, Ấn Độ và một số nền kinh tế khác.

Việt Nam rất khó so sánh về mức độ cạnh tranh với các nước này. Nếu Anh còn là thành viên của EU thì Việt Nam còn có thể tận dụng được thuận lợi trong cam kết Việt Nam - EU để khai thác quan hệ với Anh.

PV: Như vậy theo ý bà, khi Anh rời khỏi EU thì quan hệ thương mại Việt Nam - Anh sẽ theo chiều hướng không tốt đẹp bằng trước?

Bà Phạm Chi Lan: Có một số họ đã dự báo như vậy và tôi cũng có cảm nhận như vậy vì Anh cũng là một thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.

Trước đây khi Anh còn nằm trong EU thì nhất là với khả năng của EVFTA thì có thể đẩy tiếp lên. Nhưng khi không có yếu tố của EVFTA nữa thì Việt Nam phải cạnh tranh với các thị trường khác. Và sự cạnh tranh đó hoàn toàn không dễ dàng.

PV: Bà có nghĩ việc Anh rời khỏi EU sẽ tác động mạnh đến tỷ giá giữa Việt Nam đồng và Bảng Anh?

Bà Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ tỷ giá giữa hai đồng tiền có lẽ cũng không phải là cái gì thật lớn vì đối với Việt Nam, lâu nay trong quan hệ với các nước trong liên minh châu Âu, chúng ta vẫn dùng đồng tiền chung Euro.

Còn trong thanh toán với Anh thì vẫn phải dùng Bảng Anh vì Anh không nằm trong khối đồng dùng chung Euro.

Còn đồng tiền của Anh biến động như thế nào thì phải chờ đợi và xem xét mối quan hệ giữa đồng tiền của Anh đối với các đồng tiền mạnh khác trên thế giới khi Anh rời khỏi khối EU.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại