Cây cầu nối giữa Trung Quốc và Nga. Ảnh: chinadaily.com.cn
Chưa có lịch trình cụ thể được công bố nhưng Điện Kremlin nhấn mạnh tầm quan trọng của cây cầu này qua việc công khai bản ghi về cuộc họp diễn ra vào tháng 11/2021 bàn luận về lễ khai trương.
Chủ tịch hội đồng quản trị của BTS-Most, đơn vị xây phần cầu bên lãnh thổ Nga, chia sẻ với nhóm làm việc của Điện Kremlin rằng ông đã đề nghị Tổng thống Vladimir Putin mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự lễ khai trương vì “đây là sự kiện rất quan trọng”.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết cây cầu bắc qua sông Heilong (sông Amur trong tiếng Nga), được đề xuất xây dựng lần đầu vào năm 1988, trước thềm chuyến thăm của lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đến Bắc Kinh.
Sự xích lại gần nhau giữa Liên Xô và Bắc Kinh bao gồm thỏa thuận tăng cường hợp tác kinh tế. Cây cầu nối giữa thành phố Hắc Hà (Trung Quốc) với Blagoveshchensk ở vùng Viễn Đông Nga nằm trong tầm nhìn này.
Sau khi Liên Xô tan rã, đến năm 1995, dự án xây cầu nối giữa Trung Quốc và Nga được khôi phục khi hai nước ký kết thỏa thuận xây dựng. Nhưng phải đến tháng 12/2016, công việc thi công mới được khởi động.
Buổi lễ khánh thành cây cầu bị trì hoãn do dịch COVID-19 nhưng việc hoàn thiện công trình này được coi là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh cùng Moskva đã điều chỉnh để đến gần hơn với nhau trong những thập niên qua.
Địa chính trị đóng vai trò quan trọng trong hợp tác kinh tế giữa Bắc Kinh và Moskva kể từ Chiến tranh Lạnh. Năm 1949, khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập, hàng nghìn chuyên gia Nga đã giúp hỗ trợ hình thành công nghiệp tại Trung Quốc và kèm theo đó là khoản cho vay lớn.
Tuy nhiên, những khác biệt giữa hai quốc gia vào thập niên 60 của thế kỷ trước đã dẫn đến nhiều năm gián đoạn. Thương mại giữa hai quốc gia bước vào giai đoạn đi lên từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Một năm trước khi tan rã, Liên Xô là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Trung Quốc. Những năm sau đó, đối tác ưu ái của Nga trong hiện đại hóa kinh tế là châu Âu trong khi Trung Quốc chủ yếu thu hút đầu tư từ Mỹ, Nhật Bản và châu Âu.
Năm 2012, Tổng thống Putin đã đề ra chiến lược “xoay trục sang phương Đông” và 2 năm sau đó, khi Moskva sáp nhập Crimea, mối quan hệ của nước này với các quốc gia phương Tây đi xuống. Nhưng nhiều tiến triển trong quan hệ kinh tế Nga-Trung Quốc được ghi nhận từ thời điểm ấy.
Năm 2019, khí đốt bắt đầu chuyển từ Nga đến Trung Quốc qua tuyến đường ống dẫn 3.000 km có tên "Sức mạnh Siberia" do tập đoàn năng lượng Gazprom (Nga) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) ký thỏa thuận hiệu lực 30 năm hồi năm 2014.
Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình đã tổ chức 37 cuộc họp qua video từ năm 2013, gần đây nhất là vào tháng 12/2021. Và nhiều khả năng Tổng thống Putin sẽ là nhà lãnh đạo quốc tế đầu tiên gặp gỡ trực tiếp ông Tập Cận Bình kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.
Trong cuộc điện đàm tháng 12/2021, nhà lãnh đạo Nga Putin đảm bảo rằng ông sẽ dự Olympic mùa Đông tại Bắc Kinh vào tháng 2 tới. Điều này thể hiện tình đoàn kết của Moskva với Bắc Kinh sau khi Mỹ, Anh, Canada cùng Australia đều tuyên bố không cử đoàn đại biểu đến dự lễ khai mạc Olympic mùa Đông Bắc Kinh.
Cùng thời điểm, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng bày tỏ ủng hộ với “người bạn cũ” Putin khi Nga đang đối mặt với đe dọa trừng phạt từ các nước phương Tây liên quan đến căng thẳng ở Ukraine. Ông Tập Cận Bình kêu gọi có "thêm nhiều hành động chung để bảo vệ hiệu quả lợi ích an ninh" của hai nước, trong khi nhà lãnh đạo Nga Putin ca ngợi quan hệ song phương "ở mức cao nhất mọi thời đại, phản ánh mức độ tin cậy chiến lược cao".
Thương mại của Trung Quốc với Nga đã tăng 35,8% trong năm 2021, lên mức 146,88 tỷ USD. Trung Quốc cũng đóng vai trò đối tác thương mại lớn nhất của Nga kể từ năm 2010. Trong khi đó, 14% hàng hóa xuất khẩu của Nga năm 2020 có điểm đến là Trung Quốc.
Giáo sư dự bị Artyom Lukin tại Đại học Liên bang Viễn Đông (Nga) cho biết sự phụ thuộc về kinh tế giữa Moskva và Bắc Kinh sẽ tiếp tục tăng. Ông Lukin nói: “Nga chủ yếu xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc trong khi nước này đang tăng cường nhập khẩu từ Trung Quốc các mặt hàng công nghiệp và công nghệ cao. Điều đó cho thấy, sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nguồn cung cấp của Nga cũng đang đi lên, đặc biệt là khi rủi ro xung đột với Mỹ ngày càng tăng”.
Chuyên gia Xu Poling tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đánh giá Bắc Kinh cần tiếp cận nguồn dự trữ năng lượng lớn tại vùng Viễn Đông của Nga để hỗ trợ nền kinh tế sản xuất đang nở rộ của nước này. Trong khi đó, Trung Quốc được coi là thị trường ổn định cho xuất khẩu năng lượng của Nga.
Theo chuyên gia này, khí đốt và dầu mỏ của Nga có thể vận chuyển đến Trung Quốc qua đường bộ trong khi để vận chuyển mặt hàng này từ Trung Đông đến Trung Quốc sẽ cần phải đi qua Eo biển Malacca nhiều cướp biển. Ông nhấn mạnh: “Nga tin rằng Trung Quốc sẽ không lợi dụng sự phụ thuộc về kinh tế làm vũ khí chống lại Moskva”.
Trong khi Nga và Trung Quốc ngày càng xích mích với Mỹ, lãnh đạo hai nước đã cam kết hợp tác trong các lĩnh vực mới nổi như an ninh dữ liệu, cơ sở hạ tầng, Bắc Cực và không gian mạng. Cùng thời điểm, Bắc Kinh và Moskva tăng cường sử dụng đồng nội tệ trong giao dịch song phương để tránh ảnh hưởng từ đồng bạc xanh của Mỹ, đồng thời giảm tác động từ các lệnh trừng phạt Washington áp đặt.
Tháng 12/2021, cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin, ông Yuri Ushakov cho biết Nga và Trung Quốc đã đồng ý phát triển cơ sở hạ tầng tài chính độc lập để phục vụ thương mại giữa hai nước đồng thời “không thể bị ảnh hưởng bởi các nước thứ ba”. Thông báo đưa ra sau lời đe dọa từ Mỹ và châu Âu loại Nga khỏi Swift, hệ thống thanh toán điện tử lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, giữa hai quốc gia chưa hề có thỏa thuận thương mại tự do và thị trường Nga vẫn chưa mấy hấp dẫn các nhà đầu tư Trung Quốc.
Mối quan hệ thân tình hơn giữa Nga và Trung Quốc đã khiến phương Tây ngày càng để mắt và châm ngòi cuộc thảo luận về việc liệu việc nới lỏng các lệnh trừng phạt với Nga có thể kéo Moscow rời xa Bắc Kinh hay không. Ông Xu cho rằng điều này sẽ khó xảy ra, vì nền kinh tế Nga ngày càng “kiên cường” sau nhiều năm bị trừng phạt. Sự gần gũi về địa lý cũng mang lại cho Nga một số lợi thế cạnh tranh tại thị trường khổng lồ ở Trung Quốc.