Quan hệ Mỹ-TNK chạm đỉnh căng thẳng: "Tuần trăng mật" giữa hai đồng minh NATO đã chấm dứt?

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố mong muốn một giải pháp ngoại giao, nhưng cũng sẵn sàng đối đầu với Washington nếu các vấn đề không giải quyết được bằng thương lượng.

Căng thẳng chưa từng có trong quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ

Không khí căng thẳng đang bao trùm lên quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ. Có thể nói, quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ chưa bao giờ tồi tệ như bây giờ. Mâu thuẫn giữa hai đồng minh thân cận, hai thành viên mạnh nhất về quân sự trong Liên minh Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang gây sự chú ý của cộng đồng quốc tế.

Ngày 1/8/2018, theo đề nghị của Tổng thống Donald Trump, Bộ Ngân khố Mỹ đã quyết định trừng phạt, phong tỏa mọi tài sản và cấm mọi giao dịch tài chính với Bộ trưởng Tư pháp Abdulhamit Gul và Bộ trưởng Nội vụ Suleyman Soylu của Thổ Nhĩ Kỳ trong một nỗ lực nhằm gây sức ép buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải trả tự do cho linh mục Andrew Brunson bị nước này bắt giữ với cáo buộc liên quan đến cuộc đảo chính bất thành chống lại Tổng thống Erdogan năm 2016.

Ngày 4/8/2018, Tổng thống Racep Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố đáp trả tương tự, đóng băng mọi tài sản của Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sesions và Nội vụ Ryan Zinke của Mỹ, đồng thời kêu gọi tăng cường phát biểu chống Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Linh mục Andrew Brunson bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ từ năm 2016 do bị cáo buộc dính líu vào âm mưu đảo chính lật đố Tổng thống Erdogan. Việc Washington nay đòi trả tự do cho Andrew Brunson chỉ là cái cớ và giọt nước tràn ly. Quan hệ "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã có từ lâu.

Quan hệ căng thẳng giữa Washington và Ankara, đặc biệt trong hai năm trở lại đây là do Mỹ hỗ trợ các lực lượng người Kurd tại Syria và Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường quan hệ với Nga. Trong những tính toán chiến lược của mình, gần đây là những lực lượng chống lại Thổ Nhĩ Kỳ và được Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách các nhóm khủng bố.

Hành động này của Mỹ được Ankara coi là đe dọa tới an ninh quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ, kích động tư tưởng dân tộc của người Kurd bên trong Thổ Nhĩ Kỳ, đứng đầu là đảng Công nhân Kurdistan (PKK) nổi lên chống chính phủ.

Những bất đồng chính trong quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ

Quan hệ Mỹ-TNK chạm đỉnh căng thẳng: Tuần trăng mật giữa hai đồng minh NATO đã chấm dứt? - Ảnh 1.

Ảnh: Hurriyet Daily News

Điểm 1, Đảng Công lý và Phát triển (AKP) của Tổng thống Erdogan được thành lập năm 2001 và lên nắm quyền năm 2002 là một đảng chính trị mang tư tưởng Hồi giáo có ảnh hưởng lớn nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đảng này xuất thân là một chi nhánh của Tổ chức Anh em Hồi giáo (IB) luôn luôn thi hành một chính sách độc lập, theo đuổi các lợi ích dân tộc, ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh của nhân dân Palestine, ủng hộ Phong trào Hamas, chống lại sự chiếm đóng của Israel.

Washington vốn đã không ưa gì ông Erdogan thì cuộc trưng cầu dân ý ngày 16/4/2017 thay đổi Hiến pháp tập trung mọi quyền lực vào tay Tổng thống và cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn ngày 24/6/2018 với thắng lợi của đảng AKP đưa ông Racep Tayyip Erdogan trở thành một Tổng thống siêu quyền lực một lần nữa đã làm cho chính quyền Mỹ không thích thú gì.

Điểm 2, Mỹ từ chối dẫn độ giáo sỹ Fatullah Gulen bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đứng sau âm mưu đảo chính hụt nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Racep Tayyip Erdogan năm 2016.

Mặc dù Ankara không chính thức cái buộc Mỹ, nhưng nhiều nhà quan sát gần gũi với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết phía Thổ Nhĩ Kỳ có cơ sở để nghi ngờ Washington có vai trò trong vụ này, đặc biệt là nhiều hoạt động đáng ngờ vực xuất phát từ căn cứ quân sự Ancerlik của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Đến nay, Mỹ vẫn từ chối dẫn độ giáo sỹ Fatullah Gulen là người đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ buộc trách nhiệm về âm mưu đảo chính này.

Hố sơ Fatullah Gulen là một trong những vấn đề bất đồng chính giữa Ankara và Washington. Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra các bằng chứng về việc vị giáo sỹ này dính líu vào âm mưu đảo chính và quyết đòi Mỹ phải trao trả vị giáo sỹ này, nhưng Mỹ vẫn không đồng ý.

Điểm 3, Mỹ ủng hộ các chiến binh người Kurd tại Syria, đứng đầu là các lực lượng dân chủ người Kurd (SDF), các đơn vị bảo vệ nhân dân (YPG) ở phía Bắc Syria và phong trào li khai của người Kurd ở miền Bắc Iraq... là những tổ chức bị Thổ Nhĩ Kỳ liệt kê vào danh sách khủng bố và được coi là mối nguy hiểm lớn nhất đe dọa an ninh quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ, kích động tư tưởng dân tộc của người Kurd bên trong Thổ Nhĩ Kỳ, đứng đầu là đảng Công nhân Kurdistan (PKK) nổi lên chống chính phủ.

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ của Tổng thống Erdogan coi đây là ranh giới đỏ trong quan hệ giữa hai nước.

Điểm 4, quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga và hợp đồng mua hệ thống phòng thủ S-400 của Nga. Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Syria, các lực lượng đối lập Syria suy yếu, cuộc khủng hoảng Syria trở nên phức tạp cũng là lúc quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Washington bắt đầu rạn nứt, Ankara đã quay mặt sang Moscow để tạo thế cân bằng trong quan hệ quốc tế.

Xu hướng ngả sang Nga ngày càng được củng cố sau âm mưu đảo chính được nhiều người cho rằng có Mỹ đứng sau.

Tuy nhiên, căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng khi Ankara ký hợp đồng mua hệ thống phòng thủ S-400 của Nga.

Quốc hội Mỹ đã vào cuộc và quyết định không giao máy bay F-35 cho Ankara mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên trong liên minh chế tạo máy bay chiến đấu của Mỹ (Liên minh chế tạo F-35 gồm 9 nước: Australia, Canada, Đan Mạch, Italia, Hà Lan, Na-uy, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Mỹ).

Thổ Nhĩ Kỳ đã đầu tư 900 triệu đô la vào các công đoạn sản xuất một số bộ phận quan trọng của máy bay F-35, trong đó có động cơ Rolls-Royce.

Điểm 5, Mỹ đã nhiều lần tìm cách thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ cùng Mỹ trừng phạt Iran, không hợp tác kinh tế, thương mại với Iran để gây sức ép đối với Iran, nhưng Ankara đã khẳng định họ không có nghĩa vụ phải thực hiện các biện pháp trừng phạt Iran vì đây không phải là nghị quyết của Liên hợp quốc.

Căng thẳng liệu có dẫn đến đoạn tuyệt giữa hai thành viên NATO

Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, chính sách gây sức ép và trừng phạt của Mỹ là một sai lầm lớn trong xử lý quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và Washington không bao giờ thực hiện được mục tiêu của mình. Nhiều người cho rằng, những bước đi vừa qua của Mỹ có thể kích động và làm tổn hại đến chính những lực lượng có quan điểm gần gũi với Mỹ.

Nhóm bốn đảng lớn nhất trong Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ gồm đảng Công lý và Phát triển (AKP), đảng Nhân dân Cộng hoà (MHP), Phong trào Dân tộc (MHP) và đảng IYI đã ra tuyên bố chung "hoàn toàn bác bỏ" chính sách trừng phạt của Mỹ và cho rằng hành động này của Mỹ đang đem lại những kết quả trái ngược, làm mất đi một đồng minh trong NATO thân cận ở Trung Đông, càng đẩy Thổ Nhĩ Kỳ hướng sang tăng cường quan hệ với Nga và Iran.

Quan hệ Mỹ-TNK chạm đỉnh căng thẳng: Tuần trăng mật giữa hai đồng minh NATO đã chấm dứt? - Ảnh 3.

Mặc dù quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, căng thẳng chưa từng có như vậy, nhưng cả hai phía đều không muốn quan hệ đổ vỡ do có nhiều lợi ích chung đan xen ràng buộc.

Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là thành viên NATO và là căn cứ tiền tiêu nằm giữa châu Âu và Trung Đông.

Mỹ, châu Âu và NATO không thể triến khai được chiến lược của mình tại Syria nói riêng và Trung Đông nói chung nếu không hợp tác với Ankara.

Ngược lại, Ankara cũng không thể và cũng không muốn tách hoàn toàn ra khỏi Mỹ và châu Âu do các nhu cầu gắn kết về quân sự, an ninh và kinh tế. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn mở cửa cho các quan hệ kinh tế, chính trị và thậm chí cả quân sự với Mỹ.

Cuộc gặp gỡ ngày 3/8/2018 giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN (AMM-51) tại Singapore là dấu hiệu cho thấy hai bên đang tìm cách tháo gỡ căng thẳng giữa hai nước.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói rằng Pompeo và Cavusoglu đã có những "cuộc nói chuyện xây dựng" và thỏa thuận sẽ tiếp tục các cố gắng nhằm giải quyết các vấn đề giữa hai nước. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu nói rằng các cuộc nói chuyện với ông M. Pompeo là "'hết sức xây dựng".

Căng thẳng Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ không dễ gì giải quyết một sớm một chiều do những bất đồng xung quanh các vấn đề hết sức phức tạp giữa hai nước.

Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố mong muốn một giải pháp ngoại giao, nhưng cũng sẵn sàng đối đầu với Washington nếu các vấn đề không giải quyết được bằng thương lượng.

*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại