Ông Lanza cho hay, khả năng Mỹ huấn luyện chung với Việt Nam "còn tùy vào các lãnh đạo cấp cao" nhưng "tôi cho rằng lực lượng của chúng tôi sẵn sàng, về cả chiến dịch và chiến thuật, để huấn luyện với bất cứ lực lượng nào có cơ hội cộng tác với quân đội Mỹ".
Theo tờ Dod Buzz, Trung tướng Lanza - chỉ huy Quân đoàn I và căn cứ liên hợp Lewis-McChord của Lục quân Mỹ, cùng Thiếu tướng Charles Flynn - chỉ huy Sư đoàn bộ binh số 25 đã có cuộc trả lời phỏng vấn qua điện thoại từ Hawaii.
Họ đang có mặt tại đây để tham gia hội nghị LANPAC (Lực lượng lục quân đặc trách Thái Bình Dương) do Hiệp hội Lục quân Mỹ tài trợ.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Lanza và ông Flynn đã nói về công tác mở rộng đang được tiến hành đối với chương trình Sáng kiến "Các tuyến đường Thái Bình Dương" (Pacific Pathways) của Lục quân Mỹ, trong đó họ điều động các đơn vị đến khu vực này để huấn luyện cùng với lục quân các nước đối tác.
Binh sĩ Mỹ - Philippines trong cuộc tập trận Balikatan 2015. "Balikatan" (có nghĩa "vai kề vai") là một phần trong sáng kiến quân sự mới của Mỹ mang tên Pacific Pathways.
Sắp tới, Mỹ sẽ có một chương trình mới "reverse Pacific Pathways" (tạm dịch là "Ngược dòng Thái Bình Dương"). Theo đó, từ tháng 7 - tháng 9 tới, binh sĩ từ các nước Singapore, Nhật Bản và Canada sẽ đến Mỹ để huấn luyện cùng với lực lượng nước sở tại ở Hawaii, bang Washington và Alaska.
Khi được hỏi liệu có vai trò tương tự nào dành cho Việt Nam trong tương lai hay không, ông Lanza trả lời:
"Xin nói rõ là những gì tôi phát biểu không thể hiện quan điểm của Quân đội. Chúng tôi sẵn sàng tham gia huấn luyện theo yêu cầu với các nước muốn huấn luyện cùng quân đội Mỹ. Do đó, nếu có cơ hội, chúng tôi sẽ tham gia huấn luyện tùy theo công việc và nhiệm vụ đã được giao".
Tờ Dod Buzz đánh giá, khả năng liên kết huấn luyện với Việt Nam phù hợp với hướng đi của Tổng thống Obama trong chuyến thăm tới Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vào tuần này nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa 2 nước.
Đây là một phần trong chiến lược tái cân bằng của lực lượng Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Hải quân Mỹ - Việt phối hợp luấn luyện Bộ Quy tắc ứng xử cho những cuộc chạm trán ngoài ý muốn trên biển (CUES) năm 2015. Ảnh: Báo Công an TP Đà Nẵng
Theo báo chí Mỹ, Việt Nam đang quan tâm tới máy bay chiến đấu F-16, máy bay tuần thám biển P-3 Orion, máy bay không người lái và một số thiết bị quân sự khác do Mỹ sản xuất.
Trả lời phỏng vấn hồi đầu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter khẳng định:
Việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam không nhằm vào Trung Quốc, tuy nhiên, "rõ ràng là những hành động của Trung Quốc, nhất là trong năm qua, đã làm gia tăng lo ngại trong khu vực và đó là một yếu tố khiến nhiều quốc gia muốn hợp tác với Mỹ".
Ông Carter cho hay, làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác quân sự Việt - Mỹ là một bước tiến mở rộng trong chính sách của ông Obama nhằm cải thiện mối quan hệ song phương với các nước Vành đai Thái Bình Dương.
Sáng kiến "Các tuyến đường Thái Bình Dương" được bắt đầu dưới thời Tướng Vincent Brooks, cựu chỉ huy lực lượng lục quân Mỹ đặc trách Thái Bình Dương (USARPAC) và hiện là chỉ huy lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc.
Đây là chương trình nhằm tạo điều kiện cho Lục quân Mỹ tham gia nhiều hơn vào các chiến dịch ở Vành đai Thái Bình Dương - xưa nay là địa bàn hoạt động chủ lực của Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ.
Ông Flynn cho biết, chương trình "reverse Pacific Pathways" là một bước tiến tất yếu trong Sáng kiến của Lục quân Mỹ.
"Việc đi đến khu vực này và hiểu rõ về nó rất quan trọng đối với các đơn vị Lục quân, nhưng có một điều cũng quan trọng không kém, đó là để các lực lượng mà chúng tôi đang huấn luyện cùng trong khu vực tiếp cận môi trường và cơ sở huấn luyện, đào tạo của chúng tôi" - ông Flynn nói.