Quân đội Ukraine: Từ vũng lầy suy đồi tới tái sinh

QS |

Theo chuyên gia Kiryukhi, do có sự khởi đầu yếu ớt này nên những gì mà quân đội Ukraine đạt được cho đến nay (dù với sự giúp đỡ của quốc tế) nên được xem là một thành công lớn.

Trong bài viết đăng trên website của Viện nghiên cứu chính sách nước ngoài, chuyên gia phân tích chính trị Denys Kiryukhi cho hay, vào tháng 8/2015, Bộ Quốc phòng Ukraine đã chính thức xúc tiến chương trình cải cách toàn diện lực lượng vũ trang quốc gia trong bối cảnh xung đột đã giày xéo vùng Donbass.

3 năm sau, năng lực tác chiến của họ đã đạt đến các cấp độ cao nhất kể từ khi Ukraine trở thành quốc gia độc lập năm 1991.

Tuy nhiên, an ninh của Ukraine vẫn là vấn đề dai dẳng, bởi tiềm lực quân sự của họ vẫn yếu thế hơn nhiều so với đối thủ Nga. Đáng ra, khoảng cách này sẽ không lớn đến vậy nếu Ukraine không từ bỏ vũ khí hạt nhân vào năm 1996 theo Bản ghi nhớ Budapest, hoặc nếu quốc gia này có triển vọng sáng sủa hơn trên con đường gia nhập NATO.

Do giờ đây những lựa chọn đó không còn nữa nên Ukraine buộc phải phụ thuộc vào lực lượng phi hạt nhân của mình.

Năm 2014, quân đội Ukraine bắt đầu vực dậy từ tình trạng suy đồi toàn diện sau khi Liên Xô sụp đổ. Do có sự khởi đầu yếu ớt này nên những gì mà quân đội Ukraine đạt được cho đến nay (dù với sự giúp đỡ của quốc tế) nên được xem là một thành công lớn.

Song, chương trình tái thiết quân đội của họ vẫn còn xa mới hoàn thiện và các vấn đề vấp phải trong quá trình cải cách, như chất lượng quản lý yếu kém (theo phong cách Liên Xô), tham nhũng, thiếu nguồn lực tài chính, khiến khó ai có thể chắc chắn tuyệt đối về thành công của họ.

Suy đồi

Sau khi Liên Xô tan rã, Ukraine được kế thừa một trong những đạo quân lớn nhất châu Âu. Lực lượng vũ trang của họ gồm có 780.000 binh sĩ, 6.500 xe tăng, 1.100 máy bay chiến đấu và hơn 500 tàu chiến.

Cùng với 176 tên lửa đạn đạo liên lục địa và hơn 1.000 vũ khí hạt nhân chiến thuật, Ukranie có trong tay kho vũ khí hạt nhân lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Mỹ và Nga.

Quân đội Ukraine: Từ vũng lầy suy đồi tới tái sinh - Ảnh 1.

Ukraine được thừa hưởng kho vũ khí khổng lồ từ Liên Xô...

Vào thời điểm đó, các quan chức Ukraine cho rằng quân đội lớn tới mức này là không cần thiết. NATO chuyển từ vị thế đối thủ của Ukraine sang thành đối tác, và do Liên Xô tan rã một cách bình lặng nên nguy cơ xảy ra xung đột với Nga rất thấp.

Ukraine đã trải qua một cuộc khủng hoảng sâu về kinh tế và không có khả năng tài chính để nuôi dưỡng lực lượng quân đội có quy mô lớn như vậy.

Vì thế, khi bắt đầu chương trình cải cách đầu tiên trong những năm 1990, Ukraine hướng tới mục tiêu tinh giản quân đội Xô Viết thành một lực lượng hiện đại. Yêu cầu đầu tiên là giảm quân số và tải cơ cấu. Đồng thời, dưới áp lực của quốc tế, Ukraine quyết định từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Quân đội Ukraine: Từ vũng lầy suy đồi tới tái sinh - Ảnh 2.

... nhưng lại không có điều kiện bảo dưỡng và duy trì.

Cho tới năm 2014, chương trình phát triển quân đội của Ukraine đi theo 3 mục tiêu: chống lại các mối đe dọa khủng bố, tham gia các chiến dịch cứu trợ nhân đạo – gìn giữ hòa bình quốc tế và tiến hành một cuộc chiến tranh cục bộ nếu cần.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu ngân sách đã khiến cho phần lớn kế hoạch của Ukraine không thực hiện được.

Mặc dù Ukraine đã xây dựng được lực lượng đặc nhiệm và phản ứng nhanh với trang thiết bị và mức độ chuyên nghiệp đủ để tham gia vào các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc (như ở Congo, Liberia, Nam Sudan và Côte d’Ivoire), cũng như các chiến dịch hỗ trợ hòa bình của NATO nhưng lực lượng phòng thủ chủ lực của Kiev vẫn ở trong tình trạng tệ hại.

Đầu năm 2013, quân đội Ukraine đã giảm quy mô đáng kể so với quân đội Liên Xô trước đây. Họ chỉ còn 184.000 binh sĩ, gần 700 xe tăng, 170 máy bay chiến đấu và 22 tàu chiến. Điều đáng nói là, không phải hệ thống nào cũng mạnh như trước đây.

Tái sinh

Xung đột với Nga đã khiến các mục tiêu quân sự của Ukraine phải tăng lên cấp độ mới, họ cảm thấy cần phải có một quân đội không chỉ đủ khả năng tham gia các chiến dịch gìn giữ hòa bình và chống khủng bố, mà còn phải khôi phục lại được chủ quyền của Ukraine đối với vùng Donbass và phòng thủ hiệu quả lãnh thổ của quốc gia này.

Chương trình cải cách mới nhanh chóng được xúc tiến vào năm 2014. Không giống như các kế hoạch trước đó, nó đặt ra một loạt nhiệm vụ khác nhau, hướng tới mục tiêu có hệ thống hơn và nhằm xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với các đối tác phương Tây.

Quân đội Ukraine được tái thiết theo tiêu chuẩn NATO, với sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ nhiều nước trong khối. Điều đáng nói hơn cả là chương trình cải cách này diễn ra trong bối cảnh xung đột vũ trang.

Và tất nhiên, cuộc xung đột ấy là sự thúc đẩy mạnh mẽ để Ukraine phải thay đổi, nó cũng mang lại kinh nghiệm tác chiến để Ukraine dựa vào mà tái cơ cấu quân đội và đào tạo sĩ quan tương lai.

Tuy nhiên, điều đó cũng đồng thời cản trở tốc độ tiến hành cải cách của Ukraine.

Quân đội Ukraine: Từ vũng lầy suy đồi tới tái sinh - Ảnh 3.

Quân đội Ukraine trong một cuộc tập trận.

Tới sau năm 2015, căng thẳng ở đông Ukraine mới giảm nhiệt, cho phép nước này tập trung hơn vào quá trình tái thiết quân đội.

Mặc dù chúng ta thường đề cập tới tiến trình này là "cải cách", nhưng chính xác hơn thì nên gọi là xây dựng một quân đội mới. Sự thay đổi diễn ra ở mọi mặt, từ các tài liệu quốc phòng chiến lược cho tới quản lý và hậu cần.

Đáng chú ý nhất là Ukraine đã chính thức tuyên bố mục tiêu chiến lược của nước này là trở thành thành viên của NATO. Vì thế, họ đã từ bỏ chính sách hợp tác vector kéo dài suốt 2 thập kỷ với cả NATO và Nga.

Ukraine đã thay đổi phương thức quản lý lực lượng vũ trang, như đào tạo nhân lực, hậu cần và hỗ trợ y tế - để đạt được sự đồng nhất với các quốc gia thành viên NATO.

Chính phủ Ukraine cũng tăng ngân sách cho quân đội lên mức cao hơn bất cứ thời điểm nào kể từ khi trở thành quốc gia độc lập. Nếu như ngân sách quốc phòng của Ukraine đạt xấp xỉ 1,9 tỷ USD thì vào năm 2015, con số này là 3,1 tỷ USD.

Tất nhiên, khó có thể nói mức ngân sách nào là đủ để đối đầu với Nga. Tuy nhiên, ngân sách không chỉ được dùng để duy trì lực lượng vũ trang mà còn để phát triển các khả năng mới.

Việc tăng ngân sách giúp Ukraine tăng cường đáng kể quy mô và mức độ săn sàng chiến đấu của binh lính. Kể từ năm 2013, quân số của Ukraine đã tăng 36%, lên 250.000 người. Điều này đặc biệt đáng chú ý khi quân đội Ukraine đang dần từ bỏ chế độ quân dịch cổ lỗ trước đây và chuyển sang mô hình lính hợp đồng.

Đồng thời, quân đội Ukraine cũng bắt đầu tiến hành nhiều cuộc tập trận với sự hỗ trợ của các quốc gia nước ngoài để nâng cao mức độ huấn luyện chiến đấu cho binh sĩ. Chỉ tính riêng trong năm 2016, quân đội Ukraine đã tổ chức gần 900 cuộc tập trận, một số cuộc có sự tham gia của lực lượng nước ngoài.

Để thấy rõ sự khác biệt, thì vào năm 2009, không có cuộc tập trận quân sự đa quốc gia quy mô lớn diễn ra tại Ukraine do nước này thiếu nguồn tài chính.

Vì thế, trong trường hợp căng thẳng tại vùng Donbass lại dâng cao thì quân đội Ukraine sẽ tác chiến hiệu quả hơn năm 2014, bởi họ có kinh nghiệm tác chiến tự tích lũy, công nghệ và cả kinh nghiệm được quân đội các nước NATO chia sẻ.

Gần đây, quân đội Ukraine đã thành lập các đơn vị phụ trách chiến dịch đặc biệt về thông tin và tâm lý, đồng thời tái thiết hệ thống phòng thủ lãnh thổ. Hiện nay tại mỗi vùng trên lãnh thổ Ukraine đều đã có các đơn vị phòng thủ với thành phần là quân dự bị, quân tình nguyện và lính giải ngũ.

Tới cuối năm nay, các đơn vị này sẽ được tái cơ cấu thành các tiểu đoàn và sau đó hợp nhất thành các lữ đoàn, chịu sự quản lý từ Bộ chỉ huy các lực lượng trên bộ của Ukraine. Giai đoạn tiếp theo sẽ là đào tạo các lữ đoàn này theo tiêu chuẩn của NATO.

Chính phủ Ukraine cũng lên kế hoạch thành lập một lực lượng quân cảnh trong năm nay với sự hỗ trợ của Canada. Nhiệm vụ của họ là đảm bảo các binh sĩ luôn tuân thủ nguyên tắc và mệnh lệnh, đồng thời phát hiện và xử lý các sai phạm trong quân đội.

Bên cạnh đó, Tổng thống Ukraine đã đề cập tới kế hoạch thành lập một tòa án quân sự để bổ sung cho lực lượng cảnh sát và văn phòng công tố viên quân sự. Với những thay đổi này, quân đội Ukraine hứa hẹn sẽ trở nên hiện đại hơn và được trang bị tốt hơn để đối phó với các thách thức.

Nhiều quốc gia đã cung cấp thiết bị, hỗ trợ kỹ thuật, giúp đỡ Ukraine huấn luyện quân đội và đội ngũ quân y. Trong đó, Mỹ đóng vai trò đặc biệt khi đã cử sang Ukraine các chuyên gia quân sự, đồng thời viện trợ hàng tỷ USD và cung cấp cho quốc gia này các khí tài phi sát thương như thiết bị thông tin liên lạc và radar.

Đầu tháng 3, Mỹ đã đưa cam kết hỗ trợ Ukraine lên một cấp độ mới khi thông qua thỏa thuận cung cấp hệ thống tên lửa chống tăng Javelin cho Kiev. Hôm 30/4, lô tên lửa Javelin đầu tiên đã được chuyển đến Ukraine.

Những thay đổi này đã dẫn tới tác động đáng kể về mặt chính trị. Đối với Ukraine, cơ hội mua Javelin là một dấu hiệu cho thấy chương trình cải cách quân đội của họ đang đi đúng hướng.

Mặc dù tác động về mặt quân sự khá hạn chế do số lượng hệ thống tên lửa chống tăng mà Ukraine được cung cấp khá khiêm tốn (210 tên lửa và 37 ống phóng) nhưng chí ít thì quân đội Ukraine cũng đã có cơ hội nắm trong tay loại vũ khí mới.

Nhiệm vụ sắp tới

Tiến trình cải cách quân sự toàn diện, dự kiến hoàn thành vào năm 2020, vẫn đang được thực hiện. Nó được xem là một trong những chương trình thành công nhất của Ukraine kể từ khi trở thành quốc gia độc lập.

Cuối cùng, Kiev đã xây dựng được một quân đội có khả năng tác chiến nhưng họ vẫn cần phải mua thêm các trang thiết bị mới và thực hiện các thay đổi một cách hiệu quả.

Tái trang bị cho quân đội các công nghệ hiện đại vẫn là một nhiệm vụ quan trọng của Ukraine. Trong suốt cuộc xung đột, Ukraine đã tận dụng triệt để công nghệ Liên Xô. Tuy nhiên, do các hệ thống này đã cổ lỗ nên việc được phương Tây cung cấp các loại khí tài hiện đại (thiết bị liên lạc, radar, thiết bị nhìn đêm…) trở thành một điều quan trọng.

Để giải quyết vấn đề chiến lược trong quá trình hiện đại hóa, trong tương lai, Ukraine sẽ phải mua sắm các loại vũ khí mới với số lượng lớn. Song, trong bối cảnh tình hình kinh tế của Ukraine vẫn còn khá ảm đạm thì trước mắt họ vẫn chưa có đủ nguồn lực tài chính để làm điều này.

Quân đội Ukraine: Từ vũng lầy suy đồi tới tái sinh - Ảnh 4.

Ukraine thử nghiệm tên lửa hành trình chống hạm nội địa Neptun (Neptune).

Giải pháp thay thế cho Ukraine là sản xuất các loại vũ khí nội địa hiện đại hóa nhưng nhiệm vụ này không hề đơn giản.

Trong quá khứ, ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine có mối liên kết chặt chẽ với Nga. Vì thế, sau khi mối quan hệ với Nga bị phá vỡ, Ukraine buộc phải tìm kiếm các đối tác mới nhưng chưa gặt hái được gì đáng kể.

Do xung đột, Ukraine đã cắt đứt hợp tác quân sự với Nga vào tháng 6/2014. Trong năm này, Bộ trưởng Công Thương Nga Dmitry Manturov cho biết Nga hiện còn một số đơn đặt hàng quân sự và dân sự tại các công ty của Ukraine với giá trị lên tới 15 tỷ USD.

Ukraine cũng không công bố ước tính thiệt hại của mình khi để mất các hợp đồng quân sự nhưng rõ ràng là thiệt hại khá đáng kể.

Để bù đắp, các công ty công nghiệp-quân sự Ukraine bắt đầu nhận được sự hỗ trợ của nhà nước.

Tuy nhiên, do năng lực tài chính của chính phủ Ukraine có giới hạn nên họ vẫn không có đủ tiền để nâng cấp trang thiết bị và đầu tư phát triển các công nghệ mới.

Đó là lý do tại sao sự hỗ trợ kỹ thuật-quân sự từ các quốc gia NATO đối với Ukraine lại quan trọng đến vậy.

Tuy nhiên, đôi lúc các quốc gia NATO không nắm rõ được thiết bị mà họ cung cấp sẽ được sử dụng như thế nào trong điều kiện ở Ukraine.

Chẳng hạn, 130 xe bọc thép Humvee được chuyển giao cho Ukraine, nhưng không có phụ tùng và bánh lốp đi kèm. Kết quả là, Ukraine gặp rất nhiều khó khăn trong việc sửa chữa những chiếc xe này, hiệu quả sử dụng chúng cũng rất hạn chế.

Ngoài ra, Ukraine và phương Tây có quan điểm khác nhau về những nhiệm vụ mà quân đội Ukraine nên đảm nhận. Trong khi phương Tây cho rằng nhiệm vụ chính của quân đội Ukraine là trấn áp quân nổi dậy thì Ukraine lại muốn mở rộng hơn tới mục tiêu khôi phục chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ.

Nhìn chung, ngoài vấn đề mua sắm trang thiết bị (thông qua tiềm lực nội địa hay sự hỗ trợ từ phương Tây) thì hiện đại hóa và cải cách phương thức quản lý của quân đội Ukraine sẽ đóng vai trò quan trọng hơn, quyết định sự thành công của kế hoạch tái thiết quân đội.

Cuộc thử nghiệm tên lửa hành trình chống hạm Neptun của Ukraine diễn ra hôm 17/8

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại