Quân đội Triều Tiên nhận hàng loạt pháo phản lực dẫn đường 'xa nhất thế giới'

Bạch Dương |

Pháo phản lực dẫn đường KN-25 cỡ nòng 600 mm của Triều Tiên được cho là có kích thước và uy lực hàng đầu thế giới.

Ngay đầu năm mới 2023, Lực lượng vũ trang Triều Tiên đã tiến hành 3 vụ phóng thử đối với hệ thống pháo phản lực dẫn đường KN-25 cỡ nòng 600 mm.

Tiếp đó, 30 hệ thống mới được chế tạo đã được chuyển giao cho Quân đội trong một buổi lễ lớn có sự tham dự của Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Jong Un. Sự kiện trên đã chứng kiến ​​lĩnh vực quốc phòng được vinh danh vì những đợt giao hàng liên tiếp khi quốc gia Đông Á này tiến hành mở rộng và hiện đại hóa kho vũ khí của mình.

KN-25 được đưa vào sử dụng từ năm 2019 và có tầm bắn xa nhất thế giới (ngoài hệ thống PCL-191 lớn hơn được triển khai ở nước láng giềng Trung Quốc).

Vũ khí này có khả năng tấn công các mục tiêu cách xa tới 400 km, tầm bắn của KN-25 thậm chí lớn hơn nhiều loại tên lửa đạn đạo, đồng thời cho phép thực hiện nhiệm vụ mà các tên lửa đạn đạo tốn kém hơn khó lòng đạt được.

Chủ tịch Kim nhấn mạnh tại buổi lễ rằng các hệ thống pháo phản lực KN-25 có thể tấn công mục tiêu quan trọng trên khắp lãnh thổ Hàn Quốc, nơi Mỹ duy trì hiện diện quân sự quy mô lớn với gần 30.000 quân nhân.

Những căn cứ không quân và trung tâm chỉ huy của đối phương dự kiến ​​sẽ là mục tiêu ưu tiên của KN-25 trong trường hợp nổ ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.

Quân đội Triều Tiên nhận hàng loạt pháo phản lực dẫn đường xa nhất thế giới - Ảnh 1.

Pháo phản lực dẫn đường KN-25 của Triều Tiên có uy lực và độ chính xác cao.

Thời gian gần đây xuất hiện thông tin cho rằng Triều Tiên đang đẩy mạnh sản xuất đầu đạn hạt nhân chiến thuật, điều này dẫn đến suy đoán một phần đáng kể sẽ được dành cho KN-25.

Mặc dù trước đây Triều Tiên cho biết vũ khí hạt nhân của mình chỉ sử dụng trong nhiệm vụ cấp chiến lược, nhưng thay đổi với học thuyết hạt nhân vào năm 2022 đã cho phép Bình Nhưỡng sử dụng đầu đạn chiến thuật.

Pháo phản lực KN-25 được đưa vào trang bị song song với hai loại tên lửa đạn đạo chiến thuật thế hệ mới là KN-24 nhẹ hơn và KN-23 cỡ lớn - trong đó loại sau có liên quan mật thiết với hệ thống Iskander của Nga, nhưng sở hữu tầm bắn lớn hơn đáng kể.

Nhiều biến thể mới của KN-23, bao gồm các mẫu phóng từ đường sắt, hay có tầm bắn mở rộng đã được công bố kể từ khi hệ thống này được đưa vào sử dụng trong năm 2019.

Triều Tiên có lực lượng pháo binh khổng lồ đồng thời là một trong những kho tên lửa đạn đạo chiến thuật lớn nhất thế giới, đặc biệt khi Nga đã cạn kiệt đáng kể loại vũ khí này do các hoạt động đang diễn ra ở Ukraine.

Các nguồn tin của Mỹ cho biết quốc gia Đông Á này đang cung cấp đạn pháo cho Quân đội Nga, đi kèm một số suy đoán rằng KN-25 hoặc KN-09 nhẹ hơn cuối cùng sẽ được chuyển giao để cung cấp khả năng tấn công vượt trội so với các loại pháo hiện có của Moskva.

Mặc dù vậy, Triều Tiên vẫn bác bỏ mọi cáo buộc từ phía Mỹ, khẳng định họ duy trì chính sách trung lập và không đứng về bên nào trong cuộc xung đột Ukraine.

Không chỉ có vậy, nhiều chuyên gia quân sự quốc tế cũng tỏ ý nghi ngờ khả năng Triều Tiên đủ sức sản xuất số lượng lớn tên lửa dẫn đường cho hệ thống KN-25, bởi đây là loại đạn công nghệ cao và có giá thành đắt.

Theo Military Watch

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại