Kịch bản lặp lại?
Theo thông tin mới nhất từ Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), ít nhất 14 dân thường, trong đó có 3 trẻ em đã thiệt mạng trong các vụ tấn công nghi là sử dụng vũ khí hóa học tại khu vực Đông Ghouta. Các nạn nhân đều bị khó thở, hầu hết đều có mùi khí clo trên da và quần áo.
Mặc dù Bộ Quốc phòng Nga cho rằng phiến quân khủng bố đang âm mưu khiêu khích thông qua việc sử dụng các chất độc nhằm đổ tội cho chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học.
Đồng thời, truyền thông phương Tây mấy ngày nay liên tục đưa tin về cái gọi là "thảm họa nhân đạo" đặc biệt nghiêm trọng đang xảy ra ở khu vực này khi Quân đội Syria tập kích bằng hỏa lực pháo binh, không quân, gây nhiều thương vong cho dân thường.
Điều này có thể dẫn tới một diễn biến tiếp theo đặc biệt nghiêm trọng, đó là Mỹ, với tiền lệ đã có, sẽ coi đó là cái cớ để tiến hành một đòn tập kích bằng tên lửa hành trình Tomahawk vào các vị trí của Quân đội Syria nhằm ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hóa học.
Trước đó, hồi tháng 04/2017, cũng với lý do tương tự, 2 tàu khu trục Mỹ ở Địa Trung Hải đã phóng tổng cộng 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ sân bay quân sự Shayrat thuộc tỉnh Homs, Syria để hủy diệt số vũ khí hóa học mà theo tình báo Mỹ là đang được tàng trữ ở đây.
Một chiếc MiG - 23 bị tên lửa Tomahawk Mỹ phá hủy ở căn cứ không quân Shayrat
Theo một số chuyên gia quân sự, rất có thể kịch bản này sẽ được Mỹ lặp lại ở Đông Ghouta với mục đích sâu sa là giáng đòn hỏa lực tập kích đường không bằng tên lửa hành trình Tomahawk, nhằm ngăn chặn không cho Quân đội Syria giành thế áp đảo trên chiến trường này và duy trì "cái gai nhọn và sắc" thường trực chĩa vào Thủ đô Damascus của Syria.
Ngoài ra, đòn tập kích ồ ạt như vậy có thể thu được kết quả lớn bởi ở chiến trường này Quân đội Syria đã tung gần như toàn bộ lực lượng tinh nhuệ nhất cùng các vũ khí hiện đại, đánh theo quy mô lớn hơn cấp sư đoàn, trở thành những mục tiêu đặc biệt giá trị.
Sẽ lại có hơn một nửa số Tomahawk biến mất không lý do?
Chưa biết liệu Mỹ có tiến hành tập kích bằng tên lửa hành trình Tomahawk vào các vị trí của Quân đội Syria ở Đông Ghouta hay không nhưng nếu có thì liệu phòng không Syria có đủ sức chống cự nhằm hạn chế hiệu quả tấn công của các "sứ giả chiến tranh" mà Mỹ gửi tới?
Có thể thấy, hiện nay, các lực lượng phòng không Syria bố trí dày đặc ở quanh Thủ đô Damascus với đủ các loại như S-75, S-125, S-200, Kub, Buk-M2 và cả các tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 tạo thành các ô hỏa lực đan xen, có thể bảo vệ và hiệp đồng tác chiến với nhau một cách hiệu quả như "thiên la địa võng".
Tổ hợp tên lửa phòng không Buk-M2 của Syria.
Tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 của Syria.
Tất cả các đơn vị phòng không Syria đều đang trong trang thái trực sẵn sàng chiến đấu cao vì nguy cơ bị tập kích đường không là có thật.
Tương tự, các đơn vị phòng không Nga ở Syria cũng vậy, đặc biệt là sau khi 4 chiếc tiêm kích tàng hình Su-57 được triển khai tới đây. Do vậy, nhất cử nhất động của các "thế lực thù địch" đều được mạng lưới tình báo trên không của cả Nga và Syria giám sát chặt chẽ, từ xa, để không bị tập kích bất ngờ, sẵn sàng giáng trả thích đáng bất cứ hành động phiêu lưu quân sự nào.
Theo BQP Nga, Lực lượng phòng không Syria đánh càng ngày càng lên tay, trong cuộc đọ sức quyết liệt hôm 10/02 với Không quân Israel, họ đã bắn hạ 13/18 quả tên lửa hành trình không đối đất phóng đi từ các chiến đấu cơ Israel. Xác suất tiêu diệt đạt hơn 72% quả là đáng kinh ngạc.
Tiếp đó, ngày 24/02 vừa, các tổ hợp pháo tên lửa phòng không Pantsir-S1 của lực lượng phòng không Syria lại đánh chặn thành công 5 tên lửa đất đối đất của Israel đánh vào căn cứ không quân al-Dumayr, cách khu vực Đông Ghouta 25 km về phía đông bắc.
Như vậy, với thế trận liên hoàn và dày đặc, nếu Mỹ có tiến hành đòn tập kích bằng tên lửa hành trình thì phòng không Syria sẽ giáng trả mạnh mẽ, với hiệu suất chiến đấu không nhỏ.
Đó là chưa kể, mặc dù chắc chắn không tham chiến trực tiếp bằng các tổ hợp tên lửa phòng không S-400 ở Syria, nhưng có thể phía Nga sẽ cung cấp thông tin tình báo trên không cho phòng không Syria để họ chuyển cấp chiến đấu kịp thời.
Tổ hợp tác chiến điện tử Krasuha-4.
Bên cạnh đó, một giả thuyết cho tới nay dù vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng nhưng dường như các tổ hợp tác chiến điện tử của Nga ở Syria (như Krasuha-4) đã tham gia gây nhiễu khiến một số tên lửa Tomahawk Mỹ "biến mất" trên đường bay, không thể tới được mục tiêu đã định.
Bất luận thế nào, nếu Mỹ tiến hành đòn tập kích bằng tên lửa hành trình Tomahawk nhằm vào các vị trí của Quân đội Syria ở Đông Ghouta thì cũng sẽ vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của phòng không Syria và S-400 Nga sẽ chỉ khai hỏa khi bị đánh trực diện hoặc các lực lượng Nga bị tập kích.
Tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 của Syria bắn tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ hôm 08/04/2017.