Theo báo Washington Times ngày 30.5 (giờ Mỹ), lãnh đạo PLA và quân đội Nga vừa có một cuộc đối thoại chiến lược ở Moscow, qua đó cho thấy hai lực lượng quân sự này ngày càng thân cận.
Cuộc gặp này tiếp sau việc Mỹ quyết định hủy lời mời Trung Quốc tập trận hải quân chung RIMPAC 2018, để phản đối Bắc Kinh tiếp tục quân sự hóa Biển Đông.
Đây là cuộc tập trận hải quân quốc tế lớn nhất thế giới, và quyết định của Mỹ được mô tả là “phản ứng ban đầu”, có nghĩa Mỹ sẽ còn những phản ứng khác, nếu Trung Quốc không thay đổi thái độ.
Vấn đề tranh chấp Biển Đông sẽ là chủ đề của Đối thoại Shangri-La 2018 (SLD), một trong những diễn đàn an ninh quan trọng ở châu Á - Thái Bình Dương, được tổ chức hằng năm ở Singapore. SLD 2018 sẽ khai mạc ngày mai 1.6.
Ngày 30.5, trên đường đến Hawaii để dự SLD, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis “thề” Mỹ sẽ tiếp tục đối đầu với việc Trung Quốc tiếp tục bành trướng và quân sự hóa ở Biển Đông, do Bắc Kinh không giữ lời hứa (là không đưa vũ khí đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), theo hãng tin AP.
Giới lãnh đạo Nga-Trung tăng cường quan hệ hợp tác - Ảnh: Getty Images
Vài năm qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin mạnh tay đầu tư vào quân đội, đồng thời tăng cường quan hệ quân sự.
Ngày 30.5 tướng Lý Tác Thành, Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc và phó của ông là tướng Thiệu Nguyên Minh đã cùng đại tướng Sergei Rudskoy, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Nga đồng tổ chức vòng tư vấn chiến lược lần thứ 20 ở Bắc Kinh.
Hãng tin Nga TASS dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc: “Hai bên đã trao đổi những vấn đề gai góc của quốc tế và khu vực, sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai quân đội. Hai bên đã trao đổi quan điểm và nhất trí về các vấn đề nóng của quốc tế và khu vực, nỗ lực đào sâu quan hệ hợp tác quân sự Trung-Nga trong tình hình mới”.
Tuyên bố cũng viết: Trung-Nga cam kết thực hiện thỏa thuận mà lãnh đạo hai nước đã phê duyệt, tăng cấp hợp tác quân sự song phương và tích cực nỗ lực hợp tác chiến lược giữa hai lực lượng quân sự để có những bước tiến mới trong thời đại mới.
Nga-Trung hiện là hai cường quốc hạng nhì và ba thế giới, sau Mỹ. Ngân sách quốc phòng cùng kinh nghiệm chiến đấu của Mỹ cho phép họ vượt xa hai đối thủ này, nhưng liên minh Moscow-Bắc Kinh cũng đang tranh thủ cán cân quyền lực đang nghiêng từ phương Tây sang phương Đông, và Nga-Trung đều hợp tác để cùng tăng sức mạnh kinh tế-chính trị và quân sự.
Dù các chuyên gia cảnh báo Nga-Trung có truyền thống nghi ngờ lẫn nhau (ví dụ Liên Xô-Trung Quốc đánh nhau năm 1969) khiến không thể lập quan hệ đối tác mạnh mẽ, nhưng quan hệ Trung-Mỹ cũng bắt đầu nhạt nhòa trong vài tháng qua và căng thẳng với nhau về chính sách thương mại của Mỹ.
Washington vừa quyết áp mức thuế trị giá 50 tỉ USD lên hàng hóa Trung Quốc, dù tuần trước Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin tuyên bố “tạm hoãn” chiến tranh thương mại với Bắc Kinh.
Trong khi đó, chính phủ Mỹ trừng phạt các quan chức và doanh nhân Nha, tiếp sau việc ông Putin sáp nhập Crimea vào Nga, can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, nên Nga muốn lập trục quan hệ với Trung Quốc.
Như ông Putin, ông Tập cũng có tầm nhìn hiện đại hóa quân đội. Nguồn tài nguyên Nga đã giúp Trung Quốc tăng trưởng nhanh và hai bên thường tổ chức tập trận chung để thể hiện sự hợp tác.
Từ năm 2012, Nga-Trung cùng tập trận chống khủng bố, như cuộc tập trận chung hàng năm Biển Chung 2018 diễn ra ở Hoàng Hải (gần thành phố Thanh Đảo).
Theo Newsweek, vào lúc Mỹ phản đối Trung Quốc hung hăng đòi chiếm toàn bộ Biển Đông, Nga theo đuổi liên minh quân sự thân cận với Trung Quốc.
Trong Chiến lược an ninh quốc gia (NSS) thể hiện chủ trương “Nước Mỹ trên hết”, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói Nga-Trung thách đố quyền lực, lợi ích và tầm ảnh hưởng của Mỹ, toan tính làm xói mòn an ninh và sự thịnh vượng của nước Mỹ:
“Họ quyết tâm khiến các nền kinh tế không còn tự do, công bằng, quyết tâm bành trướng quân sự, kiểm soát thông tin, dữ liệu, và đàn áp xã hội của họ cũng như bành trướng ảnh hưởng”.
Nga-Trung đều chỉ trích NSS và đều quyết chống việc Mỹ muốn cản trở hai nước nổi lên ở vũ đài thế giới.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov cho TASS biết: “Quan hệ đối tác Nga-Trung đang ở giai đoạn đẹp nhất trong toàn bộ lịch sử, như một hòn đảo ổn định giữa đại dương giận dữ”.
Ông Morgulov còn nói Trung Quốc đã tự khẳng định vai trò một đối tác thương mại-kinh tế hàng đầu của Nga:
“Tôi cho rằng việc hai vị lãnh đạo đặt mục tiêu thực hiện quan hệ thương mại song phương trị giá 200 tỉ USD kể từ năm 2020 là hoàn toàn có thể đạt được”.
Hồi tháng trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng nói quan hệ Trung-Nga “đang ở thời điểm đẹp nhất lịch sử”.
Hồi đầu tháng 4 khi dự Hội thảo an ninh quốc tế Moscow (MISC), Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa hứa củng cố quan hệ hợp tác song phương: “Chúng tôi đến để ủng hộ các bạn, và cho Mỹ thấy mối quan hệ thân cận giữa quân đội Trung Quốc với quân đội Nga, nhất là trong bối cảnh này”.