Theo quy định mới của Bộ Quốc phòng Nga, sĩ quan, binh sĩ sẽ chỉ được sử dụng điện thoại có chức năng nghe gọi cơ bản, không có chức năng chụp ảnh và định vị vệ tinh GPS hay GLONASS. Quy định tương tự đã được quân đội nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng.
Nguy cơ lộ lọt thông tin quân sự
Từ tháng 10-2005, Bộ Quốc phòng Nga đã thông qua dự thảo kiểm soát việc sử dụng các thiết bị di động thông minh để ngăn ngừa lộ lọt thông tin quân sự với tên gọi "Chỉ thị về giữ bí mật các thông tin trong quân đội".
Theo dự thảo này, Bộ Quốc phòng Nga đề nghị cấm hoàn toàn việc sử dụng điện thoại và thiết bị thông minh cầm tay trong quân đội. Tuy nhiên, trước sức ép từ các tổ chức xã hội, quy định này bị đóng băng vào năm 2009. Cụ thể, quân nhân Nga được sử dụng thiết bị thông minh trong các khu vực quy định vào cuối tuần.
Các thiết bị thông minh của quân nhân các ngày khác trong tuần được niêm cất trong két bảo hiểm của chỉ huy đơn vị. Để ngăn ngừa việc lộ lọt thông tin quân sự, các sĩ quan và nhà thầu quân sự bị cấm mang thiết bị thông minh tới nơi làm việc.
Tuy nhiên, các biện pháp trên là không đủ. Bộ Quốc phòng Nga đã ghi nhận nhiều trường hợp lộ lọt thông tin quân sự thông qua mạng xã hội và chia sẻ thông tin các nhân của quân nhân Nga.
Thông qua các thông tin được chia sẻ, các tổ chức tình báo, gián điệp nước ngoài có thể xác định được chủ sở hữu thiết bị thông minh làm việc ở đâu và thu thập được nhiều thông tin quan trọng do chủ nhân thiết bị vô tình để lộ lọt qua các bức ảnh hoặc định vị đính kèm.
Bí mật cho… cả thế giới
"Bất kỳ ai theo dõi hoặc tiếp cận được thông tin do quân nhân Nga đăng tải sẽ định vị và biết được nhân vật này phục vụ ở đơn vị nào, ở đâu, phương thức huấn luyện, quy mô đơn vị cũng như các hoạt động diễn tập quân sự", Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh.
Ngoài ra, việc xâm nhập và theo dõi các thiết bị thông minh cầm tay hiện không phải là công việc khó đối với tình báo nước ngoài.
Vấn đề này đã được công khai năm 2005, khi nhân viên Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ, Edward Snowden đã tiết lộ thông tin Washington và London có những chương trình bí mật cho phép theo dõi điện thoại thông minh của các nhân vật tình nghi.
Đơn giản với một phần mềm với tên gọi Tracker Smurf, tình báo Mỹ và Anh có thể biết được vị trí của điện thoại thông minh bị theo dõi ở bất kỳ đâu, kể cả khi nó không bật chế độ định vị. Chính vì thông tin này, Bộ Quốc phòng Nga đã cấm quân nhân sử dụng điện thoại thông minh Iphone do lo ngại lộ lọt thông tin quân sự vào tay tình báo Mỹ.
Mối nguy hiểm lớn nhất được xác định từ thiết bị thông minh cầm tay đó là các bức ảnh chụp có đính kèm định vị địa lý vệ tinh đăng lên mạng xã hội. Chính từ những bức ảnh đơn giản này, tình báo nước ngoài có thể dễ dàng xác định chính xác vị trí đóng quân của các đơn vị quân sự.
Dẫn chứng rõ ràng nhất cho việc này là tại cuộc khủng hoảng tại Ukraine năm 2014, tình báo nước ngoài đã nắm được rất nhiều thông tin về các đơn vị Quân đội Nga tăng cường tới khu vực biên giới nhờ các bức ảnh định vị trí địa lý do quân nhân Nga công bố trên mạng xã hội.
Nhận biết được khả năng khai thác thông tin quân sự qua nguồn này, Lầu Năm góc đã thành lập đơn vị đặc biệt chuyên giám sát mạng xã hội bằng nhiều thứ tiếng khác nhau.
Nguy cơ lộ lọt thông tin quân sự từ thiết bị thông minh cầm tay đã có nhất nhiều dẫn chứng. |
Hậu quả từ lộ lọt thông tin quân sự từ thiết bị thông minh cầm tay |
Bản thân Quân đội Mỹ trong suốt 10 năm qua đã có nhiều nỗ lực thiết lập các quy định ngặt nghèo đối với quân nhân sử dụng thiết bị thông minh cầm tay. Năm 2007, tại Iraq, Quân đội Mỹ đã mất 4 máy bay trực thăng tấn công AH-64 Apache đắt tiền trong cùng một ngày do hỏa lực mặt đất.
Cơ quan điều tra sau đó xác định, phiến quân đã có thông tin và định vị của các máy bay trực thăng quân sự nói trên thông qua nhiều bức ảnh được quân nhân Mỹ đăng tải trên mạng xã hội Facebook. Không chỉ có hình ảnh, định vị GPS đính kèm dường như là "món quà trên trời rơi xuống" đối với phiến quân Iraq.
Sau sự việc, Lầu Năm góc đã công bố quy định 6 điểm khi sử dụng mạng xã hội đối với quân nhân phục vụ tại vùng chiến sự và thân nhân của họ. Quy định này sau đó được mở rộng đối với tất cả các đơn vị thuộc hải-lục-không quân Mỹ.
Theo đó, Lầu Năm góc khuyến cáo quân nhân Mỹ sử dụng điện thoại thông minh nên tắt chế độ định vị GPS hạn chế kết bạn mới khi đang tham chiến với lý do rất đơn giản phiến quân có thể giả mạo thành những nhân vật nữ hấp dẫn để lừa quân nhân Mỹ…
"Chỉ đồng ý kết bạn khi bạn biết rõ nhân vật đó ở ngoài đời thực", Bộ Quốc phòng Mỹ quy định.
Những quy định về sử dụng thiết bị thông minh cầm tay sau đó được quân đội nhiều quốc gia áp dụng với những sửa đổi phù hợp với thực tế, trong đó có cả Quân đội Nga.