Myanmar cùng các nước ASEAN sẽ tham gia cuộc diễn tập hàng hải quốc tế với Mỹ tại Vịnh Thái Lan vào tuần tới bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào một số quan chức quân đội cấp cao nước này liên quan đến cuộc khủng hoảng người Rohingya cách đây hai năm.
Ngày 28/8, người phát ngôn của Văn phòng Tổng tham mưu trưởng Myanmar, ông Zaw Min Tun, cho biết Myanmar được mời tham gia sự kiện trên với tư cách là một nước thành viên ASEAN.
Ông nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt của Mỹ mang tính chất cá nhân trong khi cuộc diễn tập này thể hiện sự phối hợp giữa ASEAN và Mỹ.
Theo kế hoạch, cuộc diễn tập hàng hải ASEAN-Mỹ sẽ diễn ra từ ngày 2-6/9 tới tại Vịnh Thái Lan, được tiến hành theo thỏa thuận giữa các bộ trưởng Bộ Quốc phòng ASEAN và Mỹ năm 2018.
Tháng 8/2017, quân đội Myanmar đã tiến hành chiến dịch truy quét các phần tử nổi dậy tại bang Rakhine, miền Tây nước này, sau các vụ tấn công của phiến quân nhằm vào một số chốt an ninh tại bang này.
Theo Liên hợp quốc, hơn 720.000 người Rohingya tại bang Rakhine đã sang tị nạn tại Bangladesh kể từ đó.
Tháng 11/2017, Myanmar và Bangladesh công bố một kế hoạch hồi hương người Rohingya, nhưng không xúc tiến được kế hoạch này vì nhiều trở ngại và hai bên đổ lỗi cho nhau cản trở quá trình thực hiện thỏa thuận.
Tháng 6/2018, Chính phủ Myanmar đạt thỏa thuận với Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm tạo điều kiện cho người Rohingya hồi hương.
Năm 2018, phái bộ tìm hiểu sự thật của Liên hợp quốc cáo buộc chiến dịch quân sự trên nhằm "ý định diệt chủng," và khuyến cáo buộc tội Thống tướng quân đội Min Aung Hlaing và 5 tướng lĩnh quân đội khác của Myanmar "vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế."
Myanmar bác bỏ mọi cáo buộc giết người, hãm hiếp và các hành động lạm dụng khác của các lực lượng an ninh. Một cuộc điều tra trước đó của quân đội năm 2017 cũng đã kết luận rằng các lực lượng an ninh không phạm tội.