Phân khúc bị bỏ ngỏ
Do đặc thù địa lý và học thuyết quân sự chú trọng tấn công, từ đầu thập niên 1950, quân đội Mỹ đã loại bỏ lực lượng phòng thủ bờ biển, chuyển giao nhiệm vụ này cho hải quân và không quân.
Kể từ thời kỳ "Chiến tranh lạnh" cho đến nay, quân đội Mỹ luôn tỏ ra "thờ ơ" trước tên lửa đất đối hải cơ động, trái ngược với xu hướng của các đối thủ tiềm tàng của Mỹ coi các tổ hợp tên lửa đất đối hải cơ động là phần không thể thiếu trong chiến lược phòng thủ.
Tên lửa đất đối hải là lựa chọn chi phí thấp, có tính răn đe cao, dễ ngụy trang và bao hàm vai trò của hệ thống trinh sát quản lý lãnh hải.
Tên lửa hành trình chống hạm NSM. Ảnh: Kongsberg.
Sự phát triển của công nghệ giúp các hệ thống tên lửa đất đối hải hiện đại có tầm bắn ngày càng xa, độ chính xác cao và có thêm khả năng tấn công mục tiêu mặt đất, biến chúng thành vũ khí đa chức năng, có vai trò chiến lược quan trọng đối với nhiều quốc gia.
Hiện nay, Nga và Trung Quốc đang chiếm lĩnh hầu hết thị phần về loại vũ khí này. Các quốc gia đồng minh của Mỹ như Na Uy, Pháp, Nhật Bản… đã và đang tự phát triển tên lửa đất đối hải cho riêng mình nhưng gặp phải trở ngại về chi phí, chính trị và tiềm lực công nghiệp quốc phòng.
Chạy nước rút
Đến năm 2016, giới chức quân sự Mỹ mới đặt ra yêu cầu phát triển tên lửa đất đối hải để trang bị cho lực lượng thủy quân lục chiến và lục quân, nhằm tăng cường khả năng tác chiến độc lập và giảm phụ thuộc vào sự hỗ trợ của không quân, hải quân.
Hơn nữa, lực lượng tàu mặt nước của hải quân các quốc gia khác trên thế giới đang ngày càng được tăng cường về số lượng lẫn tính năng của vũ khí-trang bị, khiến việc phối hợp hải-lục-không quân Mỹ trong tác chiến trên biển ngày càng trở nên cấp bách.
Do là lực lượng viễn chinh chính, thủy quân lục chiến Mỹ có yêu cầu đặc biệt về kích thước và khối lượng của xe phóng tên lửa, nhỏ gọn đủ chuyên chở trong máy bay vận tải C-130 để có thể theo kịp tốc độ triển khai của lực lượng này.
Một số quan chức quốc phòng Mỹ có ý tưởng phát triển tên lửa chống hạm trên nền tảng tên lửa đạn đạo chiến thuật MGM-140, có thể phóng từ xe phóng của pháo phản lực phóng loạt M142 HIMARS trong trang bị của thủy quân lục chiến.
Phương án này có đầy đủ các ưu điểm của pháo phản lực M142 như kích thước nhỏ gọn, dễ vận chuyển, cơ động cao. Tên lửa MGM-140 có tầm bắn tối đa 300km, đạt tốc độ gấp 3 lần vận tốc âm thanh (3.700 km/giờ) ở pha cuối.
Mặc dù có tiềm năng lớn, mỗi xe phóng M142 chỉ mang được một tên lửa và sẽ phải mất nhiều năm để nghiên cứu, thử nghiệm tên lửa chống hạm mới trong bối cảnh các quốc gia cạnh tranh đã đi trước và ngày càng vượt xa về công nghệ này.
Hơn nữa, trước xu thế sử dụng tàu chiến cỡ nhỏ, tốc độ cao, hỏa lực mạnh và các phương tiện mặt nước không người lái trong tương lai, tên lửa hành trình chống hạm tỏ ra phù hợp hơn với nhu cầu hiện tại và tương lai gần.
Một giải pháp cho lục quân Mỹ do Tập đoàn Raytheon phối hợp với Công ty Kongsberg của Nauy thực hiện được kỳ vọng sẽ giải quyết yêu cầu trên. Dựa trên tên lửa chống hạm NSM phóng từ tàu chiến, phiên bản đất đối hải trên khung gầm xe tải 5 cầu M1074 ra đời.
Việc hợp tác nghiên cứu và sản xuất cùng với đối tác của quốc gia đồng minh giúp quân đội Mỹ tiết kiệm thời gian trong bối cảnh các thiết kế tương đương của nước ngoài đang trở nên ngày càng phổ biến.
Thiết kế thân tên lửa NSM sử dụng rộng rãi vật liệu composite giúp giảm khối lượng và độ bộc lộ ra-đa. Tên lửa có thể bay bám địa hình ở độ cao thấp, thực hiện các động tác bay phức tạp. Phía Mỹ tuyên bố, lục quân nước này sẽ bắn thử nghiệm tên lửa NSM từ xe phóng mặt đất trong cuộc tập trận RIMPAC 2018 sắp tới.