Quân đội là then chốt trong chính sách đối ngoại của Nga: Ông Putin cầm con dao hai lưỡi

Trung tá Trịnh Ngọc Tiến (Trường Đại học Chính trị/ Bộ Quốc phòng) |

Nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Nga đang làm cho tiếng nói của Moskva trên trường quốc tế trở nên có trọng lượng hơn.

Trong cuốn sách "War with Russia" (Chiến tranh với nước Nga) xuất bản tháng 5/2016, Alexander Richard Shirreff, tướng Anh về hưu, cựu Phó Tư lệnh tối cao các lực lượng đồng minh NATO ở châu Âu (DSACEUR) từ 2011-2014, dự đoán rằng Nga có thể sớm phát động một cuộc tiến công vào các nước vùng Baltic ngay từ năm 2017.

Tuy nội dung cuốn sách có tính viễn tưởng và dự đoán đáng ngờ, nhưng đó là điều cảnh báo (ít nhất là tác giả cuốn sách là một quan chức cấp cao của NATO) trước khi NATO tiến hành cuộc họp thượng đỉnh ở Warsaw trong tháng 12/2016 và trong bối cảnh công chúng Châu Âu cảm thấy mối đe dọa của quân đội Nga ngày càng trở nên rõ rệt hơn.

Tầm quan trọng của quân đội Nga trong chính sách đối ngoại

Quân đội Nga không chỉ là một lực lượng chiến đấu mà còn là một công cụ của chính sách đối ngoại. Những hành động về tăng cường tiềm lực quân sự, cải cách quân đội, tăng ngân sách quốc phòng và gần đây là trực tiếp can thiệp quân sự vào Syria cho thấy chương trình tiếp tục hiện đại hóa quân đội cũng có tác dụng mở rộng và tăng cường ảnh hưởng của Moskva.

Ngược lại, những khó khăn của Nga, trong đó khó khăn đáng kể là hậu quả của tình trạng khó khăn kinh tế hiện thời, làm phát sinh những mâu thuẫn mới và những bất đồng quan điểm về những vấn đề cần ưu tiên trong giới lãnh đạo ở Moskva.

Tổng thống Vladimir Putin, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, và phó thủ tướng Dmitri Rogozin phụ trách lĩnh vực công nghiệp quốc phòng đều quyết tâm theo đuổi công cuộc cải cách và hiện đại hóa. Tuy nhiên, họ có quan điểm khác nhau về thực chất và phương hướng tiến hành cải cách cũng như những vấn đề cần được ưu tiên.

Vì vậy, đây rõ ràng là vấn đề chính trị.

Ông Putin dường như quan tâm nhất đến quân đội, công cụ đem lại khả năng tác động đến các vấn đề đối ngoại, nhất là đe dọa NATO cũng như các nước láng giềng.

Trong khi đó, Shoigu, tuy là cấp dưới trung thành của Putin, dường như hơi thiên về các khả năng phòng thủ. Chẳng hạn, Shoigu đã cố gắng tìm cách bảo đảm sao cho không chỉ tập trung cho việc mua sắm các hệ vũ khí tiến công mà phải chú trọng cả khả năng bảo vệ vùng trời và lãnh thổ.

Rogozin, người có khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa, có quyền lực trong lĩnh vực công nghiệp quân sự, đang cố gắng bảo đảm sao cho ngân sách tiếp tục tập trung cho việc mua sắm vũ khí, trang bị để tạo thu nhập cho các tổ hợp công nghiệp quốc phòng hơn là huấn luyện và nhân sự. Trong đó có việc vận động phê chuẩn ngân sách chi cho chương trình chế tạo họ xe chiến đấu Armata mới.

Quân đội là then chốt trong chính sách đối ngoại của Nga: Ông Putin cầm con dao hai lưỡi - Ảnh 1.

Từ trái qua: Ông Sergei Shoigu, Dmitri Rogozin và Tổng thống Putin tại một cuộc họp (Ảnh: Getty Images)

Cải cách từng phần vấn đề then chốt

Nga vẫn tiếp tục hiện đại hóa quân đội, tuy tốc độ có chậm lại vì ngân sách quốc phòng năm 2016 buộc phải cắt giảm 5% do khủng hoảng tài chính.

Theo lời Putin, trong cuộc họp giữa quân đội với các quan chức ngành công nghiệp quốc phòng hồi tháng 11/2016, 47% số vũ khí-trang bị đã đưa vào sử dụng thuộc loại "mũi nhọn". Ba năm trước đó, tỉ lệ này chỉ là khoảng 30% - và sẽ tăng lên đến 51% vào cuối năm 2016.

Cũng theo lời Putin, dù khó khăn thế nào, Nga vẫn sẽ tiếp tục nỗ lực hiện đại hóa vũ khí-trang bị để tăng tỉ lệ này lên đến 70% vào năm 2020.

Tuy nhiên, do những khó khăn tài chính phát sinh, Moskva buộc phải lặng lẽ giảm quy mô hay trì hoãn việc thực hiện một số dự án, như chương trình chế tạo máy bay ném bom chiến lược tàng hình thế hệ 5 PAK-DA.

Tuy nhiên, cải cách không chỉ là mua sắm các hệ vũ khí mới, Nga còn đầu tư vào lĩnh vực nâng cao chất lượng binh sĩ, đặc biệt là việc tuyển quân và giữ lại trong quân đội các quân nhân chuyên nghiệp tình nguyện.

Từ khi Shoigu trở thành Bộ trưởng Quốc phòng năm 2012, tiền lương của sĩ quan sơ cấp đã tăng gấp sáu lần. Đây là một trong những lý do giải thích vì sao hồi tháng 4/2015, Shoigu đã có thể tuyên bố số lượng binh sĩ chuyên nghiệp trong các lực lượng vũ trang Nga lần đầu tiên vượt số lượng binh sĩ nghĩa vụ mặc dù hiện nay Nga vẫn duy trì chế độ nghĩa vụ quân sự.

Một mặt quan trọng không kém của nỗ lực hiện đại hóa quân đội là đổi mới phương pháp và nâng cao trình độ huấn luyện tân binh và thường xuyên tiến hành các cuộc diễn tập nhằm thử nghiệm các chiến thuật mới, tạo sự gắn kết giữa các đơn vị và luyện tập tiến hành các loại hình tác chiến khác nhau.

Những cuộc diễn tập này cùng những đợt báo động kiểm tra đột xuất đã nâng cao đáng kể năng lực tác chiến của quân đội Nga.

Các hoạt động diễn tập cho thấy Nga đang chuẩn bị không chỉ cho những tình huống đòi hỏi phải triển khai lực lượng hạn chế, nhưng vẫn rất quan trọng ở Ukraine và dọc theo sườn phía nam nước Nga, mà có thể chuẩn bị cho cả những tình huống chiến tranh quy ước quy mô lớn, và thậm chí chiến tranh hạt nhân hạn chế với phương Tây.

Điều này thể hiện ở việc quân đội Nga thường xuyên tiến hành những cuộc tập trận với sự tham gia của khoảng 100.000 lính, đôi khi nhiều hơn.

Quân đội là then chốt trong chính sách đối ngoại của Nga: Ông Putin cầm con dao hai lưỡi - Ảnh 2.

Xe tăng Armata T-14 của Nga (Ảnh: Sputnik)

Quan điểm của Nga về vấn đề vũ khí hạt nhân

Chính sách và chiến lược chính thức của Nga về vũ khí hạt nhân vẫn hoàn toàn được giữ bí mật. Học thuyết và những lời bình luận chính thức của Nga về việc sử dụng vũ khí hạt nhân vẫn có nhiều điều khó hiểu, có lẽ là do cố ý.

Theo những văn kiện này, về cơ bản, Nga chủ trương chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân khi sự sống còn hay những lợi ích có tầm quan trọng quốc gia bị đe dọa.

Học thuyết quốc phòng năm 2014 nêu rõ chủ trương răn đe phi hạt nhân. Tuy nhiên, những phát ngôn của các quan chức, các cuộc diễn tập, và các chương trình mua sắm vũ khí cho thấy Moskva vẫn đề cao tác dụng của vũ khí hạt nhân nhưng chỉ cho mục đích răn đe, chứ chưa cho thấy ý định sử dụng thực sự.

Các phát ngôn chính thức của Putin, các tướng lĩnh, và các nhà bình luận khác thường có ý cảnh báo sử dụng vũ khí hạt nhân chống Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ.

Yuri Yakubov, một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng, luôn ủng hộ chủ trương sử dụng vũ khí hạt nhân trong đòn đánh phủ đầu hay "làm xuống thang" các cuộc xung đột khu vực lớn.

Hồi tháng 12/2015, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ khi đó là James Clapper nhận xét, "những tham vọng của Mỹ và Nga về vũ khí hạt nhân trong 20 năm qua đã chuyển biến theo chiều hướng đối nghịch nhau. Trong khi mục tiêu của Mỹ là giảm vai trò của vũ khí hạt nhân trong chiến lược an ninh thì Nga lại tăng cường khả năng và theo đuổi chủ trương mới, đề cao vai trò của vũ khí hạt nhân trong chiến lược an ninh của họ".

Tất cả những chứng cứ này cho thấy rõ ràng là Moskva coi vũ khí hạt nhân là công cụ răn đe quan trọng và có ý định sử dụng để đánh đòn phủ đầu khi xảy ra chiến tranh.

Như vậy, dù giới lãnh đạo Nga cố ý tỏ ra mơ hồ trong tính toán của họ, nhưng những chứng cứ cho thấy Nga có thể thực sự sử dụng vũ khí hạt nhân khi xảy ra chiến tranh và công khai đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân trong cả thời bình và thời chiến.

Quân đội là then chốt trong chính sách đối ngoại của Nga: Ông Putin cầm con dao hai lưỡi - Ảnh 3.

Hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-24 của Nga đi qua Quảng trường Đỏ ở Moscow trong lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng 7/5/2015 (Ảnh: Reuters)

Một số dự báo cho chính sách đối ngoại của Nga

Nhìn chung, nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Nga đang tạo thêm cho Putin các phương án địa chính trị và công cụ thực hiện các phương án đó, làm cho tiếng nói của nước Nga trên trường quốc tế trở nên có trọng lượng hơn.

Tuy nhiên, quá trình này không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió mà có nhiều sự rủi ro tiềm tàng đối với Kremlin.

Mức độ tốn kém khiến nền kinh tế Nga ngày càng khó có thể chịu đựng trong khi các dịch vụ công cộng và mức sống của người dân Nga tiếp tục bị giảm sút. Quá trình đó cũng ngày càng làm giảm thiện cảm của công chúng toàn cầu đối với nước Nga.

Nếu "sức mạnh mềm" của nước Nga suy yếu, Moskva có thể buộc phải ngày càng dựa vào các biện pháp gây ảnh hưởng bằng sức mạnh quân sự với hậu quả là nguy cơ leo thang và thất bại. Hơn nữa, càng dựa vào những công cụ đó thì nước Nga sẽ càng khó cắt giảm ngân sách quân sự dù rõ ràng là cần phải đầu tư cho lĩnh vực khác.

Tóm lại, đó là thế lưỡng nan từng làm đình đốn nền kinh tế và đẩy Liên bang Xô viết đến sự tan rã hồi cuối thập niên 1980, đầu 1990.

Khuynh hướng dựa vào quân đội để thực hiện các mục tiêu đối ngoại của Moskva đồng thời làm tăng rủi ro tính toán sai lầm và tăng gánh nặng cho nền kinh tế./.

(Bài viết dựa trên quan điểm riêng của tác giả)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại