Sharapova không đáng bị quay lưng
Ban tổ chức Madrid Masters đã đặc cách cho Sharapova. Ban tổ chức Rome Masters đã đặc cách cho Sharapova. Nhưng ban tổ chức Roland Garros thì không. Tại sao Masha đã trở lại thi đấu được 5 tuần sau án cấm 15 tháng vì dương tính với meldonium mà Ban tổ chức Roland Garros vẫn quay lưng lại với cô?
"Chúng tôi rất tiếc. Chúng tôi biết Masha và các fan của cô ấy sẽ thất vọng. Nhưng chúng tôi muốn bảo vệ môn thể thao này, bảo vệ những chuẩn mực cao vời của quần vợt.
Các tay vợt trở lại thi đấu sau chấn thương thì có thể được đặc cách nhưng các tay vợt trở lại sau khi mãn án cấm thi đấu thì không thể", Chủ tịch Liên đoàn quần vợt Pháp (FFT) Bernard Giudicelli giải thích về quyết định không cấp quyền đặc cách dự Roland Garros cho nhà vô địch 2 lần của Roland Garros các năm 2012, 2014.
Nhưng liệu quyết định của FFT có xác đáng hay không? Đầu tiên phải khẳng định đây chỉ là quyết định đơn phương của ban tổ chức Roland Garros.
Tuyên bố từ chối Sharapova để bảo vệ quần vợt chân chính của Chủ tịch FFT thực sự là nực cười bởi lẽ những gì ông Bernard Giudicelli nói không khác nào là sự phỉ báng đối với những quyết định đặc cách cho Masha dự Madrid Masters và Rome Masters trước đó của ban tổ chức các giải Masters 1000 này.
Với việc đơn phương từ chối Sharapova, Ban tổ chức Roland Garros thực tế đã tự đặt ra chuẩn mực của riêng mình trong toàn bộ hệ thống quần vợt thế giới. Đấy là điều hết sức buồn cười bởi dù là một trong 4 giải lớn quan trọng nhất, Roland Garros cũng không thể tách rời khỏi hệ thống thi đấu của quần vợt thế giới nói chung.
Giải đấu nào cũng cần sự ủng hộ của khán giả và khán giả muốn thấy sự hiện diện của các ngôi sao hàng đầu. Sẽ thế nào khi Roland Garros 2017 đã vắng bóng Serena William (mang bầu), vắng bóng Roger Federer (rút lui) và bây giờ vắng bóng tiếp Maria Sharapova?
Không khó để hình dung về những khán đài trống vắng ở giải đất nện lớn nhất năm mà sự vắng mặt của Sharapova chắc chắn là một trong những nguyên nhân.
Nên nhớ, bất chấp sự tổn hại hình ảnh không tránh khỏi sau vụ dương tính với Meldonium và bị cấm thi đấu 15 tháng, Sharapova vẫn là tay vợt nữ có sức hút hàng đầu với các CĐV, sở hữu lượng fan đông đảo bậc nhất bởi hồ sơ sự nghiệp sáng láng với 5 lần vô địch Grand Slam, bởi vẻ bề ngoài bắt mắt...
Roland Garros từ chối Sharapova là nực cười
Khi quyết định từ chối Sharapova, ban tổ chức Roland Garros đã bảo vệ cái gì và đại diện cho ai? Trả lời: Họ không bảo vệ lợi ích, gìn giữ hình ảnh hay bảo vệ chuẩn mực nào của quần vợt ở đây cả mà thực chất họ chỉ thể hiện sự cao ngạo và "luật" riêng của mình.
Sự thật là Sharapova đã sai lầm (dù vô tình hay cố tình) nhưng cô đã phải trả giá. Sự công bằng và tôn chỉ của thể thao chân chính nói chung và quần vợt nói riêng đã được thực thi. Masha không "nợ" Roland Garros bất cứ điều gì.
Cô xứng đáng và cần phải được chào đón trở lại thi đấu bởi WTA nói riêng và tennis thế giới nói chung luôn cần sự hiện diện của những ngôi sao đích thực. Khán giả cần sự hiện diện của những tay vợt hàng đầu.
Nhưng với việc từ chối Sharapova, BTC Roland Garros đã hành động vì lợi ích của riêng họ, đã đặt quyền lợi và sự cao ngạo của họ lên trên quyền lợi, nguyện vọng của khán giả toàn cầu. Đó là lí do vì sao quyết định từ chối cấp suất đặc cách cho Sharapova dự Roland Garros là một quyết định vô lí và đáng bị phê phán.
Nó bất công với Masha. Bất công với cả các fan của cô lẫn những khán giả trung lập đơn giản là chỉ muốn được chứng kiến những trận đấu có chất lượng, hấp dẫn mà chỉ những tay vợt tài năng như Sharapova mới có thể tạo ra.
Chính CEO của WTA Steve Simon cũng cho rằng Masha lẽ ra không đáng bị trừng phạt thêm nữa. Đó là bằng chứng cho thấy quyết định của FFT thật "bê bối".