Ông Manasseh Sogavare, thủ tướng Quần đảo Solomon - Ảnh: AP
Theo Hãng tin AFP, mối quan hệ giữa Quần đảo Solomon với Mỹ đã căng thẳng từ khi Solomon ký thỏa thuận an ninh với Trung Quốc vào tháng 4 vừa qua.
"Ngày 29-8, Mỹ nhận được thông báo chính thức từ Chính phủ Quần đảo Solomon về việc tạm hoãn tất cả các chuyến thăm của hải quân, chờ cập nhật quy trình thủ tục", Hãng tin AFP dẫn thông báo từ Đại sứ quán Mỹ tại Canberra (Úc) cho biết.
Trước đó, người phát ngôn của Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare đã phủ nhận thông tin nước này tạm thời không cho hải quân Mỹ cập cảng. Chiều 30-8, ông Sogavare dự kiến sẽ có bài phát biểu công khai.
Nội dung bài phát biểu của ông Sogavare được cho là chào mừng tàu bệnh viện Mercy của hải quân Mỹ đến cảng thủ đô Honiara vào ngày 29-8 để thực hiện nhiệm vụ kéo dài 2 tuần.
Tuy nhiên, Đại sứ quán Mỹ tại Canberra cho biết tàu Mercy đến Honiara trước khi có lệnh cấm cập cảng.
"Tàu Mercy của hải quân Mỹ đã được thông quan ngoại giao trước khi lệnh cấm có hiệu lực. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình", Đại sứ quán Mỹ tại Canberra thông tin.
Tuần trước, một tàu tuần duyên của Mỹ đã không thể vào Solomon vì chính phủ nước này không phản hồi yêu cầu tiếp nhiên liệu.
Trong email trao đổi với Hãng tin Reuters, lực lượng tuần duyên Mỹ cho biết con tàu nói trên tên Oliver Henry, đi tuần tra đánh bắt cá trái phép ở Nam Thái Bình Dương, sau đó không được vào thủ đô Honiara của Solomon để tiếp nhiên liệu.
Theo Hãng tin AFP, ngày 31-3, Quần đảo Solomon thông báo đã ký thỏa thuận an ninh với Trung Quốc. Đây là thỏa thuận khiến Mỹ và các đồng minh lo ngại sẽ mở đường cho Trung Quốc có sự hiện diện quân sự đầu tiên ở khu vực nam Thái Bình Dương.
Cụ thể hơn, tàu thuyền Trung Quốc sẽ được phép thực hiện các hoạt động tiếp tế hậu cần, dừng chân và quá cảnh tại Quần đảo Solomon. Trung Quốc cũng có thể triển khai "các lực lượng thích hợp" để bảo vệ nhân viên cùng các dự án của nước này ở Solomon.
Thỏa thuận này cũng nêu rõ Quần đảo Solomon có thể yêu cầu Trung Quốc điều động cảnh sát vũ trang, binh sĩ và lực lượng hành pháp của nước này tới quốc đảo Thái Bình Dương để thực hiện các nhiệm vụ nhân đạo hoặc an ninh.
Trong khi đó, Mỹ và Úc từ lâu đã lo ngại khả năng Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân ở Nam Thái Bình Dương.
"Hợp tác an ninh giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon là trao đổi và hợp tác bình thường giữa hai quốc gia độc lập có chủ quyền", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh trong cuộc họp báo hồi tháng 4.
Tới tháng 8, Solomon công bố vay Trung Quốc 66 triệu USD xây tháp viễn thông. Đây là khoản vay đầu tiên của Solomon khi chuyển hướng ngoại giao từ Đài Loan sang Trung Quốc vào năm 2019.
Với khoản vay 66 triệu USD và lãi suất 1% đến từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, Chính phủ Solomon dự kiến sẽ xây 161 tháp viễn thông. Việc xây dựng sẽ do tập toàn viễn thông khổng lồ Huawei của Trung Quốc đảm nhiệm.