Quán cơm chay Diệu Thường nằm trong con hẻm nhỏ số 246/4A, đường Hòa Hưng, quận 10, TPHCM mở bán lúc 11h hàng ngày, nhưng ở đây hơn 10h, khách đã xếp hàng dài chờ mua suất cơm với giá 0 đồng.
Thực đơn của quán mỗi ngày một món khác nhau, riêng ngày mùng 1 và ngày 15 âm lịch có món ăn đặc biệt là phở chay, bún chay.
Quán cung cấp 150 suất cơm và chỉ trong 30 phút đã hết sạch. Dù suất cơm giá chỉ có 0 đồng nhưng ai cũng tấm tắc khen ngon từ cách chế biến món ăn đến thái độ phục vụ chủ quán.
Ông Lê Minh Tú (50 tuổi, quận 10, TPHCM) chia sẻ: “Quán cơm phục vụ rất đàng hoàng, lịch sự. Quán có thùng từ thiện, ai có tiền thì bỏ vô, còn không thì thôi chứ không bắt buộc”.
Đa số khách của quán là những người lao động nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, như trường hợp của bà Nguyễn Thị Đào (63 tuổi, quận 10, TPHCM).
Bà Đào cho biết, gia đình có 7 miệng ăn nhưng đều phải trông chờ vào mức lương 3,5 triệu đồng từ cô con gái đang làm việc trong đoàn hát bội thành phố. Cũng may có quán cơm chay Diệu Thường mà gia đình mới đạm bạc qua ngày.
Bà Đào cho hay: “Tôi thường xuyên đến quán nhận 7 suất cơm cho các thành viên trong gia đình. Nếu có đứa nào đi vắng thì tôi chỉ lấy 6 phần.
Mặc dù ngày nào cũng đến quán lấy cơm nhưng người trong quán rất tận tình, họ không phiền hà gì với mình cả”.
Trưởng nhóm của quán cơm chay Diệu Thường là anh Nguyễn Anh Điệp và chị Huyền Trân (cùng trú ở quận 10, TPHCM). Anh chị chia sẻ, việc lập quán cơm chay 0 đồng ở quận 10 là một cái duyên.
Trong một lần tình cờ làm việc với một mạnh thường quân, họ đặt vấn đề phát triển các hoạt động của nhóm tình nguyện của anh chị, thế là các thành viên trong nhóm nghĩ ngay ra việc mở quán cơm 0 đồng để phục vụ người nghèo.
Món ăn được các đầu bếp thay đổi hàng ngày. |
Giải thích về tên quán cơm là “Diệu Thường”, chị Trân cho hay: “Diệu Thường chính là những điều bình thường, giản đơn trong cuộc sống, những điều ấy là hạnh phúc nhất.
Còn về lí do tại sao là “0 đồng” mà không phải “miễn phí” thì chị Trân cho biết, để là “0 đồng” vì các thành viên của nhóm sẽ hiểu đấy là phục vụ khách, chứ không phải là đi cho”.
Dù là thiện nguyện, thế nhưng nhóm của anh chị vẫn đặt hết tâm tư, trách nhiệm lên từng món ăn.
Thực phẩm cũng được chọn lựa kĩ càng từ nguyên liệu cho đến gạo vì nhóm thiện nguyện luôn tâm niệm rằng, nếu bản thân không ăn được là không mang phục vụ bà con.
Ý nghĩa của Diệu Thường là tấm lòng của những người trong nhóm thiện nguyện của anh Điệp và chị Trân. Họ muốn là giúp đỡ cộng đồng, chia sẻ yêu thương bằng việc “bán” những suất cơm giá 0 đồng để: “Cho đi và chỉ mong nhận lại nụ cười”./.