Quan chức TQ ngang ngược đòi biến đảo của Việt Nam thành "căn cứ chiến lược" để "làm lãnh đạo hài lòng"

Thi Anh |

Quan chức Trung Quốc lên kế hoạch xây dựng cái được gọi là "thành phố đảo" trên đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam).

Kế hoạch ngang ngược của Trung Quốc

SCMP ngày 19/3 đưa tin: Zhang Jun, một quan chức Trung Quốc, đã chủ trì cuộc họp về kế hoạch phát triển của Trung Quốc tại khu vực đảo mà nước này chiếm đóng trái phép của Việt Nam.

Zhang cho hay, mục đích của Trung Quốc là biến đảo Phú Lâm và 2 đảo nhỏ hơn - đảo Cây và đảo Duy Mộng (các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép) - thành một "căn cứ hậu cần và dịch vụ chiến lược trọng yếu quốc gia".

"Chúng ta cần lên kế hoạch phát triển tổng thể các đảo, đá một cách kỹ lưỡng, dựa trên các chức năng khác nhau, cũng như mối quan hệ tương hỗ giữa chúng", Zhang nói trong một thông cáo.

Zhang cho biết, kế hoạch diễn ra như đã được nói đến trong bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm ngoái, cũng như chỉ đạo của chính quyền nước này hồi tháng 4.

Chi tiết kế hoạch không được tiết lộ, tuy nhiên thông cáo chỉ đạo các quan chức "tiến hành các bước đi chủ động và thể hiện sáng kiến của mình" để có được một "báo cáo hài lòng" cho lãnh đạo Trung Quốc.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông đang bị cộng đồng quốc tế theo dõi chặt chẽ và Mỹ cũng có những bước đi nhằm đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc.

Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chỉ trích "động thái xây dựng đảo trái phép của Trung Quốc ở các tuyến đường thủy quốc tế" và cáo buộc Bắc Kinh ngăn cản phát triển năng lượng trong khu vực thông qua "các phương thức cưỡng ép".

Không phải văn kiện cấp quốc gia

Trao đổi với SCMP, ông Shi Yinhong, giáo sư chuyên về quan hệ Mỹ-Trung tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho rằng cuộc họp nói trên về việc xây dựng đảo (trái phép) là phản ứng của Trung Quốc trước những thách thức gần đây từ phía Mỹ về vấn đề Biển Đông.

Tuy nhiên, ông Shi cũng chỉ ra một thực tế rằng, thông cáo của Zhang xuất phát từ "Tam Sa", đô thị cấp huyện mà Trung Quốc thành lập trái phép trên đảo Phú Lâm (thuộc chủ quyền Việt Nam), chứ không phải văn kiện cấp tỉnh hoặc cấp quốc gia. Theo ông Shi, điều này cho thấy Bắc Kinh chưa muốn thông tin một cách rầm rộ về kế hoạch này.

Ông Shi tin rằng ưu tiên của Trung Quốc ở thời điểm hiện tại là chấm dứt chiến tranh thương mại với Mỹ, chứ không phải thúc đẩy công tác xây dựng và triển khai vũ khí trái phép trên Biển Đông. Ông Shi cũng nhận định, nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ không mạnh tay thúc đẩy một kế hoạch phát triển quy mô lớn.

"Nếu kế hoạch này sẽ có quy mô lớn và được tiến hành nhanh chóng - điều mà tôi vẫn hoài nghi - thì phản ứng chiến lược từ phía Mỹ sẽ gay gắt và sự đối đầu giữa Bắc Kinh với Washington sẽ leo thang", ông Shi nhận định, "Điều này sẽ làm tê liệt các ưu tiên chủ chốt của Bắc Kinh, cả ở trong nước lẫn nước ngoài".

Hồi tuần trước, hai oanh tạc cơ chiến lược B-52 của Mỹ đã bay qua Biển Đông, lần thứ hai trong vòng 10 ngày, một động thái vấp phải sự phản đối của Trung Quốc. Hải quân Mỹ cũng đã thực hiện hai chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông trong năm nay.

Liên quan tới các hành động ngang ngược của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm của Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng và cơ sở pháp lý lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Năm 2018, khi có thông tin về việc Trung Quốc triển khai trái phép tên lửa trên đảo Phú Lâm của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

"Mọi hoạt động được tiến hành tại hai quần đảo này (Trường Sa và Hoàng Sa) mà không được phép của Việt Nam là hoàn toàn bất hợp pháp, vô giá trị và vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Việc Trung Quốc triển khai lại tên lửa ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, làm gia tăng căng thẳng, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực, cũng như an ninh an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại