Quan chức Mỹ, Triều Tiên có mặt ở Bắc Kinh: Đường đến thượng đỉnh lần 3 phải qua TQ?

Minh Khôi |

Cố vấn ngoại giao Triều Tiên đã đến Bắc Kinh thứ Ba (26/3) khi nhà đàm phán chính của Mỹ cũng đang có mặt, cho thấy Trung Quốc có vai trò trong giai đoạn đàm phán mới giữa 2 nước.

Truyền thông Nhật Bản và Hàn Quốc cho biết ông Ri Su-yong, cựu ngoại trưởng Triều Tiên, Phó chủ tịch ủy ban trung ương đảng Lao động Triều Tiên, đã được Ji Jae-ryong, Đại sứ Triều Tiên tại Trung Quốc, đón tại sân bay quốc tế thủ đô Bắc Kinh cùng các quan chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc sáng 26/3.

Trong khi đó, ông Stephen Beigun, đặc phái viên về vấn đề Triều Tiên của Mỹ cũng có mặt ở Bắc Kinh. Theo thông tin chính thức của Đại sứ quán Mỹ, ông Beigun, đến Bắc Kinh vào cuối tuần trước, thực hiện nhiệm vụ tiếp tục phối hợp với Trung Quốc về các chính sách liên quan đến vấn đề Triều Tiên.

Chi tiết về lịch trình của hai nhà ngoại giao không được tiết lộ. Tuy nhiên, đã xuất hiện nhiều thông tin suy đoán rằng Washington và Bình Nhưỡng đang tái đàm phán sau khi hội nghị thượng đỉnh lần 2 giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng trước không đem lại thỏa thuận.

Ông Boo Seung-chan, Giáo sư thỉnh giảng Viện nghiên cứu Triều Tiên tại Seoul, nói rằng các chuyến đi của ông Beigun và ông Ri đã nhấn mạnh quyết tâm thiết lập lại cuộc đối thoại của Washington và Bình Nhưỡng, cũng như vai trò trung gian hòa giải của Trung Quốc.

Có thể nhận thấy những rủi ro và hạn chế của mô hình đàm phán từ trên xuống hiện nay sau khi hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội không ghi nhận một thỏa thuận nào, ông Boo nói.

Ông Beigun lên đường tới Bắc Kinh chỉ vài ngày sau khi ông Trump tuyên bố trên Twitter rằng ông đã rút lại các lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên do Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố - một cử chỉ thiện chí rõ ràng đối với Bình Nhưỡng.

Đáp lại, Bình Nhưỡng đã điều các quan chức trở lại văn phòng liên lạc liên Triều tại Kaesong - một vài ngày sau khi rút đi vì Bình Nhưỡng cho rằng Seoul đã quá ngần ngại trong việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt hoặc tham gia vào các dự án kinh tế.

Ông Kim Jong-un đang chịu áp lực ngày càng tăng để xây dựng nền kinh tế Triều Tiên kể từ khi ông tuyên bố đó là ưu tiên chính của ông vào tháng 4 năm ngoái. Nếu không dỡ bỏ lệnh trừng phạt, những tham vọng đó không thể thực hiện được.

Vấn đề kinh tế là lợi điểm lớn nhất của ông Trump trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với ông Kim. Trong lần gặp nhau đầu tiên ở Singapore vào tháng 6 năm ngoái, ông Trump thậm chí còn chiếu một đoạn phim ngắn, đưa ra viễn cảnh về một nền kinh tế Triều Tiên hiện đại, năng động.

Mặc dù vậy, trong hội nghị thượng đỉnh lần 2 lại không có tiến triển nào được ghi nhận dựa trên sự hiểu biết chung về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên,

Tháng trước, hội nghị thượng đỉnh lần 2 giữa hai nhà lãnh đạo hai bên đã tiết lộ sự khác biệt lớn trong cách hiểu về vấn đề phi hạt nhân hóa và Mỹ cảm thấy Trung Quốc có thể đóng vai trò lớn hơn trong việc thu hẹp khoảng cách đó, ông Boo nói.

Dù muốn hay không, tình trạng bế tắc có thể sẽ tiếp diễn trong một thời gian nữa. Và Trung Quốc sẽ là một "lá bài" ngoại giao hấp dẫn để Washington sử dụng trong việc phá vỡ bế tắc, ông nói thêm.

Trong cuộc họp báo ở Hà Nội, Tổng thống Trump đã thừa nhận rằng Trung Quốc có thể hữu ích hơn trong quá trình phi hạt nhân hóa.

Zhang Baohui, giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á Thái Bình Dương tại Đại học Lingnan, Hồng Kông, cho rằng sự bế tắc có thể chỉ ra vai trò của Trung Quốc trong chương tiếp theo của cuộc đàm phán Mỹ-Triều Tiên.

Và, Zhang nói, Trung Quốc có lý do riêng để giữ mối quan hệ suôn sẻ giữa 2 nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại