Quan chức Đức: Cấm vận khí đốt Nga là "liều thuốc độc" với nền kinh tế mạnh nhất châu Âu

Tất Đạt |

Các tranh cãi xoay quanh lệnh trừng phạt được các quốc gia châu Âu áp lên Nga vẫn chưa chấm dứt.

"Liều thuốc độc" với Đức

Theo RT, Bộ trưởng Lao động Đức Hubertus Heil cho biết lệnh cấm vận đối với khí đốt tự nhiên của Nga sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế cũng như xã hội Đức. Thông tin này được ông đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Funke và được đăng tải hôm 28/5.

Ông cảnh báo: "Chúng ta nên dần độc lập đối với việc nhập khẩu khí đốt, nhưng áp đặt lệnh cấm vận với Nga ngay lập tức sẽ khiến tình hình thêm phức tạp với việc giá cả tăng cao và dẫn đến mất việc làm. Vì vậy, chúng ta phải tránh điều này".

Ông Heil lưu ý rằng thị trường lao động ở Đức - mặc dù phải hứng chịu hậu quả của đại dịch Covid-19 - hiện đang ổn định, nhưng các biện pháp quyết liệt như cắt khí đốt của Nga sẽ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

"Trong trường hợp có lệnh cấm vận khí đốt ngay lập tức, chúng ta sẽ phải đối diện với một tình huống hoàn toàn khác về mặt kinh tế và xã hội," ông tuyên bố và nói thêm rằng lệnh cấm vận sẽ là "liều thuốc độc cho xã hội Đức".

Quan chức Đức: Cấm vận khí đốt Nga là liều thuốc độc với nền kinh tế mạnh nhất châu Âu - Ảnh 1.

Cùng với các quốc gia EU khác, Đức đang nỗ lực loại bỏ dần năng lượng từ Nga, nhưng chính phủ đã nhiều lần tuyên bố rằng nước này không thể làm như vậy ngay lập tức, vì nó sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế và công nghiệp.

Đức phụ thuộc nhiều vào các lô hàng năng lượng của Nga và mua khoảng 25% dầu và 40% khí đốt mà nước này tiêu thụ từ Nga. Tuy nhiên, theo chiến lược hiện tại, Berlin có kế hoạch thay thế hoàn toàn than và dầu của Nga vào cuối năm nay và chuyển từ khí đốt của Nga sang các nhà cung cấp thay thế vào năm 2024.

Các quốc gia mua năng lượng Nga bằng đồng Rúp

Các quốc gia phương Tây đã áp một loạt các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với Moscow để trừng phạt Điện Kremlin vì chiến dịch của nước này nhưng không động đến nguồn cung cấp dầu và khí đốt của Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây đã chỉ trích các lệnh trừng phạt, nói rằng "các hành động hỗn loạn" của châu Âu đã dẫn đến việc tăng doanh thu từ dầu khí cho Nga.

Quan chức Đức: Cấm vận khí đốt Nga là liều thuốc độc với nền kinh tế mạnh nhất châu Âu - Ảnh 2.

Moscow đang gây áp lực buộc các nước châu Âu phải trả tiền mua khí đốt bằng đồng rúp để đảm bảo sự ổn định của đồng tiền này sau khi giá trị đồng rúp giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại. Dưới đây là phản ứng của các nước tới thời điểm hiện tại:

Đức

Các công ty Đức như VNG, RWE, Uniper và Engie đang trả cho Nga bằng đồng rúp để mua khí đốt. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định Nga sẽ không giành chiến thắng trong chiến dịch và Tổng thống Nga Vladimir Putin không được ra lệnh cho các điều khoản của bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào.

Hungary

"Chúng tôi thanh toán bằng đồng euro, Gazprombank quy đổi đồng euro, và số tiền này được trả cho Gazprom Export", Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế Đối ngoại Hungary Péter Szijjártó cho biết.

Pháp

"Engie đã đàm phán với Gazprom về yêu cầu của Nga đối với việc sửa đổi phương thức thanh toán cho nguồn cung cấp khí đốt của Nga.

Tập đoàn đã thực hiện các bước cần thiết để sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ thanh toán của mình, miễn là tuân thủ khuôn khổ trừng phạt của châu Âu," tập đoàn năng lượng Pháp cho biết ngày 17/5.

Italy

"Eni đã bắt đầu quá trình mở hai tài khoản tại Ngân hàng Gazprom, trên cơ sở dự phòng (một tài khoản bằng euro và một tài khoản bằng rúp)", tập đoàn năng lượng Italy cho biết ngày 17/5.

Hà Lan

Công ty GasTerra thuộc sở hữu nhà nước của Hà Lan cho biết việc thiếu rõ ràng đối với các khoản trừng phạt là "rất khó chịu" và buộc công ty "phải liên tục tính đến tất cả các loại kịch bản."

Người phát ngôn của Bộ Kinh tế Hà Lan cho biết: "Hà Lan đã yêu cầu Ủy ban làm rõ hướng dẫn về tài khoản đồng rúp. Cần phải rõ ràng hơn trước khi việc thực thi phần các lệnh trừng phạt có thể diễn ra."

Bungari

Công ty Bulgargaz của Bulgari đang chạy đua để lấp đầy trữ lượng khí đốt đang cạn kiệt trước mùa đông sau khi Moscow cắt nguồn cung cấp vì nước này từ chối thanh toán khí đốt Nga bằng đồng rúp.

Áo

Tờ Kronen Zeitung dẫn tin từ Liên đoàn Công nghiệp Áo cho hay việc Nga cắt nguồn cung khí đốt sẽ là "đòn giáng nghiêm trọng" vào phúc lợi của người dân Áo vì nó đe dọa khoảng 300.000 việc làm.

Theo chủ tịch của liên đoàn Georg Knill, gần như toàn bộ ngành công nghiệp thực phẩm phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt Nga. Sản xuất thép cũng cần lượng rất lớn khí đốt Nga. Ông lưu ý, các ngành công nghiệp khác cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong kịch bản Áo bị Nga cắt khí đốt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại