Bánh mì Xin Chào là cái tên được chú ý hơn cả trong tập đầu tiên của chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 6.
Shark Bình đề nghị đầu tư 500.000 USD cho 15% cổ phần cho quán Bánh mì Xin Chào, với điều kiện là trong 2 năm Bánh mì Xin Chào phải mở rộng lên 50 cửa hàng, 1 cửa hàng flagship và 1 xe đồ ăn. Nếu không làm được phải nhường cho nhà đầu tư thêm 10% cổ phần - tương đương 25%. Còn nếu làm được, Shark Bình cam kết đầu tư thêm tối thiểu 2 triệu USD để startup tiếp tục phát triển vòng sau. Kết thúc thương vụ, chủ của chuỗi cửa hàng đã đồng ý với đề nghị đầu tư của shark Bình.
Thực tế, trước khi đến với Shark Tank, Bánh mì Xin chào đã tạo tiếng vang khi đóng vai trò như một đại sứ văn hóa chứ không chỉ là một startup, mang món ăn đặc trưng của Việt Nam sang nước bạn.
Đưa ẩm thực Việt Nam "xuất ngoại"
Ra mắt vào tháng 10/2016, bánh mì Xin Chào là thương hiệu của hai anh em Bùi Thanh Duy (1986) và Bùi Thanh Tâm (1991) sau nhiều nỗ lực, trăn trở.
Trong một lần đến Tokyo chơi, nhìn thấy mọi người xếp thành hàng dài để mua Doner Kebab của Thổ Nhĩ Kỳ, Thanh Tâm nảy ra ý tưởng mang ẩm thực đường phố của Việt Nam khởi nghiệp ở Nhật Bản, đồng thời cũng là cách để quảng bá văn hóa ẩm thực của nước mình ra thế giới.
Quán lựa chọn tên là Xin Chào, câu nói đơn giản mà bất cứ người nước ngoài nào muốn tìm hiểu về ngôn ngữ hay văn hóa Việt Nam sẽ nghĩ đến. Phiên bản bánh mì ở đây được học hỏi từ bánh mì Phượng (Hội An), cũng gồm nước sốt, bơ, pate, thịt xá xíu... nhưng được điều chỉnh một chút để ra công thức cuối cùng.
Bề ngoài ổ bánh mì vàng ươm, không hề cầu kỳ, khi cắn vào phát đầu tiên là cảm nhận được sự giòn rụm của lớp vỏ. Bên trong là lớp bánh mềm với vị ngon được hòa quyện từ chút bơ, chút pate, chút dưa chua, thịt nguội, chả, một ít nước sốt... tạo thành hương vị đặc trưng mà không loại bánh sandwich nào có được.
Sau 7 năm, đến nay Bánh mì Xin Chào đã có tổng cộng 15 cửa hàng và chi nhánh tại Nhật Bản.
Báo đài Nhật Bản phải trầm trồ
Nhiều tờ báo nổi tiếng nước Nhật như ameblo.jp hay tờ tin tức Chunichi đã dành hẳn một trang để nói về tiệm bánh mì của Duy và Tâm.
“Taste banh mi, Taste Viet Nam” là câu slogan của Bánh mì Xin Chào, dịch ra với hàm ý “Nếm bánh mì - Nếm hương vị Việt Nam”. Đây cũng chính là tâm tư của hai nhà sáng lập gửi đến từng vị khách hàng người Việt xa xứ, cũng như thực khách nước bạn.
Ban đầu, mỗi chiếc bánh mì tại tiệm Xin Chào có giá khoảng 100.000 đồng. Theo chia sẻ của hai ông chủ trẻ, mỗi ngày, Xin Chào bán ra khoảng 100-200 suất bánh mì chưa kể đồ uống. Đối tượng khách của Xin Chào không chỉ có cộng đồng người Việt tại Nhật Bản và những người Nhật sống quanh khu vực ấy nữa, mà còn thu hút cả những du khách nước ngoài.
Nối dài thương hiệu này, dù chỉ mới đi vào hoạt động từ tháng 8/2021, nhưng những chiếc xe bán bánh mì lưu động được nhượng quyền thương hiệu Bánh mì Xin Chào đã ký được thỏa thuận với chuỗi siêu thị Itoyokado (lớn thứ hai sau Aeon tại Nhật Bản) để có thể bán phía trước các siêu thị của họ. Đây là lợi thế rất lớn, không phải đơn vị bán lẻ đồ ăn nào cũng đạt được.
Niềm tự hào dân tộc gửi gắm trong chiếc bánh mì
Năm 2017, MC Lại Văn Sâm đích thân sang Nhật gặp gỡ hai ông chủ của Bánh mì Xin chào và ghi hình cho chương trình "Cafe sáng" chỉ 3 ngày trước khi cuộc gặp diễn ra.
Đối với những bạn trẻ thuộc thế hệ 9X, nhà báo Lại Văn Sâm là một thần tượng. Anh em Tâm, Duy cảm thấy vô cùng vinh dự và hạnh phúc khi được gặp gỡ và trò chuyện cùng nhà báo tên tuổi. Họ đã chia sẻ với nhau những câu chuyện khởi nghiệp và ước mơ chinh phục của tuổi trẻ trong nhiều tiếng đồng hồ. Sau cuộc trò chuyện, Tâm trở lại với công việc bận rộn hàng ngày của mình, bán bánh mì, dù hôm nay là ngày nghỉ.
Bức ảnh khiến bạn bè của Tâm, Duy và những người đang dõi theo hành trình khởi nghiệp của hai chàng trai xứ Quảng này bất ngờ xen lẫn ngưỡng mộ.
Chia sẻ với truyền thông, Bùi Thanh Tâm khẳng định dù có rất nhiều thương hiệu đồ ăn nhanh nổi tiếng đang là đối thủ cạnh tranh đối với quán bánh mì Việt, nhưng anh luôn tin rằng bánh mì là một món ăn ngon không có đối thủ.
Qua những ổ bánh mì thơm ngon, hai anh em Thanh Duy mong muốn gửi gắm tất cả tình yêu, tâm tư và khát vọng của bản thân, mong muốn góp phần quảng bá ẩm thực, văn hoá, và cả tinh thần nhiệt huyết, trí tuệ của tuổi trẻ Việt Nam đến với xứ sở Hoa anh đào.
Hai anh cũng mong muốn đóng góp một phần sức lực của mình để hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Nhật đoàn kết, phát triển. Và hai anh em cũng mong muốn Bánh mì Xin Chào là một phần nhỏ trong cây cầu hữu hảo, giao lưu văn hoá, kinh tế Nhật Bản - Việt Nam.
Tổng hợp