Dáng người mảnh khảnh, rất ít nói với đôi mắt sáng luôn giấu sau cặp kính cận dày cộp, nếu không có lời giới thiệu, chắc hẳn ai cũng nghĩ chàng trai người Việt hiếm hoi ở Google này là một con mọt sách chính hiệu.
Thế nhưng, trên thực tế, Lê Viết Quốc là một quái kiệt về Ai, người đã tạo ra cuộc cách mạng trong ngành nghiên cứu về công nghệ tiên tiến nhất của loài người hiện nay.
Sinh năm 1982 trong một gia đình nghèo tại huyện Hương Thủy (Thừa Thiên Huế), chàng trai năm nay bước sang tuổi 36 từng có tuổi thơ sống và học tập trong hoàn cảnh rất khó khăn.
Khu vực nơi anh sống chưa có điện, và để thỏa mãn khao khát nghiên cứu khoa học, Quốc dành phần lớn thời gian ở một thư viện gần nhà, phát minh qua những trang giấy và ôm giấc mơ một ngày nào đó sẽ có những sáng chế của riêng mình.
Tốt nghiệp trường chuyên Quốc học Huế, Viết Quốc theo học ở Đại học Quốc gia Australia (Úc) và sau đó làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Stanford (Mỹ) về trí tuệ nhân tạo. Đây cũng là nơi ươm mầm tài năng của chàng trai trẻ gốc Việt về công nghệ học sâu (Deep leaning).
Năm 2011, Quốc đồng sáng lập Google Brain, cùng với cố vấn Tiến sĩ Andrew Ng, nghiên cứu sinh Google Jeff Dean và nhà nghiên cứu tại Google Greg Corrado, dựa trên cơ sở dữ liệu khổng lồ của Google.
Rời đại học năm 2013, Quốc chính thức gia nhập Google với tư cách một nhà nghiên cứu. Anh sớm đạt được những đột phá ấn tượng trong lĩnh vực dịch máy, trước khi đề xuất và hoàn thiện trình tự chuỗi cùng các nhà nghiên cứu khác ở Google.
AutoML là tâm huyết lớn của Việt Quốc. Đây là một mạng lưới thần kinh học phát triển tự động, với tham vọng trở thành một phiên bản máy móc của hệ thống nơ-ron tương tự khối óc con người, nơi có thể nghe, hiểu và trả lời khi được tương tác.
Năm 2016, dựa trên những thành công trong nghiên cứu của Quốc, Google đã công bố hệ thống dịch máy Nơ-ron (Neural Machine Translation System), sử dụng trí tuệ nhân tạo AI để tạo ra các bản dịch tốt hơn và tự nhiên hơn. Đầu năm nay, Google đã ra mắt AutoML Vision cũng dựa trên những nguyên lý mà Lê Viết Quốc đặt nền móng.
Nói về mơ ước của mình, chàng trai từng lọt vào danh sách "Người cải cách dưới 35 tuổi (Innovators Under 35)" của Tạp chí Công nghệ MIT thừa nhận, tham vọng của mình là "tạo ra được một cỗ máy có thể nhìn, nghe và hiểu được con người", dù bản thân hiểu rằng sẽ còn rất lâu nữa điều đó mới thành hiện thực.