Quá tin vào xét nghiệm nhanh – ‘thủ phạm’ gây ra ổ dịch COVID-19 tại Nhà Trắng?

Tuấn Linh |

Ít nhất 8 người tham dự buổi lễ đề cử bà Amy Coney Barrett vào vị trí thẩm phán Tòa án Tối cao hôm 26/9 tại Nhà Trắng được xác định dương tính với SARS-CoV-2. Các chuyên gia y tế cho biết, con số này có thể còn tăng thêm trong vài ngày tới.

Những người tham dự sự kiện này và mắc COVID-19 tính đến tối ngày 4/9 (giờ Mỹ) gồm có Tổng thống Donald Trump và phu nhân Melania, cựu Cố vấn Nhà Trắng Kellyanne Conway, Thượng nghị sĩ Mike Lee, Thượng nghị sĩ Thom Tillis, Chủ tịch trường Đại học Notre Dame John Jenkins cùng cựu Thống đốc bang New Jersey Chris Christie. Người thứ 8 bị nhiễm là một nhà báo với danh tính chưa được tiết lộ.

Giới chức Nhà Trắng cho biết, tại sự kiện này họ sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh để ngăn chặn nguy cơ virus lây lan giữa quan chức và khách mới. Những người tham dự không đeo khẩu trang hoặc tuân thủ giãn cách xã hội bởi họ được xét nghiệm nhanh hàng ngày, Tổng thống Donald Trump cũng vậy.

Cụ thể, các nhân viên đã sử dụng bộ kit mẫu ID Now do Phòng thí nghiệm Abbott nghiên cứu, phát triển. Sau khi được xét nghiệm âm tính, khách mời dự buổi lễ sẽ tỏa ra Vườn Hồng, địa điểm tổ chức sự kiện, mà tại đó hầu như rất ít người đeo khẩu trang.

Các chuyên gia y tế công nhận định, Nhà Trắng đã sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh chưa đúng cách. Bất kể sử dụng chủng loại, mẫu xét nghiệm nào, việc chỉ dựa vào xét nghiệm nhanh là không đủ để bảo vệ đám đông trước nguy cơ nhiễm virus. “Điều dường như đã bị hiểu sai trong phương pháp này chính là việc họ sử dụng xét nghiệm nhanh giống như cách thức dùng máy dò kim loại”, Ashish Jha, Giám đốc Đại học Y tế công thuộc Đại học Brown nói.

Theo ông, tất cả xét nghiệm, kể cả trong phòng thí nghiệm, đều có thể cho ra một tỉ lệ âm tính giả. Một số nghiên cứu cho thấy bộ kit ID Now của Abbott – với ưu điểm cho kết quả chỉ sau 1 phút, có độ chính xác khoảng 91%, đồng nghĩa 9% còn lại sẽ là âm tính giả. “Có đến 10% trường hợp máy dò kim loại không phát hiện ra vũ khí và vì thế không thể nói chỉ cần một lớp bảo vệ là đủ cho tổng thống”, ông Jha nêu quan điểm.

Chuyên gia Jha phân tích, trong xét nghiệm nhanh, muốn tốc độ nhanh sẽ phải đánh đổi với độ chính xác giảm. Và vì thế, cần theo dõi kết quả xét nghiệm nhiều lần với một cá nhân trong một vài ngày hoặc thậm chí cả tuần mới có ý nghĩa trong sàng lọc. Nếu một ngày không làm xét nghiệm nhanh vì một lý do nào đó, rất có thể cá nhân kia sẽ nhiễm virus trong ngày sau đó.

Về phần mình, Abbott cũng nêu quan điểm về vấn đề này. Phát ngôn viên của công ty này khẳng định: Không một xét nghiệm nhanh nào đủ sức phát hiện ra virus tức thời sau khi một người bị nhiễm. Những bộ kit xét nghiệm nhanh do Abbott phát triển giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm trong xã hội và làm chậm tốc độ lây lan của virus. Mục tiêu cần hướng đến là xét nghiệm thường xuyên, còn trong trường hợp không thể thì ưu tiên xé nghiệm cho đối tượng có triệu chứng hoặc có nguy cơ tiếp xúc gần với nguồn lây nhiễm.

Các nhà nghiên cứu và giới chuyên gia dịch tễ cho rằng, để ngăn chặn lây lan virus, điều quan trọng là chọn cách tiếp cận đa mang - tức xét nghiệm nhanh phải đi kèm với với thực thi giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người. SARS-CoV-2 lây nhiễm qua các giọt bắn kích thước lớn nhỏ khác nhau từ một người nhiễm khi họ nói chuyện, cười, ho hay thở. Những người ở gần có thể hít phải những giọt bắn này và nhiễm bệnh; khoảng cách càng gần, nguy cơ nhiễm virus càng cao.

Tại buổi lễ ở Nhà Trắng hôm 26/9, nhiều khách mời đã ôm vai, hôn chào xã giao và đứng gần nhau mà không đeo khẩu trang. Sự kiện diễn ra ở Vườn Hồng ngoài trời – nơi quan chức, khách mời ngồi sát nhau, cũng kéo dài tới 20 phút. Trong khi đó, hướng dẫn y tế mà Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ định nghĩa nguy cơ đến từ tiếp xúc kéo dài là “hoạt động giao tiếp trực tiếp trong thời hạn từ 15 phút trở lên không có biện pháp bảo vệ ở khoảng cách dưới 2m”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại