'Qua mặt' khủng long và thiên thạch hơn 60 triệu năm trước, loài rắn vẫn sống đến ngày nay như thế nào?

RYANKOG |

Tất cả các loài rắn hiện đại đều là hậu duệ từ một số loài rắn đã sống sót trong sự kiện thiên thạch va chạm Trái đất hơn 60 triệu năm trước.

Theo một nghiên cứu mới đây, tất cả các loài rắn hiện đại có thể đã tiến hóa từ một vài loài rắn sống sót sau vụ va chạm của tiểu hành tinh đã quét sạch loài khủng long hơn 60 triệu năm trước.

Trong một bài báo đăng trên tạp chí Nature, các nhà nghiên cứu nói rằng một số loài rắn đã sống sót sau sự kiện này bằng cách chui xuống lòng đất và tồn tại mà không cần thức ăn trong thời gian dài. Các loài sống sót đã lan ra khắp thế giới và phát triển thành hơn 4000 loài rắn hiện đang được tìm thấy trên Trái đất.

Qua mặt khủng long và thiên thạch hơn 60 triệu năm trước, loài rắn vẫn sống đến ngày nay như thế nào? - Ảnh 1.

Nghiên cứu do các nhà khoa học tại Đại học Bath dẫn đầu và bao gồm các cộng tác viên từ Bristol, Cambridge, Đức, đã sử dụng hóa thạch và phân tích sự khác biệt về gen giữa các loài rắn hiện đại để tái tạo lại quá trình tiến hóa của loài rắn. Các phân tích đã giúp xác định thời gian mà loài rắn hiện đại tiến hóa.

Họ phát hiện ra rằng tất cả các loài rắn còn sống có thể bắt nguồn từ chỉ một số loài sống sót sau sự kiện tuyệt chủng hàng loạt. Theo nghiên cứu, các hóa thạch cũng cho thấy sự thay đổi hình dạng của cột sống rắn sau đó, dẫn đến sự tuyệt chủng của các dòng thuộc kỷ Phấn trắng và sự xuất hiện của các nhóm mới, bao gồm cả rắn biển khổng lồ dài tới 10 mét.

Theo Tiến sĩ Nick Longrich, một trong những tác giả của bài báo, nghiên cứu cho rằng sự kiện tuyệt chủng đã xóa sổ các loài cũ và cho phép những loài sống sót thử nghiệm môi trường sống mới và khai thác các khoảng trống trong hệ sinh thái. Ông cũng nói thêm rằng quá trình này dường như là một đặc điểm của quá trình tiến hóa, trong đó khoảng thời gian ngay sau các sự kiện tuyệt chủng lớn, các loài tiến hóa theo dạng sáng tạo và thử nghiệm.

Qua mặt khủng long và thiên thạch hơn 60 triệu năm trước, loài rắn vẫn sống đến ngày nay như thế nào? - Ảnh 3.

Sự phát sinh loài được hiệu chỉnh theo thời gian dựa trên bộ hiệu chuẩn 42 hóa thạch được phát triển trong nghiên cứu này, theo khuôn khổ Suy luận Bayes.

“Thật ấn tượng, bởi vì chúng không chỉ sống sót sau cuộc tuyệt chủng xóa sổ rất nhiều loài động vật khác, mà trong vòng vài triệu năm sau, chúng đã đổi mới, sử dụng môi trường sống của chúng theo những cách mới”, tiến sĩ Catherine Klein, một trong những nhà nghiên cứu, cho biết.

Nghiên cứu cũng cho thấy rằng rắn bắt đầu lan rộng trên toàn cầu vào khoảng thời gian này. Mặc dù tổ tiên của loài rắn hiện nay có lẽ sống ở đâu đó ở Nam bán cầu, nhưng rắn đầu tiên xuất hiện ở châu Á sau vụ tuyệt chủng.

Qua mặt khủng long và thiên thạch hơn 60 triệu năm trước, loài rắn vẫn sống đến ngày nay như thế nào? - Ảnh 4.

Vụ va chạm với tiểu hành tinh được gọi là sự kiện tuyệt chủng kỷ Phấn trắng-Paleogen đã xóa sổ hơn 75% sự sống trên Trái đất vào thời điểm đó. Ngoài vụ nổ lớn đi kèm với tác động ban đầu, một đám mây bụi khổng lồ đã xuất hiện sau đó bao phủ toàn bộ thế giới, chặn ánh sáng mặt trời và tạo ra những cơn mưa dung nham.

Chỉ có một số loài động vật có thể trú ẩn dưới lòng đất để thoát khỏi cái nóng và tồn tại bằng những lượng thức ăn ít ỏi mới được cho là sống sót, và rắn là một trong số đó. Loài thống trị trên Trái đất vào thời điểm đó, loài khủng long đã bị xóa sổ. Chỉ có một số loài khủng long lông vũ có thể sống sót sau sự kiện này và tiến hóa thành loài chim ngày nay.

Sự tiến hoá của rắn cho thấy vai trò quan trọng của các thảm họa - sự gián đoạn môi trường nghiêm trọng, nhanh chóng và toàn cầu - trong việc thúc đẩy sự thay đổi tiến hóa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại