"Quả đấm thép" của ông Tập và bài học Jack Ma: Giới siêu giàu Trung Quốc đang sợ hãi thế nào?

Hải Võ |

Trong khi khoảng cách giàu nghèo tiếp tục gia tăng tại Trung Quốc, thế hệ thứ hai của giới siêu giàu nước này đang tìm cách để tránh trở thành mục tiêu của nhà chức trách.

(Ảnh: AP)

(Ảnh: AP)

Giới siêu giàu Trung Quốc và bài học Jack Ma

Trong những năm qua, "rich kid Trung Quốc" trở thành từ thể hiện sự phô trương tài sản: Chụp hình cạnh các siêu xe Bentley hay Lamborghini, khoe "tiền quyển" trên mạng xã hội và cho thú cưng đeo đồng hồ Apple bằng vàng,...

Tình hình đến nay đã có nhiều thay đổi. Giới nhà giàu vẫn mua xa xỉ phẩm hay gọi những chai champagne giá 500 USD, và thi thoảng khiến dư luận bất bình vì những vụ lái xe sang vào Tử Cấm Thành. Tuy nhiên, họ bắt đầu nhận thấy cần phải cảnh giác, đặc biệt sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu nhắm đến những tỉ phú của nước này trong vài năm trở lại đây.

"Chúng tôi học được cách cư xử khi chứng kiến gia đình bạn bè mình bị xử lý và ngồi tù," Tu Haoran - 32 tuổi, nhà sáng lập công ty giải trí Fantasy Entertainment, nói với Bloomberg.

"Quá quá nhiều vụ việc xung quanh tôi kể từ năm 2016. Hiện nay mọi người đều trầm lắng hơn. Anh không cần phải cho cả thế giới biết là anh kiếm ra tiền. Việc phô trương có nghĩa lý gì?"

Tương lai được dự báo sẽ có nhiều bấp bênh với giới siêu giàu ở Trung Quốc, đặc biệt từ sau vụ nhà chức trách nước này làm "gãy cánh" kế hoạch IPO cùng giấc mơ huy động 35 tỷ USD của Ant Group do tỷ phú Jack Ma làm chủ hồi đầu tháng trước.

Trung Quốc có xu hướng trở thành nền kinh tế lớn nhất toàn cầu chỉ trong vòng một thập kỷ nữa, song vẫn là một trong những nước mất cân bằng giàu-nghèo nhất, và thực trạng còn diễn biến xấu hơn khi đại dịch Covid-19 hoành hành.

Ông Tập Cận Bình đã tăng cường nỗ lực nhằm bảo đảm tài sản được phân bổ đồng đều hơn giữa 1,4 tỷ dân trước năm 2022, thời điểm Trung Quốc tổ chức Đại hội đảng toàn quốc để chọn ra đội ngũ lãnh đạo khóa mới.

Chủ trì phiên họp Ban thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc hôm 3/12 vừa qua, ông Tập nhấn mạnh "vấn đề phát triển không cân bằng, không đầy đủ" của Trung Quốc "vẫn nổi trội", "việc củng cố và mở rộng thành quả nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo vẫn rất khó khăn".

Trung Quốc đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành xây dựng "xã hội khá giả toàn diện" vào năm 2020, với chỉ số chủ yếu là không còn hộ nghèo. Ông Tập Cận Bình nói mục tiêu cuối cùng hướng đến là xã hội "thịnh vượng chung", với lộ trình đến năm 2049 - khi Trung Quốc kỷ niệm 100 năm quốc khánh.

Sách lược của ông Tập cho thấy sự khác biệt so với đường lối của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình - người tin rằng những người "giàu lên trước" sẽ là động lực đưa toàn dân trở nên giàu có hơn. Đặng cũng nêu rõ rằng Trung Quốc không thể để tồn tại mãi mãi hai tầng lớp giàu và nghèo.

Quả đấm thép của ông Tập và bài học Jack Ma: Giới siêu giàu Trung Quốc đang sợ hãi thế nào? - Ảnh 1.

Tu Haoran trong phòng VIP của một quán bar ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc (Ảnh: Yan Cong/Bloomberg)

Bất bình đẳng giàu-nghèo gia tăng tại Trung QUốc

Kinh tế gia trưởng của Enodo Economics, bà Diana Choyleva, nói rằng dưới thời ông Tập, Trung Quốc "không còn trong tư thế bám đuổi".

"Việc để một số người giàu trở nên giàu hơn, trong khi người nghèo vẫn nghèo hay trở nên nghèo hơn, không còn OK."

Với nhiều rich kid từ tầng lớp tinh hoa siêu giàu Trung Quốc - được gọi chung là các "fuerdai" (phú nhị đại), cha mẹ họ đã phất lên từ giai đoạn bùng nổ kinh tế nhờ tiếp cận sớm với thị trường nước ngoài, độc quyền chiếm lĩnh những ngành nghề mới hay xây dựng danh mục đầu tư lớn trên thị trường chứng khoán và bất động sản non trẻ. Từng có thời mà khi mọi người trở nên giàu có thì gia đình và họ hàng của họ cũng khấm khá lên.

Những bằng chứng mới ngày càng cho thấy các tầng lớp xã hội đang dần trở nên cố định. Điều này là một thách thức với ban lãnh đạo Trung Quốc.

Chỉ số lưu động xã hội (social mobility index) do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố tháng 1/2020 cho thấy Trung Quốc xếp thứ 45 trong 82 quốc gia, đứng sau Mỹ, Nga và hầu hết các nước châu Âu.

Báo cáo của Credit Suisse hồi tháng 10 cảnh báo bất bình đẳng giàu nghèo "gia tăng khá nhanh" sau khi Trung Quốc chuyển dịch sang nền kinh tế thị trường. Theo đó, tính đến cuối năm 2019, Trung Quốc có 5.8 triệu tỷ phú và 21,100 cư dân sở hữu tài sản trên 50 triệu USD - chỉ xếp sau Mỹ.

Một số fuerdai trưởng thành trong môi trường biệt lập với xã hội. Huang, 25 tuổi, chưa bao giờ nhận thức được sự giàu có của gia đình mình cho đến khi học tập tại cơ sở ở Thượng Hải của trường Đại học New York. Cha anh kiếm được hàng trăm triệu nhân dân tệ nhờ đầu tư và các công ty y tế bùng nổ trong thập niên 1990.

"Tôi đã không biết mình giàu có đến vậy," Huang nói. "Cả đời tôi cũng không cần phải làm việc."

Huang thành lập một quỹ đầu tư cùng bạn bè, được các phụ huynh bảo trợ và được chống lưng bởi một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất Trung Quốc. Huang cho biết mọi người xung quanh đều có rất nhiều tiền, và ưu tiên hàng đầu của anh là chứng minh mình giỏi nhất trong lĩnh vực theo đuổi.

"Trước đây tôi mua một chiếc áo Dior vì cho rằng như thế sẽ giúp mình trông hào nhoáng hơn, còn giờ thì tôi muốn một chiếc áo nhìn giá trị hơn khi tôi mặc nó," Huang nói với Bloomberg. "Rich kid ngày nay rất khác với những người lớn lên trong thập niên 1980. Hầu hết mọi người quanh tôi hiểu họ đang làm gì, thay vì chỉ tiêu tiền của cha mẹ."

Quả đấm thép của ông Tập và bài học Jack Ma: Giới siêu giàu Trung Quốc đang sợ hãi thế nào? - Ảnh 2.

Người đàn ông ngồi ăn trước cửa hàng xa xỉ phẩm của hãng Prada tại Bắc Kinh (Ảnh: Gilles Sabrie/Bloomberg)


Nhiệm vụ nan giải với ông Tập Cận Bình

Báo cáo năm 2018 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) chỉ ra rằng phải mất đến 7 thế hệ thì những người sinh ra trong nhóm 10% "dưới đáy" của Trung Quốc mới tiếp cận được mức thu nhập trung bình. Chỉ số này ở Hàn Quốc là 5 thế hệ và tại Nhật Bản là 4.

Trung Quốc được đánh giá tốt về chỉ số tiếp cận giáo dục, theo WEF, song chất lượng giáo dục ở khu vực ngoài thành thị còn yếu kém, mức lương thấp hơn so với các nước khác.

Điều này đưa tới vấn đề cấp bách hơn với ông Tập: Đạt được mục tiêu gấp đôi thu nhập bình quân đầu người so với năm 2010, trước khi đảng Cộng sản Trung Quốc kỷ niệm 100 năm thành lập vào năm sau. Để thực hiện điều này, chính phủ Trung Quốc mới đây thông báo đã xóa bỏ được tình trạng nghèo cực đoan ở vùng nông thôn, dù dịch Covid-19 làm trầm trọng thêm cách biệt giàu nghèo.

Thủ tướng Lý Khắc Cường hồi tháng 5 nói rằng 600 triệu người dân Trung Quốc đang sống với mức thu nhập hàng tháng chỉ 1,000 tệ (khoảng 150 USD) - thực tế gây sốc tại đất nước cứ mỗi tuần lại có một tỷ phú mới.

Việc sớm kiểm soát virus corona giúp kinh tế Trung Quốc khôi phục nhanh hơn, nhưng vẫn có chênh lệch lớn đối với hàng chục triệu lao động thu nhập thấp. Số liệu về chi tiêu xa xỉ phục hồi nhanh chóng hơn giao dịch các mặt hàng như thực phẩm hay gia dụng, cho thấy giới nhà giàu "vực dậy" nhanh hơn so với mặt bằng.

Đối diện nước Mỹ trở nên đối địch hơn với Bắc Kinh, ban lãnh đạo Trung Quốc trong thời gian qua kêu gọi tập trung hơn vào tăng cường phát triển kinh tế trong nước. Một phần trong đó có liên quan đến động thái nhằm vào tài sản của lĩnh vực công nghệ - vốn là đòn bẩy của những người giàu nhất Trung Quốc.

Khi Jack Ma trở thành tỷ phú vào năm 2014, ông được ca ngợi trên mạng xã hội Trung Quốc nhờ tạo ra của cải và công ăn việc làm. Nhưng nhiều người dùng mạng nước này vẫn hồ hởi khi nghe tin vụ IPO của Ant Group bị đình chỉ, và chỉ trích Ma vì phát ngôn thách thức nhà chức trách.

Quả đấm thép của ông Tập và bài học Jack Ma: Giới siêu giàu Trung Quốc đang sợ hãi thế nào? - Ảnh 3.

Quang cảnh một câu lạc bộ đêm tại Bắc Kinh (Ảnh: Yan Cong/Bloomberg)


Thế hệ nhà giàu mới của Trung Quốc thận trọng hơn

Nhiều fuerdai trẻ tuổi giàu có nhận thức rõ hậu quả khi "chọc giận" nhà chức trách, nhưng họ cũng không cho rằng chính phủ sẽ sớm siết chặt nguồn thu nhập. Nhiều người còn trích dẫn những thông điệp gần đây của ông Tập Cận Bình đề cao giá trị của các doanh nghiệp trong thúc đẩy tăng trưởng.

"Quan điểm của tôi là đi theo con đường mà chính phủ dẫn dắt," Wang, con trai một ông trùm ngành truyền thông, nói.

"Tại Trung Quốc, văn hóa 'ghét nhà giàu' đã tồn tại lâu đời, kể từ Cách mạng văn hóa," Wang bình luận thêm. "Đối với tôi và bạn bè ở thế hệ này, điểm chung của chúng tôi là chúng tôi muốn tạo ra của cải của chính mình, thay vì lo sợ tài sản của cha mẹ bị tước đi."

Cha của Wang muốn anh nằm ngoài tầm chú ý. Không có công ty nào trong đế chế của ông có liên hệ với tên tuổi của Wang "con", và hai cha con cũng hết sức thận trọng để tránh đề cập quan hệ giữ họ. Wang được cha cấp tiền tiêu "hạn chế" và không được có thẻ tín dụng, nhằm tránh anh tiêu xài hoang phí hay gây chú ý không cần thiết.

Đề xuất đánh thuế với tài sản thừa kế, tài sản sở hữu hay của cải đã được thảo luận nhiều năm, nhưng chưa được thực hiện, một phần do lo ngại làm tổn hại tầng lớp trung lưu đang nổi lên ở Trung Quốc. Áp đặt các loại thuế này sẽ không giải quyết vấn đề bất bình đẳng của Trung Quốc - theo chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) Xie Fuzhan.

"Theo tôi, thách thức lớn nhất của chúng tôi vẫn là phải làm sao để chiếc bánh trở nên lớn hơn, và làm thế nào chia chiếc bánh tốt hơn," ông Xie nói.

Dù vậy, nhà chức trách Trung tiếp tục giám sát giới nhà giàu một cách chặt chẽ hơn trước đây. Đặc biệt, Trung Quốc thiết lập các hệ thống tự động theo dõi dòng tiền, và đòi hỏi cung cấp nhiều thông tin hơn nếu ai đó muốn chuyển tiền ra nước ngoài, khiến những người siêu giàu gặp khó khăn hơn khi muốn đưa tài sản khỏi Đại lục.

Quả đấm thép của ông Tập và bài học Jack Ma: Giới siêu giàu Trung Quốc đang sợ hãi thế nào? - Ảnh 4.

(Ảnh: Yan Cong/Bloomberg)


Ngày nay, việc chuyển tiền ra nước ngoài cũng rủi ro hơn bởi mối nghi ngờ về Trung Quốc lan rộng tại phương Tây, từ Mỹ đến châu Âu và Australia. Nhiều fuerdai như Tu Haoran tin rằng lộ trình an toàn nhất là "cứ làm việc của mình, đóng thuế, và cư xử đúng mực".

Cha của Tu cho anh 2 triệu tệ (khoảng 300.000 USD) để khởi nghiệp dù không tán thành ý tưởng về gây dựng doanh nghiệp trong lĩnh vực DJ, bởi ông cho rằng đây chỉ là cái cớ để con trai mình tiếp tục ăn chơi. Tuy nhiên, Tu cho biết công ty hiện nay có doanh thu hơn 12 triệu tệ/tháng và anh không cần dựa vào tiền của gia đình nữa.

"Điều tôi lo ngại nhất hiện nay là 'cây cao đón gió lớn'," Tu nói với Bloomberg. "Có của cải nhưng không trở nên siêu giàu là an toàn nhất."

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại