Chủ của bộ sưu tập điếu cày là anh Nguyễn Hoàng Hải (Thái Nguyên). Hiện tại, anh Hải đang là chủ một cửa hàng giày, kinh doanh nhà hàng, quán cà phê. Bên cạnh đó, chủ nhân của bộ sưu tập điếu cày còn là một thợ chụp ảnh và sản xuất chè.
Chia sẻ về thời gian và lí do đến với sở thích sưu tầm điếu cày, anh Hải cho biết, trước kia anh không biết hút thuốc lào, anh chỉ sưu tầm điếu cày vì thấy đam mê nhưng sau khi "bước chân" vào thú chơi này, anh Hải đã bắt đầu hút thuốc lào.
Tính đến thời điểm này, chủ nhân của bộ sưu tập điếu cày đã có thời gian một năm tìm kiếm những chiếc điếu độc lạ vì yêu thích những nét mộc mạc được chạm khắc trên đó.
"Tôi là người thích những đồ độc nhất vô nhị, sau khi nhìn những chiếc điều cày, tôi đã bắt đầu đam mê vì trên đó có nhiều nét độc đáo và hình dáng khác biệt, không "đụng hàng"", anh Hải nói.
Quá trình tạo ra một chiếc điếu cày khó khăn nhất ở giai đoạn tìm nguyên vật liệu. Anh Hải phải lặn lội khắp các làng quê, tìm mua tận các huyện vùng sâu vùng xa.
Tre nứa làm điếu phải đạt các yêu cầu về độ đẹp, hình dáng độc lạ, khác biệt. Do đó, phải chọn loại bánh tẻ, vóc dáng vừa vặn, có ụ mắt đẹp…. Chính những yếu tố này sẽ quyết định chiếc điếu cày khi ra thành phầm có hình thù như thế nào, và mức độ đắt đỏ của chiếc điếu cũng được định giá từ đây.
"Của không nặng bằng công", săn lùng những khúc tre khúc nứa khó khăn nhưng đôi khi được chủ nhà cho không vì với người không sử dụng, nó chỉ như một món đồ bỏ đi. Tuy vậy, quá trình tạo hình, điêu khắc điếu lại đòi hỏi ở nghệ nhân sự tỉ mỉ và tập trung tuyệt đối. Với điếu cày bằng tre, người làm phải cạo sạch lớp cật tre bên ngoài, dùng giấy ráp đánh sạch sẽ, sau đó cho điếu vào nồi luộc hơn 30 tiếng để xử lý hết chất hữu cơ tự nhiên trong thân tre, tránh mối mọt sau này.
Công đoạn cuối cùng là ngâm điếu trong nước bã rượu để khi sử dụng điếu cày "lên nước" chất lượng. Trong giới chơi điếu cày, một chiếc điếu "lên nước" càng nhiều hình thù hoa văn kỳ quái "độc nhất vô nhị", chủ nhân càng được đánh giá là dân sành điệu về điếu. Chính vì vậy, ngoài yếu tố về ngoại hình, một chiếc điếu đảm bảo "lên nước" đẹp mắt có thể có giá lên tới hàng chục triệu đồng.
Theo kinh nghiệm sưu tầm điếu của người này, một chiếc điếu có giá trị cao hay thấp đều phụ thuộc vào độ độc lạ của chất liệu, hoa văn được chạm khắc và hình dáng.
"Điều mà tôi yêu thích nhất ở những chiếc điếu, đó là càng dùng lâu năm chiếc điếu sẽ càng lên nước, khi đó điếu sẽ chuyển qua màu đen, người hút thuốc lào cũng cảm nhận được rõ hơn hương vị", anh Hải cho biết.
Hiện tại "dân chơi" Thái Nguyên sở hữu 30 chiếc điếu độc chưa ai có như bọ cạp, rồng, rắn. Hiện, tổng giá trị của bộ sưu tập lên tới 200 triệu đồng.
Có chiếc điếu độc lạ đã được nhiều người ngỏ ý mua với giá lên 40 triệu đồng nhưng vẫn không được chủ nhân đồng ý bởi đây là thú chơi, là sở thích cá nhân của anh.
Ngoài ra, anh vẫn có thể bán những chiếc điếu cày với số tiền từ 5 triệu – 20 triệu đồng cho ai có thiện chí muốn mua.
Không chỉ công đoạn tạo ra những chiếc điếu khó khăn, tốn nhiều thời gian và tiền bạc mà khâu bảo quản những chiếc điếu độc cũng không dễ dàng.
"Tôi có người chuyên chăm sóc điếu vào cuối ngày. Cách chăm sóc điếu tốt nhất là phải luôn sử dụng. Không được để điếu khô, nếu trong khâu chăm sóc có sai sót thì điếu có thể bị vỡ, hỏng", chủ nhân bộ sưu tập điếu cho hay.
Thời gian tới, anh Hoàng Hải tiếp tục tìm kiếm thêm nhiều mẫu điếu độc lạ để bổ sung vào bộ sưu tập của mình, anh mong muốn mở một câu lạc bộ riêng là nơi trưng bày cũng như giao lưu với những người có chung sở thích kỳ lạ với điếu cày.