Qatar được gì từ World Cup?

HUY ĐĂNG |

Chủ nhà Qatar chi ra khoảng 220 tỉ USD cho việc tổ chức World Cup 2022 (một số trang báo châu Âu còn ước tính lên đến 300 tỉ USD) - con số khiến cả thế giới phải tròn mắt.

Qatar được gì từ World Cup? - Ảnh 1.

Sân vận động Al Bayt - nơi sẽ diễn ra lễ khai mạc và trận đấu đầu tiên của World Cup 2022 - Ảnh: Reuters

Câu hỏi đặt ra là họ sẽ nhận lại gì?

Kỳ World Cup lịch sử

Đầu tiên là những khoản chi của Qatar. Chi phí xây dựng 7 sân vận động mới và cải tạo 1 sân vận động có sẵn vào khoảng 10 tỉ USD. Một hệ thống tàu điện ngầm tối tân, nối kết các sân với nhau trị giá khoảng 36 tỉ USD.

Hàng tỉ USD cũng sẽ được chi ra cho công tác an ninh, các dịch vụ công cộng và nhiều tiện nghi khác dành cho du khách suốt mùa World Cup. Phần còn lại, chiếm đến 3/4 con số kinh phí khổng lồ 200 tỉ USD, thuộc về cơ sở hạ tầng.

Tạm bỏ qua những khoản chi cho cơ sở hạ tầng, vốn thuộc về kế hoạch lâu dài, chỉ riêng những khoản chi liên quan trực tiếp đến World Cup 2022 đã tiêu tốn khoảng 50 tỉ USD. Để so sánh, tổng kinh phí tổ chức 8 kỳ World Cup gần nhất (từ 1990 đến 2018) cũng chỉ là 48,6 tỉ USD. Qatar không chỉ là kỳ World Cup đắt giá nhất lịch sử mà bằng cả lịch sử World Cup cộng lại.

Chi nhiều đến như vậy, Qatar kỳ vọng sẽ nhận được những cú hích mạnh mẽ về kinh tế và du lịch từ World Cup 2022. Theo phân tích của nhóm chuyên gia tài chính do Sydney Scott đứng đầu, việc đăng cai World Cup 2022 trước mắt sẽ tạo ra hơn 1,5 triệu việc làm mới trong các lĩnh vực chính như xây dựng, bất động sản.

Đi cùng với đó, việc đón hơn 1 triệu du khách đến xem World Cup cũng được dự kiến sẽ tạo ra khoảng 2 tỉ USD vào năm 2025 cho nền kinh tế Qatar. Sự gia tăng khách du lịch vào năm 2022 không chỉ thúc đẩy nền kinh tế Qatar trong ngắn hạn, mà còn mang đến những tác động lâu dài.

Ngoài ra, lần đầu tiên đăng cai World Cup là cơ hội để Qatar chia sẻ với thế giới về nền văn hóa của mình, đồng thời tạo nên một di sản lâu dài sẽ gắn liền với Qatar trong nhiều năm tới.

Sẽ xóa sạch mọi nghi ngờ?

Nhưng mặt khác, cũng có nhiều lo ngại cho sự lãng phí. World Cup 2014 của Brazil tiêu tốn 15 tỉ USD, và nhiều năm sau đó, truyền thông của họ chỉ ra rằng nhiều sân vận động đã rơi vào tình trạng hoang phế. Thuật ngữ "con voi trắng" xuất hiện liên tục trong làng thể thao những năm gần đây, ý nói những cơ sở thể thao bị lãng phí.

Tình trạng đó nhiều khả năng sẽ xảy đến với Qatar - đất nước có chưa đầy 3 triệu dân cùng một nền thể thao không có nhiều điểm nhấn. Qatar đã tính đến điều này khi xây dựng sân 974 dưới dạng lắp ráp và có thể tháo dỡ toàn bộ, cùng sân Lusail có thể tinh giảm một nửa chỗ ngồi để chuyển mục đích sử dụng.

Theo kế hoạch, sân 974 sẽ được tháo dỡ toàn bộ để tặng lại cho châu Phi nhằm hỗ trợ nền bóng đá lục địa nghèo nhất hành tinh. Còn khu vực tháo dỡ của sân Lusail sẽ chuyển sang làm trường học, phòng khám, trung tâm thương mại.

Dù vậy, 6 sân vận động khổng lồ còn lại vẫn là quá nhiều với Qatar. Ngay cả đường tàu điện ngầm trị giá 36 tỉ USD nối các sân vận động - được đánh giá là rất hữu dụng trong mùa World Cup - cũng sẽ không còn nhiều mục đích sử dụng sau đó.

B ên cạnh đó, các giá trị quảng bá văn hóa, du lịch, tính hiếu khách của đất nước Qatar cũng bị đặt dấu hỏi, khi mà ngày càng có nhiều người tuyên bố tẩy chay World Cup 2022, đồng thời các lệnh cấm đoán khắt khe khiến du khách cảm thấy bất an.

Ông Nasser Al-Khater, trưởng ban tổ chức World Cup, lên tiếng trấn an: "Mọi người sẽ cảm thấy an toàn tại đây. Điều chúng tôi yêu cầu mọi người chỉ là sự tôn trọng đối với nền văn hóa của chúng tôi".

Tuy nhiên, vào lúc này, người hâm mộ có thể tin tưởng rằng họ sẽ được tận hưởng một bữa đại tiệc mà chủ nhà đã tiêu tốn đến hơn 200 tỉ USD, mang lại vô số những tiện nghi như máy lạnh trong sân thi đấu, giao thông công cộng thuận lợi... Một khi đã bỏ nhiều tiền đến vậy, tất nhiên Qatar không muốn chỉ nhận lại những lời chê bai.

Hồi hộp chờ đợi lễ khai mạc

Lễ khai mạc World Cup 2022 dự kiến sẽ diễn ra lúc 21h ngày 20-11, trên sân vận động Al Bayt cách thủ đô Doha khoảng 30km. Đây là một trong những sân vận động tối tân nhất ở World Cup 2022 với chi phí xây dựng khoảng 900 triệu USD, sức chứa 60.000 chỗ ngồi. Sân được thiết kế như một chiếc lều truyền thống của người dân du mục, đồng thời có mái che có thể thu vào.

Thông tin chi tiết về lễ khai mạc hiện chưa được chủ nhà Qatar công bố, và vẫn còn nhiều tranh cãi liên quan đến những nghệ sĩ biểu diễn. Một số nghệ sĩ đã xác nhận sẽ tham dự như Jung Kook của nhóm BTS (Hàn Quốc), Nora Fatehi (Ấn Độ), nhóm Black Eyed Peas (Mỹ) hay ca sĩ người Colombia J Balvin...

Mặt khác, Shakira - nữ ca sĩ lừng danh từng ba lần biểu diễn ở các kỳ World Cup - nhiều khả năng sẽ rút khỏi lễ khai mạc, nhưng hiện chưa có thông tin chính thức. Ca sĩ người Anh Dua Lipa cũng lên tiếng phủ nhận việc trình diễn ở Qatar sắp tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại