PVTex – từ “con cưng” của Tập đoàn Dầu khí đến thua lỗ hơn 3.000 tỷ, Thanh tra chỉ ra hàng loạt sai phạm

Kinh Kha |

Cuối tháng 10, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quá trình đầu tư xây dựng nhà máy polyester Đình Vũ - khoảng thời gian mà ông Vũ Đình Duy nắm giữ vị trí Tổng giám đốc.

Sau Trịnh Xuân Thanh, có thêm một cựu lãnh đạo công ty thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là ông Vũ Đình Duy – hiện đang là thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Vinachem - đã đi chữa bệnh tại nước ngoài, không có mặt tại cơ quan nhiều ngày mà không có được sự cho phép của lãnh đạo tập đoàn cũng như của Bộ Công thương.

Không chỉ có đặc điểm chung là “đi chữa bệnh nước ngoài không báo cáo cơ quan”, cả Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) – doanh nghiệp mà ông Trịnh Xuân Thanh từng giữ vị trí Chủ tịch HĐQT và CTCP Hóa dầu và xơ sợi Dầu khí (PVTex) – công ty mà ông Vũ Đình Duy có gần 5 năm giữ vị trí Tổng giám đốc đều đang chật vật khắc phục những khoản lỗ lũy kế lên đến hàng nghìn tỷ phát sinh trong và sau thời gian mà 2 người này giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt.

Cả PVC và PVTex đều đang có những khoản lỗ lũy kế xấp xỉ 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong khi hoạt động kinh doanh của PVC đang tiến triển tốt, có lãi trở lại thì tình hình của PVTex vẫn khá ảm đạm, chưa biết khi nào mới cắt lỗ được do hoạt động kinh doanh đình trệ, thiếu vốn để hoạt động.

PVTex – từ “con cưng” của Tập đoàn Dầu khí đến thua lỗ hơn 3.000 tỷ, Thanh tra chỉ ra hàng loạt sai phạm - Ảnh 1.

Ông Vũ Đình Duy

Nhiều sai phạm trong quá trình đầu tư xây dựng

Ông Vũ Đình Duy từng giữ vị trí Tổng giám đốc của PVTex trong thời gian từ tháng 7/2009 đến tháng 2/2014. Đây cũng là khoảng thời gian mà PVTex đầu tư xây dựng và chạy thử nhà máy Polyester Đình Vũ với tổng vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng tại Hải Phòng.

Theo thiết kế, nhà máy Polyester Đình Vũ được PVN đầu tư sẽ dùng nguyên liệu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất để chế biến thành xơ sợi với mục đích giúp Việt Nam tự chủ một phần nguyên liệu dệt may.

Ban đầu, dự án này được hình thành trên cơ sở hợp tác đầu tư giữa PVN và Tập đoàn Dệt may (Vinatex) nhưng sau đó Vinatex đã rút lui vào thoái toàn bộ vốn. Hiện PVN và Đạm Phú Mỹ sở hữu lần lượt là 74% và 26% cổ phần của PVTex.

Cuối tháng 10/2016, Thanh tra Chính phủ sau khi thanh tra PVTex đã kết luận đã có nhiều sai phạm lớn trong quá trình thực hiện dự án.

Cụ thể, PVTex là chủ đầu tư, nhưng trước khi phê duyệt dự án đã không thực hiện tổ chức thẩm định, xem xét các yếu tố về hiệu quả, tính khả thi của dự án. PVTex cũng không thẩm định tổng mức đầu tư như quy định, mà phê duyệt luôn, dẫn đến hậu quả thiếu chi phí vốn lưu động trong thời gian sản xuất thử và sản xuất không ổn định.

Thanh tra Chính phủ kết luận: “Do chủ đầu tư thiếu năng lực, kinh nghiệm, có phần buông lỏng quản lý, dẫn đến việc lập hồ sơ mời thầu, thẩm định, phê duyệt kết quả trúng thầu và ký kết thực hiện hợp đồng không chặt chẽ, chưa rõ ràng, nhiều điều khoản mâu thuẫn và không được thực hiện trong thực tế... gây thiệt hại về kinh tế chưa thể xác định được”.

Với hàng loạt sai phạm, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật, bởi kết quả thanh tra cho thấy quá trình thực hiện dự án đã có dấu hiệu cố ý làm trái hoặc thiếu trách nhiệm gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư.

PVTex – từ “con cưng” của Tập đoàn Dầu khí đến thua lỗ hơn 3.000 tỷ, Thanh tra chỉ ra hàng loạt sai phạm - Ảnh 2.

Lỗ lũy kế hơn 3.000 tỷ

Với nhiều sai phạm ngay từ khi triển khai đầu tư nên không quá bất ngờ khi PVTEx ngay tập tức lỗ lớn khi đi vào sản xuất.

Rất nhiều thông số dự báo trong báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đều bị dự báo sai, kéo theo những khoản chi phí chênh lệch rất lớn so với tính toán. Chi phí vận hành nhà máy đã bị đội lên rất nhiều so với khi lập dự toán, dẫn đến giá thành của sản phẩm cao hơn hẳn xơ sợi nhập khẩu.

Không chỉ vậy, kể từ khi bắt tay vào sản xuất, sản phẩm của PVTex lại không được các doanh nghiệp ưa chuộng do chất lượng sản phẩm không ổn định, là thương hiệu mới lại không có sự liên kết với các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị ngành dệt may dẫn đến tồn kho sản phẩm rất lớn.

Chính vì thế, ngay từ khi chạy thử rồi vận hành thương mại vào tháng 5-2014, nhà máy này liên tục đối mặt với việc không bán được hàng, tạm dừng nhà máy nhiều đợt để tập trung tiêu thụ sản phẩm tồn kho và thu hồi vốn.

Tháng 3/2016, Tổng giám đốc PVTex khi đó là ông Đào Văn Ngọc đã ra thông báo cho biết tình hình tài chính của công ty đang cạn kiệt, mất cân đối và không đủ nguồn vốn lưu động để vận hành Nhà máy, không có khả năng thanh toán chi tiêu tối thiểu và nợ đến hạn.

Theo số liệu từ Đạm Phú Mỹ, trong năm 2013, năm đầu tiên đi vào sản xuất, PVTex lỗ 366 tỷ đồng. Mức lỗ tăng vọt lên thành 1.086 tỷ và 1.308 tỷ đồng trong 2 năm vừa qua.

Báo cáo của PVTex gửi PVN do Báo Tiền Phong trích dẫn lại cho thấy tính đến tính đến 30/6/2016, PVTex đã lỗ lũy kế hơn 3.000 tỷ đồng – vượt xa so với vốn điều lệ 2.165 tỷ đồng dẫn đến việc vốn chủ sở hữu bị âm hơn 800 tỷ.

Cho đến nay, tình hình của PVTex vẫn chưa sáng sủa hơn và nguy cơ phá sản đang cận kề.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại