Thông tin này được Politico trích dẫn từ tài liệu nội bộ của Ủy ban châu Âu (EC). Theo đó, phần lớn tài sản Nga bị đóng băng ở Bỉ (trị giá 50 tỷ euro) và Luxembourg (5,5 tỷ euro).
Bỉ, Luxembourg, Đức, Ireland, Italy, Áo và Pháp là những quốc gia đang phong tỏa giá trị tài sản Nga lớn nhất, chiếm hơn 90% tổng tài sản Nga bị đóng băng ở nước ngoài.
EU đang tìm cách thức để sử dụng tài sản đóng băng của Nga. (Ảnh: AP)
Hồi cuối tháng 10, người phát ngôn của EC Christian Wigand cho biết, tổng số tài sản của Nga bị EU phong tỏa là 17,5 tỷ euro. Ông Christian Wigand cho rằng, tài sản của 1.350 cá nhân và tổ chức Nga đang bị phong tỏa do các lệnh trừng phạt.
Lãnh đạo các nước thành viên EU tháng trước chỉ thị EC nhanh chóng đề xuất cách sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để tái thiết Ukraine. Theo dự kiến, EU sẽ thảo luận về khả năng tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels vào tháng 5 năm sau.
Về mặt pháp lý, các quỹ đóng băng vẫn thuộc về Nga hoặc các công dân nước này. Để sử dụng những tài sản này, EU cần tìm cách tịch thu chúng.
EU đã thu giữ tài sản của các doanh nhân và công ty Nga, cùng với tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga, như một phần của các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moskva.
Ý tưởng sử dụng tài sản tịch thu của Nga để viện trợ cho Ukraine lần đầu tiên được đưa ra cách đây vài tháng và được các chính trị gia châu Âu ủng hộ. Hồi tháng 5, Litva, Slovakia, Latvia và Estonia kêu gọi EU sử dụng tài sản tịch thu của Nga để tài trợ cho việc tái thiết Ukraine sau xung đột.
Các quan chức hàng đầu của Mỹ bao gồm Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cảnh báo, việc sử dụng những khoản tiền đó ở Ukraine có thể là bất hợp pháp.
Nga chỉ trích mạnh mẽ việc các quốc gia phương Tây thu giữ tài sản của nước này. Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov cho rằng việc đóng băng tài sản về cơ bản cấu thành hành vi đánh cắp, bất hợp pháp.